Đề xuất dùng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng: Khó khả thi!

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:04, 27/12/2022

Với đề xuất cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp với trị giá tối đa bằng 70%, các chuyên gia cho rằng điều này khó khả thi.

Đề xuất dùng trái phiếu làm tài sản bảo đảm vay vốn

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét không nên giữ nguyên “chuẩn” tín dụng trong tình thế “bất thường” hiện nay mà nên “nới chuẩn tín dụng một chút” để giúp các doanh nghiệp vay được vốn.

Hiệp hội hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước ngày 5.12.2022 đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% để có thêm khoảng 240.000 tỉ đồng cộng với khoảng 200.000 tỉ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế. Nhưng đến nay, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay được tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho rằng trong tình thế “bất thường” thì Nhà nước phải ban hành các giải pháp “bất thường” để xử lý kịp thời và hiệu quả và đối với thị trường bất động sản đang rất khó khăn hiện nay.

Theo ông Châu, hiện nay, do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng nên các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với một số trường hợp.

chau.jpeg
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Cụ thể, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt “chuẩn” tín dụng.

“Chúng tôi nhận thấy, nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn”, ông Châu nêu.

Ngoài ra, theo ông Châu, doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp đã hết tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do ngân hàng không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu nên không đạt “chuẩn” tín dụng.

Theo ông Châu, nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là “vốn mồi” để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.

Ông Châu cũng cho rằng hiện nay hầu như không có căn hộ nhà ở xã hội trên thị trường, trong khi nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50% dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án khoảng 2 tỉ đồng/căn, nhưng người mua nhà ở thương mại chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý.

tp-1.jpeg
Đề xuất cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp

Do vậy, ông Châu đề nghị cho phép “tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay”.

Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho phép “người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 (hoặc 2 tỉ đồng/căn) được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng (hoặc với lãi suất hợp lý do Ngân hàng Nhà nước quy định).

Thế chấp trái phiếu doanh nghiệp để vay ngân hàng: Không hợp lý!

Trước đề xuất dùng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo, nhiều chuyên gia cho rằng khó thực hiện bởi trái phiếu do doanh nghiệp phát hành là nợ của doanh nghiệp, không phải là tài sản nên không thể đem đi thế chấp vay vốn.

Nói với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng đề xuất này không hợp lý, vì trái phiếu đã phát hành đợt trước được doanh nghiệp mua lại đa số là không có tài sản bảo đảm. Do vậy, hiện nay nếu thế chấp các trái phiếu đó đi vay 70% thì giống như “tay không bắt giặc”. Trong khi đó nguyên tắc cho vay của ngân hàng là phải có tài sản bảo đảm hoặc thẩm định được dòng tiền, khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Huân, nếu trái phiếu đó có tài sản đảm bảo và tài sản này được thẩm định đầy đủ thì ngân hàng cũng có thể cân nhắc chấp nhận trái phiếu là tài sản thế chấp cho khoản vay, nhưng sẽ phải đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm. Tỷ lệ cho vay đến 70% giá trị trái phiếu thì khá rủi ro.

huan.jpg
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Về giải pháp tín dụng, GS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng cần mở room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó ưu tiên cho vay các dự án bất động sản sắp hoàn thành, các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách khác…

“Ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án cao cấp; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân”, ông Chương nêu và cho rằng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 tổ chức sáng 27.12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết thời gian tới sẽ có giải pháp về tín dụng giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định.

Phó thống đốc Tú tiết lộ sắp tới sẽ có cuộc tọa đàm về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án... nhằm giúp phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để "đóng băng". Đây cũng là cơ hội để trao đổi, chia sẻ giữa các ngân hàng thương mại, hiệp hội và doanh nghiệp.

Hoài Lam