Vụ AIC: Luật sư đề nghị cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt

Sự kiện - Ngày đăng : 15:23, 26/12/2022

Ngày 26.12, các luật sư tiếp tục tiến hành bào chữa cho 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Chấp nhận làm ‘quân xanh’ để được bán hàng

Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy (Giám đốc Công ty TNT), luật sư Đỗ Mạnh Trường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thời điểm năm 2012-2013, Công ty AIC là một doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Công ty TNT và các doanh nghiệp khác bán thiết bị y tế vào dự án phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của Công ty AIC.

Theo cơ chế này, luật sư cho rằng bị cáo Lê Thị Bích Thủy phải chấp nhận làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho Công ty AIC để bán được hàng vào dự án; đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên, duy trì sự ổn định và phát triển cho công ty.

Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do Công ty AIC sắp xếp, Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu và được cung cấp thiết bị vào 02 Gói thầu số 07 và số 65.

toan_canh-ttxvn.jpeg
Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày - Ảnh: TTXVN

Luật sư cho biết, đến đầu năm 2014, Công ty TNT đã hoàn thành việc thi công được hai bên nghiệm thu bàn giao đầy đủ.

Do đó, luật sư nhấn mạnh Công ty TNT thực hiện việc thi công gắn liền với việc cung cấp thiết bị của Gói thầu số 07 là “thực hiện công việc trong hợp đồng” đảm bảo việc lắp đặt thiết bị được đồng bộ, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, không phải là “Công ty AIC giao cho Công ty TNT thi công”.

Ngoài ra, luật sư Trường cũng nêu rõ xuyên suốt hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNT, bị cáo Lê Thị Bích Thủy là người có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Từ đó, luật sư kính đề nghị HĐXX ghi nhận những đóng góp rất lớn liên tục trong thời gian dài cho xã hội của bị cáo Lê Thị Bích Thủy để áp dụng những chính sách khoan hồng đặc biệt khi quyết định mức hình phạt.

Vai trò giúp sức không đáng kể

Bị cáo Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ dự thầu) bị cáo buộc thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thuý Nga và đồng phạm.

VKS xác định bị cáo Tuân đã báo cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Thị Thanh Nhàn để lựa chọn các công ty tham gia dự thầu, công ty dự kiến sẽ trúng thầu (“Quân đỏ”); sau đó liên hệ và tiếp nhận giấy giới thiệu của các công ty tham gia dự thầu chuyển cho Nguyễn Tấn Sỹ đi mua hồ sơ mời thầu.

Tuân cũng thông báo cho Hoàng Thế Quỳnh, công ty “Quân đỏ” để lấy ủy quyền của hãng cho các công ty này; giao hồ sơ mời thầu cho nhóm Hoàng Thế Quỳnh làm hồ sơ kỹ thuật cho các công ty dự thầu. Tuân trực tiếp làm hồ sơ “Quân xanh” Gói số 67, 72, làm hồ sơ “Quân đỏ” Gói số 71, 74 cho Công ty Thành An Hà Nội và làm hồ sơ “Quân xanh” Gói số 73 cho Công ty TNT…

Hành vi của Lê Chí Tuân đã phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và bị VKS đề nghị HĐXX xử phạt từ 4 - 5 năm tù.

quang-canh-5-.jpg
Phiên tòa ngày 26.12 - Ảnh: TTXVN

Bào chữa cho bị cáo Tuân, theo luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng hành vi phạm tội của Tuân chỉ mang tính giản đơn và có vai trò giúp sức không đáng kể.

Luật sư Tuyến phân tích, sau khi nhận được thông báo trực tiếp từ Hoàng Thị Thúy Nga về việc các doanh nghiệp dự thầu và doanh nghiệp nào là "quân xanh", doanh nghiệp nào là "quân đỏ" trong mỗi gói thầu, bị cáo Tuân có nhiệm vụ truyền đạt lại.

Ngoài ra, Tuân phân công cho những người trong nhóm hồ sơ dự thầu liên hệ với các công ty được sắp xếp dự thầu từ trước để lấy giấy giới thiệu, gửi vào Văn phòng miền Nam cho nhân viên ở đây đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mua hồ sơ mời thầu.

Nhận được hồ sơ mời thầu, bị cáo Tuân cùng những người trong nhóm tiếp tục liên hệ với các bộ phận, phòng ban chuyên môn của Công ty AIC và các công ty được chọn làm "quân xanh" hoặc "quân đỏ" trong mỗi gói thầu để tập hợp tài liệu, giấy tờ cần thiết, theo yêu cầu của hồ sơ dự thầu.

Hành vi tiếp theo và cũng là sau cùng của bị cáo Tuân cùng những người trong nhóm, theo luật sư, đó là photo bộ hồ sơ dự thầu hoàn chỉnh thành nhiều bản, rồi đóng gói, niêm phong tạm thời và gửi vào Văn phòng miền Nam của Công ty AIC.

Với những phần việc này, luật sư cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định hành vi phạm tội của Lê Chí Tuân trong việc giúp sức cho nhóm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn thông thầu chỉ mang tính giản đơn, thủ tục, giấy tờ.

Trong phần bào chữa, luật sư Tuyến cũng cho biết, mặc dù hoàn cảnh gia đình bị cáo hết sức khó khăn nhưng thân chủ của ông vẫn cố gắng nhờ cậy bạn bè và thông qua bạn bè nộp 100 triệu đồng khắc phục một phần hậu quả của vụ án. Tại phiên tòa, khi biết mình có thể không phải chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại, nhưng bị cáo Tuân vẫn tự nguyện nộp số tiền trên cho Nhà nước.

Từ những phân tích nêu trên,  luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Tuân được hưởng các tình tiết “bị cáo ra đầu thú, gia đình bị cáo thuộc gia đình chính sách, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn” và áp dụng cho bị cáo Lê Chí Tuân được cải tạo ở ngoài xã hội.

Trong phiên tòa chiều 26.12, nhiều luật sư cũng nêu thêm các tình tiết giảm nhẹ, mong HĐXX, VKS xem xét áp dụng cho thân chủ của mình.

Nhã Thanh