Đề xuất miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới, người dân hưởng lợi thế nào?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:24, 28/12/2022

Cục Đăng kiểm Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải phương án thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới.

Sau 6 tháng đánh giá tác động kết hợp với việc nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật và dữ liệu thực tế, từ đề nghị của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải phương án thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất.

dang_kiem_20221228125203.jpg

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết ngay sau khi có đề nghị của Cục Cảnh sát giao thông về việc xem xét miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập tổ công tác thực hiện việc nghiên cứu nội dung trên.

Qua nghiên cứu trong thời gian 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 11.2022) trên cơ sở số lượng các phương tiện mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đã được chứng nhận tại Việt Nam, số kiểu loại, khả năng đáp ứng của các đơn vị đăng kiểm trên cả nước, cho thấy: Tỷ lệ không đạt của phương tiện cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại đối với nhóm phương tiện này rất thấp (từ 0,17 - 0,31%).

Về việc nghiên cứu quy định, thời hạn bảo hành và thời gian lưu kho, lưu bãi trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất áp dụng đối với phương tiện thực hiện kiểm định trong thời gian 1 năm kể từ năm sản xuất, bởi lẽ việc lưu kho, lưu bãi trong thời gian dài sẽ gây ra hư hỏng, hao mòn, giảm đặc tính kỹ thuật đối với nhiều chi tiết trên ô tô như nhựa, cao su, dầu bôi trơn, cấu kiện điện tử...

Do đó, nếu để tồn kho quá lâu từ khi sản xuất đến tay người tiêu dùng thì phương tiện không còn đảm bảo các tính năng thông số kỹ thuật nữa, cần được kiểm tra, kiểm định trước khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, người tham gia giao thông và bảo vệ môi trường.

Đối với yêu cầu đảm bảo cơ sở dữ liệu và phương án kiểm soát các xe gian, xe lậu, xe tự ý thay đổi thông số kỹ thuật trước khi đưa vào tham gia giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phần mềm để liên thông, kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu từ sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đến kiểm định lưu hành.

Để đảm bảo có đầy đủ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát và chia sẻ cho hoạt động điều hành giao thông, thu phí không dừng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất phương án chỉ miễn kiểm tra kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện nhưng vẫn cần thực hiện lập hồ sơ phương tiện. Trong quá trình đơn vị đăng kiểm lập hồ sơ phương tiện sẽ thực hiện kiểm tra nhận dạng và đối chiếu thông số kỹ thuật nhận dạng của xe với cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước.

Từ những lý do nêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định: "Việc lựa chọn phương án áp dụng miễn thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu tiên (sau khi đăng ký biển số lần đầu) đối với xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới chưa qua sử dụng, trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất, không thu giá dịch vụ kiểm định, là phù hợp, bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông, bảo đảm quyền lợi cho xe cơ giới nhập khẩu, phù hợp chu kỳ bảo dưỡng, đồng thời bảo đảm đa số các xe cơ giới tại thời điểm kiểm định vẫn còn trong thời hạn bảo hành của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu".

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm phương án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.

Với phương án đã trình, Cục Đăng kiểm cho biết xe cơ giới được miễn thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu tiên nhưng cần thực hiện lập hồ sơ phương tiện cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định. Đồng thời, Cục sẽ triển khai thực hiện liên thông dữ liệu từ sản xuất lắp ráp và nhập khẩu đến lưu hành.

Do đó, dữ liệu kiểm định của xe cơ giới vẫn đầy đủ đảm bảo phục vụ chia sẻ thông tin làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước (cảnh sát giao thông, cơ quan thuế, sở giao thông vận tải, tòa án, thi hành án...) phục vụ công tác thống kê, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát tra cứu dữ liệu, kiểm soát tải trọng, quản lý vận tải, thu phí tự động không dừng...

Cách thức trên cũng giúp người dân, lái xe, chủ xe giảm thời gian và chi phí. Theo tính toán, mức tiền mà mỗi chủ phương tiện được giảm khi kiểm định lần đầu từ 250 - 570.000 đồng/xe tương ứng với từng loại xe.

Tuy nhiên, việc thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu. Cụ thể, do không phải kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nên có thể phát sinh tình huống xe cơ giới sau khi đến tay người dùng sẽ bị tự ý thay đổi, dẫn đến phương tiện có sự thay đổi so với thiết kế của nhà sản xuất trước khi đến đơn vị đăng kiểm để lập hồ sơ phương tiện mà không thể được phát hiện kịp thời. Do đó, việc bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới thuộc trách nhiệm chính của nhà sản xuất, nhập khẩu xe, chủ xe, lái xe.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường.

Dự kiến các bước thực hiện tại đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 đang được Cục Đăng kiểm Việt Nam soạn thảo, xe ô tô mới đăng ký biển số lần đầu sẽ thực hiện qua những bước sau:

Bước 1: Chủ xe đưa đến đơn vị đăng kiểm.
Bước 2: Đơn vị đăng kiểm căn cứ số khung, số máy, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe để tra cứu dữ liệu thông số kỹ thuật của phương tiện từ cơ sở dữ liệu trực tiếp. Đơn vị đăng kiểm tải dữ liệu về và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu kiểm định. Dữ liệu tải về là thông số kỹ thuật gốc của phương tiện và không thể sửa đổi.
Bước 3: Đơn vị đăng kiểm nhập thông tin hành chính, chụp ảnh thực tế phương tiện, chỉ kiểm tra nhận dạng phương tiện và thực hiện lập hồ sơ phương tiện cho xe, in giấy chứng nhận kiểm định (có mã QR code), tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ. Không thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện trên thiết bị tại đơn vị đăng kiểm và không thu giá dịch vụ kiểm định.
Bước 4: Chủ phương tiện nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí sử dụng đường bộ được quy định theo đầu phương tiện quy định.
Bước 5: Đơn vị đăng kiểm dán tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ lên xe và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe hoặc cấp giấy hẹn cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện mới chỉ được cấp giấy hẹn cấp đăng ký xe.

Tuyết Nhung