Cựu nữ luật sư bằng sáng chế kiện Apple vì phân biệt đối xử, ngó lơ việc lạm dụng tình dục
Thế giới số - Ngày đăng : 10:59, 28/12/2022
Trước khi bị sa thải, Jayna Richardson Whitt là luật sư bằng sáng chế hàng đầu của Apple.
Jayna Richardson Whitt đã kiện Apple ở bang California (Mỹ), tuyên bố công ty trả đũa cô sau khi biết được “tình trạng bị lạm dụng của cô”. Cụ thể hơn là từ chối cơ hội cho Jayna Richardson Whitt ở các vị trí cấp cao hơn và cản trở sự phát triển sự nghiệp của cô.
Jayna Richardson Whitt đang tìm kiếm khoản bồi thường không xác định cho những thiệt hại kinh tế và đau khổ về tinh thần.
Apple không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện này.
Jayna Richardson Whitt làm việc tại Apple từ năm 2006. Trong thời gian đó, Jayna Richardson Whitt nói rằng cô đảm nhận các vai trò khác nhau, gồm cả giám đốc giao dịch sở hữu trí tuệ, nhưng cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Một nam giám sát viên da trắng “ưu ái nam giới da trắng và khiến người thiểu số, phụ nữ và nhân viên khuyết tật, phải chịu sự đối xử phân biệt đối xử”,
Jayna Richardson Whitt tuyên bố như vậy trong đơn kiện nộp tại tòa án tiểu bang ở thành phố San Mateo, bang California, Mỹ.
Tự nhận mình là mẹ đơn thân gốc Á, Jayna Richardson Whitt cho biết sự phân biệt đối xử thể hiện rõ ràng trong các quyết định nhân sự, cố vấn, phân công và mời họp.
Theo đơn kiện, Apple đã từ chối yêu cầu từ Jayna Richardson Whitt để giúp bảo mật các tài khoản kỹ thuật số cá nhân sau khi chúng và iPhone của cô bị kẻ lạm dụng xâm phạm.
Apple từng chi hơn 630.000 USD để bảo vệ Giám đốc điều hành Tim Cook vào năm 2021 khỏi một người phụ nữ đã theo dõi ông, Jayna Richardson Whitt cho biết trong đơn kiện của mình.
Jayna Richardson Whitt cho biết dù chia sẻ bằng chứng về những lời đe dọa giết người và khủng bố cô của kẻ lạm dụng, Apple vẫn khiến cô “không thể tự bảo vệ được”.
Jayna Richardson Whitt nói rằng Apple đã để cô tự bảo mật các thiết bị, tài khoản và Wi-Fi của mình mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ người khác trong bộ phận an ninh toàn cầu ở công ty.
Sau khi Jayna Richardson Whitt đăng một bài luận vào tháng 4 mô tả hành vi trả đũa và phân biệt đối xử của Apple, công ty đã mở một cuộc điều tra về hành vi của cô trước khi chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 7 “dựa trên những cáo buộc có căn cứ rằng cô đã vi phạm chính sách của Apple”. Jayna Richardson Whitt đề cập như vậy trong đơn khiếu nại của mình.
Apple bị nhiều nữ nhân viên cáo buộc xử lý kém với hành vi quấy rối tình dục
Hồi tháng 8, tờ Financial Times đưa tin 15 phụ nữ từng hoặc đang làm việc tại Apple cho biết bị quấy rối tình dục tại công sở và đã khiếu nại. Thế nhưng, công ty xử lý kém với các khiếu nại này.
Các nữ nhân viên trên cho biết, sau khi họ tố cáo các hành vi quấy rối với công ty thì bị trả thù, trong khi phản ứng từ phía Apple đáng thất vọng hoặc không mấy hữu ích.
Không bình luận về thông tin trên nhưng Apple cho biết luôn cố gắng điều tra rõ khiếu nại về các hành vi sai trái, đồng thời khẳng định sẽ đưa ra điều chỉnh trong quá trình đào tạo nhân viên.
