Đồng Tháp: Quýt hồng – sản vật Lai Vung đóng hộp phục vụ Tết
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:05, 28/12/2022
"Sản vật" gắn bó với người dân Lai Vung
Ông Sáu (77 tuổi, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) giới thiệu với người viết bài về nguồn gốc loài cây quýt hồng - đặc sản của vùng đất này.
Theo ông Sáu, Lai Vung từ lâu đã được người miền Tây phong tặng cho danh hiệu “vương quốc quýt hồng”. Sở dĩ cây quýt hồng (còn gọi là quýt tiều son) Lai Vung nổi tiếng, một phần là nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích nghi đã giúp cho cây trái sum sê, chất lượng thơm ngon ít nơi nào bì kịp.
“Quýt hồng Lai Vung là giống quýt không hạt, ngọt nước, tép to, mọng nước và rất ít xơ. Một số loại quýt đường khi chín có vị ngọt và hậu đắng do chất auxin tiết ra từ hạt, nhưng quýt hồng Lai Vung là giống quýt không hạt, nên chỉ có vị ngọt thuần và mùi thơm của vỏ quýt, không có vị đắng. Đặc biệt, trong quýt hồng Lai Vung có chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C, beta carotene rất tốt cho da, tim và mắt.
Ngoài ra, trong thành phần của quýt còn chứa kali, canxi giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tỷ lệ đường lên đến 74% giúp ức chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ cho người giảm cân. Chất xơ và carbohydrate tốt cho hệ tiêu hóa và đường ruột”, ông Sáu lý giải.
Cũng theo ông Sáu, quýt hồng Lai Vung khi ăn có hương vị thơm đặc biệt, người ta cảm nhận đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái. Người miền Tây thường dùng vỏ quýt hồng làm trà uống, để chữa bệnh ho hen.
Tuy nhiên, nhiều năm về trước do ảnh hưởng thời tiết, người dân bỏ quýt trồng các loại cây ăn quả khác nên diện tích trồng quýt giảm. Nhưng thời gian gần đây, từ khi chính quyền quan tâm nhiều đến giống quýt hồng, thì diện tích trồng quýt được cải thiện đáng kể”, ông Sáu bày tỏ.
Buổi chiều, ông Sáu sang nhà ông Tư ngồi uống trà. Hai ông ngồi vui mừng vì tương lai của cây quýt hồng Lai Vung đã được chính quyền quảng bá hình ảnh trong dịp lễ hội quýt sắp diễn ra.
Ông Tư bảo, hồi ông còn nhỏ đã thấy cây quýt hồng trong vườn. Đến khi có gia đình, con cái đã lớn, có cháu nội, những gốc quýt già nua vẫn cho trái nuôi sống cả gia đình.
Sau hơn 50 năm gắn bó, quýt hồng không chỉ đơn thuần là giống cây kinh tế, mà còn là niềm tự hào, người bạn gắn bó máu thịt với nhiều người Lai Vung.
Như để an ủi bạn già, ông Tư chỉ tay vô chiếc lu xi măng rộng khoảng một mét, được đặt bên một góc vườn, bảo tương lai vườn quýt hồng đều ở trong đó.
Trong lu, dưới lớp bao tải, những múi quýt đang phân hủy, để lộ những cái hạt màu trắng ngà hình giọt nước. Sau vài hôm, số hạt này sẽ được rửa sạch, ươm mầm, làm những nhánh ghép cho dự án phục hồi vườn quýt hơn 4 ha.
Sản vật quýt hồng đóng hộp phục vụ Tết
Năm 2021, quýt hồng Lai Vung chính thức được Cục Sở hữu trí tệ cấp lại giấy chứng nhận nhãn hiệu. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án bảo tồn vườn quýt hồng giai đoạn 2020-2024 với diện tích hơn 546 ha, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỉ đồng.
Hiện tại, diện tích trồng quýt hồng trong năm 2022 có hơn 200 ha quýt hồng, sản lượng ước đạt 5.000 tấn (tập trung các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long, Hòa Thành và Vĩnh Thới, dự kiến thời gian tới diện tích trồng quýt hồng sẽ được tăng thêm).
Ông Út Hớn (ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) chia sẻ: “Năm nay quýt được mùa, sẽ được giá nên được nhiều thương lái đến đặt mua nhiều. Ngoài việc bán quýt trái, các chủ vườn còn đưa sản phẩm quýt đóng hộp vào phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán tới đây”.
Tương tự, anh Nguyễn Chí Trung (xã Tân Phước, huyện Lai Vung) cho biết, trước đây anh là thương lái quýt. Từ năm 2021, khi biết địa phương có chủ trương trồng phục tráng, phát triển cây quýt hồng, anh đã quyết định mua 4 ha, mua giống của các hộ dân trong xã, để thực hiện mô hình.
Đến nay, gia đình anh Trung đã có hơn 4 ha cây quýt hồng cho thu hoạch với sản lượng 250 tấn, thu nhập đạt vài trăm triệu đồng.
Cũng theo anh Trung, ngoài bán quýt trái, gia đình anh còn tung ra sản phẩm quýt đóng hộp để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
“Quýt hồng đóng hộp bảo đảm chất lượng,vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, thời gian tới sản phẩm này khi được tung ra thị trường trong và ngoài nước sẽ được nhiều người tin dùng”, anh Trung kỳ vọng.
Ông Huỳnh Minh Trí - Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Lai Vung cho biết, địa phương luôn hướng dẫn người dân trồng quýt hồng theo quy trình sản xuất an toàn, bền vững.
“Chúng tôi luôn tuyên truyền tập huấn cho người dân áp dụng theo. Vì vậy, thời điểm này giống quýt hồng có thể nói bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, địa phương còn tư vấn, thiết kế mẫu mã cho quýt đóng hộp để phục vụ Tết, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và khách du lịch khi đến Lai Vung.
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng quýt hồng, duy trì sản xuất theo hướng bền vững an toàn, tập trung vào chất lượng cây giống. Ngoài ra, địa phương còn định hướng cho người dân khai thác du lịch, đồng thời, đấu mối với các doanh nghiệp, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm này”, ông Trí cho hay.