Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam: Cần hướng đi đúng, tránh lãng phí và đánh trống bỏ dùi
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:36, 26/12/2022
Chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời kỳ COVID-19
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, đặc biệt là từ tháng 3.2020 trở lại đây, tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng cũng có những ngành có sự chuyển biến tích cực, trạng thái cách ly xã hội đã tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ truyền thống chuyển sang online khi mà người tiêu dùng ở nhà tránh dịch nhiều hơn, đặc biệt có thể kể đến ngành thương mại điện tử E-commerce và mua hàng trực tuyến Online Shopping là một trong những thành tố phát triển nhanh nhất của nền kinh tế số tại Việt Nam (doanh thu năm 2020 là 5,77 triệu USD, tăng 30,3% và số lượng người dùng đạt 45,6 triệu, tăng 15,1% so với năm 2019 - nguồn: statista).
Trong xu hướng đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, dịch vụ… đã giúp con người hạn chế và vượt qua được cuộc khủng hoảng diện rộng này, mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho xã hội. Xuất phát từ thành công của Việt Nam trong việc ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, kết hợp với chính sách mở rộng cánh cửa hợp tác với các công ty công nghệ nước ngoài của chính phủ, dẫn đến kết quả cụ thể nhất là làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ đang hướng vào khu vực Đông Nam Á, mà Việt Nam đã và đang là lựa chọn hàng đầu trong sự dịch chuyển chuỗi sản xuất này.
Cũng chính vì lý do đó, hoạt động chuyển đổi số cũng trở nên cấp thiết nhằm giúp doanh nghiệp có nhiều thay đổi tích cực hơn để đón đầu làn sóng đầu tư này. Trong bức tranh chuyển đổi số đó, doanh nghiệp cần hướng vào 3 đối tượng:
Người lao động cho doanh nghiệp: Sử dụng một số phần mềm để người lao động giảm bớt các công việc dễ có sai sót và tốn thời gian như tính toán, nhập liệu. Hoặc triển khai kết nối không dây giữa những người lao động với nhau, họp trưc tuyến, làm việc từ xa… nhằm mang lại lợi ích cho người lao động.
Hoạt động của doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiêp sản xuất triển khai hệ thống tự động hóa để tăng tính chính xác, giảm thời gian và chi phí sản xuất. Ví dụ như doanh nghiệp chế biến hải sản, trước đây muốn kiểm tra năng suất một ngày được bao nhiêu, từng người công nhân sản xuất đến cuối ngày/cuối phiên phải báo cáo cho tổ trưởng, sau đó tổ trưởng mới báo cáo cho ca trưởng, ca trưởng báo cáo cho kế toán tổng hợp cho giám đốc. Nhưng bằng cách sử dụng hệ thống bộ đếm và phần mềm quản lý, giám đốc có thể theo dõi tình hình thực tế tổ nào làm được bao nhiêu mà không cần phải chờ báo cáo cuối ngày hoặc cuối phiên sản xuất. Việc này giúp rút ngắn được quy trình, tăng tính chính xác, hỗ trợ người quản lý phát hiện nguyên nhân nếu có sự cố từ đó đưa ra cách giải quyết nhanh hơn.
Khách hàng của doanh nghiệp: Lấy ví dụ, ngân hàng sử dụng phần mềm giao tiếp tự động để số hóa công việc tương tác với khách hàng, điều hướng cuộc gọi, giải đáp một số thắc mắc cơ bản. Tuy nhiên để thực hiện được nhiều tính năng đa dạng như giải quyết từng nhu cầu riêng lẻ của khách hàng, check số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ thì cần phải kết nối được với hệ thống nghiệp vụ ngân hàng cơ bản để truy cập được database (cơ sở dữ liệu) của ngân hàng.
Tuy nhiên, để phục vụ cho 3 đối tượng của doanh nghiệp trong quá trình số hóa, yêu cầu doanh nghiệp cần phải chuẩn bị trước 2 lớp bên dưới:
Lớp ứng dụng: Là các hệ thống bên dưới ví dụ như ERP, DMS, Logistic… để giúp quản lý, số hóa các hoạt động của doanh nghiệp. Khi đã có các hệ thống trên rồi thì phải bảo đảm cho những hệ thống này nói chuyện được với nhau và tạo ra được các dữ liệu mang tính có giá trị.
Lớp dữ liệu: Là tổng kho dữ liệu (Data Warehouse), là Bộ xử lý trí tuệ doanh nghiệp (Business Intelligence), MRS, các báo cáo… từ các dữ liệu đó mới đẩy lên các ứng dụng, chức năng về số hóa ở bên trên.
Hầu hết các doanh nghiệp muốn số hóa đều đi theo lộ trình như trên, nhưng chuyển đổi số không có nghĩa là doanh nghiệp phải đầu tư tất cả các lớp bên dưới và cần phải có dữ liệu tập trung thì mới thực hiện được những chức năng bên trên đó là cái nhìn sai lầm. Số hóa thì cần phải có dữ liệu, nếu không có dữ liệu thì doanh nghiệp đừng nghĩ đến chuyện số hóa.