Các vụ bê bối quấy rối tình dục hoặc phân biệt đối xử từng làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ hàng đầu nước Mỹ, sau phong trào #MeToo.
Phong trào này được phát động với mục đích thay đổi văn hóa, thái độ và hành vi thiên vị nam giới trong ngành công nghệ.
Bài viết Financial Times dẫn câu chuyện của Megan Mohr, khi cô chia sẻ nhờ cảm hứng từ phong trào #MeToo nên quyết định tố cáo hành vi sai trái của đồng nghiệp nam năm 2018.
Sau khi gửi đơn khiếu nại đến ban quản lý nhân sự, Megan Mohr nhận được phản hồi rằng hành vi của đồng nghiệp nam nói trên có thể tiềm ẩn yếu tố phạm tội, song không vi phạm bất cứ chính sách lao động nào của Apple.
Megan Mohr đã quyết định nghỉ việc vào tháng 1.2022, sau 14 năm làm việc tại Apple và yêu cầu công ty nhìn nhận nghiêm túc các chính sách bảo vệ người lao động.
Trong khi Jayna Richardson Whitt tố cáo một luật sư Apple có hành vi bạo lực và lạm dụng với cô, tuy nhiên Apple chỉ khuyên Jayna Richardson Whitt báo cảnh sát nếu thấy không an toàn, thâm chí cô bị khiển trách vì để mối quan hệ cá nhân cản trở công việc. Sau đó, Jayna Richardson Whitt bị sa thải.
Sau nhiều lần phàn nàn về môi trường làm việc phân biệt giới tính, quấy rối tình dục và không an toàn, Ashley Gjøvik (nữ kỹ sư quản lý dự án) đã bị Apple cho nghỉ việc có lương vô thời hạn hồi tháng 8.2021 để điều tra.
Chia sẻ với trang The Verge, Ashley Gjøvik cho biết đã nêu lên vấn đề phân biệt giới tính ở Apple nhiều năm, từ chuyện quấy rối tình dục đến trả đũa cá nhân với nhân sự khác. Apple sau đó đề xuất Ashley Gjøvik tham gia chương trình hỗ trợ nhân viên điều trị và nghỉ việc chữa bệnh, nhưng cô cảm thấy không hài lòng với đề xuất này.
“Trong hàng tháng trời, tôi đã nêu lên vấn đề với nhóm quan hệ nhân sự Apple về kinh nghiệm nhiều năm với phân biệt giới tính, môi trường làm việc thù địch, quấy rối tình dục, điều kiện làm việc không an toàn và trả đũa. Tôi đã đề nghị nhóm này giảm bớt môi trường thù địch trong khi chờ điều tra thêm. Và rồi họ đề xuất với tôi chương trình hỗ trợ nhân sự điều trị và nghỉ việc chữa bệnh. Tôi nói rằng điều đó thật vô nghĩa, họ nên nói chuyện với lãnh đạo để thiết lập giám sát và đặt ra những ranh giới”, Ashley Gjøvik nói trong cuộc phỏng vấn với The Verge.
Ngoài nghỉ việc có lương, Ashley Gjøvik còn bị cắt quyền truy cập nội bộ vào ứng dụng Slack của đội ngũ kỹ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc cô không được tham gia vào bất cứ dự án nào.
Ngoài ra, Ashley Gjøvik cũng được yêu cầu không sử dụng bất cứ hội nhóm nào để nêu lên vấn đề và không được gặp gỡ các nữ nhân sự khác ở Apple để thảo luận về chính sách của công ty.
Apple không phải là hãng công nghệ lớn duy nhất đối mặt với những cáo buộc về các hành vi lạm dụng hoặc xử lý kém các khiếu nại về hành vi sai trái.
Hãng trò chơi điện tử Activision Blizzard và hãng sản xuất ô tô điện Tesla của Elon Musk đều vướng vào các vụ kiện.
Tháng 12.2021, 6 phụ nữ kiện Tesla về các hành vi quấy rối tình dục tại nhà máy của hãng ở bang California.