Tình hình các thị trường châu Á năm 2022

Quốc tế - Ngày đăng : 09:27, 27/12/2022

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các thị trường châu Á năm nay phải đối mặt với lạm phát cao lịch sử và làn sóng ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ.

Yên Nhật trở thành đồng tiền mất giá nhất khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất.

Cổ phiếu công nghệ nổi tiếng trong khu vực như cổ phiếu của Samsung Electronics hay của TSMC mất giá đáng kể do chính sách thắt chặt tiền tệ cùng dự báo suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, tình hình ở một số quốc gia và lĩnh vực vẫn tốt đẹp nhờ chính sách phù hợp và nền tảng kinh tế vững chắc.

Tiền tệ

Hoạt động của thị trường tiền tệ năm nay kết thúc bằng quyết định tăng biên độ dao động lãi suất dài hạn gây bất ngờ từ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ).

Động thái trên làm yên Nhật tăng giá, nhưng tính đến ngày 21.12 đồng tiền này giảm đến 13% giá trị so với USD - suy yếu đáng kể so với các loại tiền tệ châu Á khác. Tháng 10 vừa qua, yên Nhật lần đầu tiên trong 32 năm rơi xuống mức 1 USD đổi 150 yên khi BOJ đi ngược lại xu hướng thắt chặt của toàn cầu.

Ngược lại, đồng tiền Singapore chỉ giảm 0,15% giá trị so với USD. Ngân hàng trung ương đảo quốc sư tử từ tháng 10.2021 đến tháng 10.2022 tiến hành thắt chặt tiền tệ đến 5 lần nhằm kiềm chế lạm phát.

infla00.jpg
Yên Nhật là đồng tiền mất giá nhất - Ảnh: Nikkei Asian Review

Trái phiếu chính phủ

Song song với lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ ở hầu hết quốc gia châu Á cũng tăng.

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hàn Quốc vào ngày 21.12 đạt 3,567% - tăng so với 2,255% cuối năm 2021.

Quyết định tăng biên độ dao động lãi suất dài hạn BOJ đưa ra đẩy trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật lên 0,470%.

Giá hàng hóa

Với việc Ukraine là quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn và Nga là quốc gia xuất khẩu dầu khí hàng đầu, cuộc xung đột giữa hai nước đẩy giá lúa mì cùng năng lượng lên cao. Hộ gia đình và doanh nghiệp châu Á không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Giá mặt hàng năng lượng, thực phẩm và kim loại thiết yếu bắt đầu giảm từ giữa năm và hiện đã quay lại mức trước chiến tranh. Hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine được khôi phục góp phần kéo giảm giá, bên cạnh nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Một số kim loại quan trọng khá nhạy cảm với triển vọng kinh tế. Giá đồng tính đến ngày 21.12 giảm hơn 10% chủ yếu do kinh tế Trung Quốc (nước tiêu thụ lớn nhất) khó khăn.

Giá cả nhìn chung đã đạt đỉnh, nhưng về lâu dài vẫn ở mức cao tiềm ẩn rủi ro gây ra lạm phát trong vài năm tới. Áp lực lạm phát ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường trái phiếu, tiền tệ, cổ phiếu.

infla01.jpg
Các nước châu Á đối mặt với lạm phát cao lịch sử trong năm 2022 - Ảnh: Nikkei Asian Review

Cổ phiếu

Nhiều công ty giá trị nhất châu Á sụt giảm giá trị trong năm 2022: cổ phiếu Tencent và Alibaba của Trung Quốc lần lượt giảm 28% và 29%, cổ phiếu Samsung Electronics của Hàn Quốc giảm 26%, cổ phiếu TSMC của Đài Loan giảm 25%, cổ phiếu Sea (tập đoàn thương mại điện tử, phát triển trò chơi trực tuyến) của Singapore giảm đến 77%. Tất cả đều trải qua một năm đầy thử thách sau khi tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ đại dịch.

Ngược lại công ty hoạt động ở lĩnh vực hàng tiêu dùng lại tăng giá trị, chẳng hạn cổ phiếu công ty khai thác dầu khí Inpex của Nhật tăng 40%. Cổ phiếu ngành ngân hàng và hàng không cũng ghi nhận mức tăng hai con số.

Nhìn chung thị trường chứng khoán năm nay đi xuống, nhưng chỉ số Sensei của Ấn Độ tính đến ngày 21.12 tăng 4,8% - tốt nhất trong các chỉ số châu Á.

Ấn Độ thuộc số thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, nhờ dự báo tăng trưởng 7,2% vào năm 2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mà dòng vốn ồ ạt đổ vào chứng khoán nước này trong nửa cuối năm nay.

Chỉ số Straits Times của Singapore cũng tăng 4,2% chủ yếu nhờ cổ phiếu ngành ngân hàng thể hiện tốt.

infla02.jpg
Cổ phiếu các công ty công nghệ mất giá - Ảnh: Nikkei Asian Review

Năm 2023

Nguy cơ suy thoái toàn cầu đang dần hiện rõ, vì vậy các thị trường châu Á sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Chuyên gia Justin Tang (công ty tư vấn đầu tư United First Partners) nhận định cuộc chiến tại Ukraine cùng tình hình COVID-19 tại Trung Quốc tiếp tục là yếu tố quan trọng cần chú ý trong năm tới.

Chiến sự đang diễn ra có thể làm tăng áp lực lạm phát với ngành năng lượng. Trung Quốc sau khi nới lỏng đang hứng chịu làn sóng COVID-19 mới.

“Chúng ta không chắc liệu họ có tái áp đặt loạt biện pháp hạn chế hay không. Nhưng ngay cả khi không áp đặt, số ca nhiễm gia tăng đồng nghĩa với việc lượng lớn lực lượng lao động tạm ngừng làm việc một thời gian. Điều này sẽ ảnh hưởng chuỗi cung ứng một lần nữa”, theo chuyên gia Tang.

Ông nói thêm: “Tôi cho rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, ít nhất trong đầu năm 2023. Các ngân hàng trung ương chịu áp lực duy trì chính sách tăng lãi suất”.

Cẩm Bình