Chiến lược chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Số hóa cũng cần có chiến lược giống như là kinh doanh và dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp, từ đó mới đưa ra chiến lược số hóa là doanh nghiệp muốn số hóa phần nào và cần làm gì. Ví dụ, doanh nghiệp muốn thúc đẩy doanh số thì theo chiến lược kinh doanh phải tăng số lượng sản phẩm bán ra bằng cách mở rộng hệ thống đại lý, phát triển các kênh bán hàng, marketing nhiều hơn.
Từ đó, xác định hướng mà doanh nghiệp sẽ đi theo ở thị trường Việt Nam, tại thời điểm này, với nguồn lực hiện tại. Lấy ví dụ, doanh nghiệp xác định thương mại điện tử là một kênh bán hàng quan trọng thì lúc đó xác định là cần có một nền tảng thương mại điện tử kết nối thông tin với các phần sản phẩm bên dưới của doanh nghiệp với khách hàng (API). Không có mô hình tuyệt đối “best practices”, từng doanh nghiệp sẽ có nhu cầu và chiến lược số hóa cho riêng mình. Và để giảm thiểu chi phí, doanh nghiệp nên tìm các đơn vị ERP có kinh nghiệm và hiểu về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, để dễ dàng chuẩn hóa quy trình ERP cho riêng mình, sau đó doanh nghiệp có thể xem xét sử dụng các ERP có nguồn mở miễn phí như ODOO, ERP5… để chỉnh sửa cho phù hợp với hoạt động doanh nghiệp mình.
Xu hướng chuyển đổi số sẽ đi theo xu hướng chung của công nghệ
Trong thời gian qua, chính phủ đã có nhiều sự tập trung vào công nghệ, đặc biệt là ở lĩnh vực ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào việc chuyển giọng nói thành văn bản. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của chính phủ trong cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng rộng rãi, đa dạng ở các lĩnh vực.
Theo dự báo của Google Temasek, trong khoản 10 năm trở lại, 25% FDI (số lượng lao đông) sẽ chuyển đổi về kỹ thuật, nghĩa là những công việc có tính lặp đi lặp lại, có công thức và khung pháp lý rõ ràng sẽ được thay thế băng người máy. Lấy ví dụ, bình thường cần 10 luật sư nhưng đến khi đó chỉ cần 2 đến 3 luật sư để giải quyết những trường hợp đặc biệt, còn các trường hợp khác đã được luật hóa hoàn chỉnh thì sẽ được giao cho phần mềm trí tuệ nhân tạo tự động thực hiện.
Hoặc lấy ví dụ khác, các công ty bán hàng qua mạng như Lazada, Tiki lúc đó sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất nhiều, khi đó lực lượng con người bán hàng không nhiều nữa, mà sẽ thông qua nền tảng, kết nối với các đơn vị logistics bên ngoài, từ đó họ sẽ không còn phải quản lý nhiều vấn đề nữa. Nền kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng đó và khi đó những ngành nghề như thương mại điện tử sẽ lên ngôi nhiều hơn. Và trong chuyển dịch số, đến một thời điểm nhất định, họ sẽ là những người khổng lồ thống lĩnh thị trường mà họ đang xây dựng từ hôm nay, đó cũng là lúc các ngành công nghiệp truyền thống, thủ công sẽ bị mai một dần.
Như đã đề cập ở trên, nền kinh tế Việt Nam thời hậu COVID-19 đang có triển vọng sáng nhất khu vực châu Á, hứa hẹn nhiều nguồn đầu tư FDI từ phương Tây và có thể bùng nổ vào năm 2023 khi đại dịch được đẩy lùi, các lệnh hạn chế được nới lỏng.
Hơn thế nữa, căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng hướng các gã khổng lồ công nghệ như Apple, Qualcomm và nhiều công ty tập đoàn công nghệ khác trên thế giới đã lên kế hoạch chọn Việt Nam là điểm đến mới để xây dựng nhà máy và các trung tâm thí nghiệm của mình. Việt Nam đang đứng trước những sự thay đổi lớn trong năm 2023, vừa là thách thức, vừa là cơ hội và nếu các doanh nghiệp Việt mạnh dạng thay đổi, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thì họ hoàn toàn có thể tận dụng tốt thời cơ này.
* Tiến sĩ Phan Gia Hoàng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM chuyên ngành Cơ Điện Tử thuộc chương trình Đào tạo Kỹ sư Chất Lượng Cao Việt Pháp. Ông nhận học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Nanyang Singapore (NTU) ngành chế tạo Robot. TS Phan Gia Hoàng từng nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Monash – Úc trong lĩnh vực Robot y học. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở cấp độ Quản lý ở các tập đoàn Rolls-Royce, Panasonic, Ernst & Young (EY)… Hiện ông là nhà nghiên cứu và chủ nhiệm bộ môn Phát triển khởi nghiệp tại Đại học FPT TP.HCM.