'Big Tech gặp hạn trong năm 2022, Small Tech sẽ phát triển vào 2023'
Thế giới số - Ngày đăng : 16:39, 28/12/2022
Sid Mohasseb là nhà lãnh đạo nhóm chiến lược tại Mỹ của công ty kiểm toán KPMG.
Các nhà sử học sẽ ghi lại Big Tech gặp hạn như thế nào trong năm 2022. 2023 có thể sẽ là năm của Small Tech, với sự đổi mới, linh hoạt và tạo ra giá trị (những thứ đã giúp Big Tech trở nên lớn mạnh ngay từ đầu) quay trở lại nền kinh tế Mỹ thông qua một môi trường cạnh tranh, cởi mở cùng những cái tên mới.
Hồi cuối tháng 7, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) lần đầu tiên báo cáo doanh thu quý giảm (quý 2/2022) kể từ khi thành lập.
5 Big Tech là Alphabet, Amazon, Meta Platforms, Microsoft, Apple đã mất hơn 3,65 ngàn tỉ USD vốn hóa thị trường trong năm 2022 tính đến nay. Nếu tính cả Tesla thì tổng thiệt hại về vốn hóa thị trường của 6 công ty lớn (gồm cả 5 Big Tech) lên tới hơn 4,2 ngàn tỉ USD trong 2022.
Ngành công nghệ Mỹ đã sa thải hơn 88.000 nhân viên và vẫn chưa dừng lại ở đó. Đáng chú ý là việc Elon Musk tiếp quản Twitter với giá 44 tỉ USD đã hướng nhiều người dùng đến lựa chọn thay thế thích hợp, chuyên biệt.
Một số người nói rằng Big Tech lẽ ra không bao giờ được phép trở nên lớn như vậy. Điều đó có thể hiểu được: Với hơn 1,4 ngàn tỉ USD, 5 hãng công nghệ lớn ở Mỹ có doanh thu cao hơn GDP của Mexico hoặc Tây Ban Nha.
Thế nhưng vấn đề thực sự không phải là kích thước hay thậm chí là sức mạnh của Big Tech. Vấn đề thực sự là Big Tech sử dụng quy mô và sức mạnh của mình để làm gì, cũng như những tác động của nó với nền kinh tế và nền dân chủ Mỹ, theo Sid Mohasseb.
Các lập trình viên giỏi nhất thế giới sẽ theo dõi quá trình sa thải hàng loạt đang diễn ra ở Thung lũng Silicon (Mỹ) và nhận ra rằng bảo mật cùng thu nhập không được đảm bảo bởi Big Tech. Một số thậm chí có thể tức giận vì những hãng công nghệ lớn đó đã mua lại quá nhiều đối thủ và ngăn cản các đối thủ cạnh tranh mới nổi lên bằng cách kiểm soát quá nhiều nhân tài, dẫn đến cơ hội ở những nơi khác là rất hạn chế.
Một số lượng người lớn bị sa thải sẽ trở thành động lực kinh doanh cho làn sóng đổi mới tiếp theo trong công nghệ, thứ mà chúng ta cần.
Trong 250 năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều làn sóng đổi mới trải dài từ cuộc Cách mạng Công nghiệp đến Công nghệ xanh. Chúng ta đang ở làn sóng thứ sáu trong số đó là AI (trí tuê nhân tạo).
“Chúng ta cần càng nhiều sự cạnh tranh càng tốt để tối đa hóa làn sóng này. Chúng ta cần càng nhiều nhân tài để giải quyết nhiều vấn đề càng tốt. Chúng ta không thể để Big Tech, những hãng trong nhiều năm nay đã hứa tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ nhưng không thực hiện được, kìm hãm chúng ta. Bạn chỉ có thể phát triển nhanh như vậy khi doanh thu của bạn bằng với GDP của một quốc gia nhỏ. Bạn không thể phá vỡ mọi thứ khi cố vấn nội bộ luôn ái ngại và giám sát bạn”, Sid Mohasseb nhận định.
Những người trong ngành biết điều này cần phải xảy ra. Theo Fox News, gần 80% nhân viên công nghệ tin rằng các Big Tech có quá nhiều quyền lực. 40% nhân viên trong số đó tin rằng điều này có hại nhiều hơn lợi và nên phá vỡ sự thống trị của Big Tech như Meta Platforms, Amazon, Alphabet, Apple. Thế nhưng sẽ tốt hơn nếu sự thống trị của Big Tech bị phá vỡ bởi sức sáng tạo trên thị trường thay vì các cơ quan quản lý đàn áp quá mức.
"Steve Jobs hoặc Bill Gates tiếp theo" có khả năng đang ngồi ở bàn làm việc ngay bây giờ, được trả mức lương trung bình 6 con số chỉ để không rời đi và trở thành đối thủ cạnh tranh với tài năng hiện tại. “Tôi hy vọng, vì lợi ích của tài năng đó và nền kinh tế của Mỹ, họ sẽ bị đưa vào làn sóng sa thải hiện nay”, Sid Mohasseb cho hay.
Apple, Microsoft đã trở nên quá thành công và thay đổi toàn bộ thế giới nhờ cạnh tranh. Steve Jobs và Bill Gates từng làm việc cùng nhau nhưng sớm chia tay vì họ khao khát phát triển công ty của riêng mình.
“Vào năm 2022, một Bill Gates hoặc Steve Jobs trẻ tuổi có khả năng sẽ ở trong chiếc lồng mạ vàng của một hãng công nghệ. Họ không nên như vậy. Họ nên ra ngoài thị trường, gây quỹ cho các dự án kinh doanh của riêng mình và thúc đẩy toàn bộ lĩnh vực tiến lên”, Sid Mohasseb nhận định.
Điều này đã xảy ra ở những nơi khác. Ví dụ, Trung Quốc chuẩn bị đầu tư hơn 1.000 tỉ USD vào các hãng công nghệ và cơ sở hạ tầng nhằm nỗ lực vượt qua Mỹ trong lĩnh vực này. Do sự gần gũi của các hãng công nghệ Trung Quốc với chính phủ, điều đó sẽ khiến Mỹ lo lắng hơn là giá cổ phiếu lao dốc.
Big Tech cuối cùng đã khiến người dùng, nhiều nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý và hoạch định chính sách xa lánh. Small Tech có thể mang lại sự tăng trưởng bền vững mà các nhà đầu tư mong đợi và sự cạnh tranh mà những nhà quản lý muốn thấy. Đó cũng là điều mà nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ cần, theo Sid Mohasseb.