Vật liệu xây dựng, xăng dầu và lãi suất khiến việc điều hành giá rất 'đau đầu'
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 29/12/2022
Lạm phát dưới 4%
Tại cuộc họp cuối năm của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28.12, báo cáo tại cuộc họp cho biết, bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1 - 3,2% so với năm 2021 trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội đề ra.
Báo cáo nhấn mạnh, trong năm 2022, công tác chỉ đạo điều hành giá chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, hiện cơ bản kiểm soát được lạm phát ở dưới mức 4% theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, bài học rút ra là công tác quản lý, điều hành giá vẫn có vai trò vô cùng quan trọng trong điều tiết kinh tế vĩ mô của nước ta và cần phải tiếp tục được củng cố, hoàn thiện. Việc triển khai cần tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần chú trọng đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như điện, xăng dầu… là các mặt hàng có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh “chắc chắn lạm phát dưới 4%, giá các mặt hàng thiết yếu ổn định… Đây là đóng góp rất lớn của cả hệ thống chứ không của riêng bộ ngành, địa phương nào. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với công tác quản lý điều hành giá mà còn ý nghĩa thiết thực, sát sườn đối với đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp”.
Cho rằng năm 2023 tiềm ẩn rất nhiều yếu tố khó khăn, bất lợi đối với công tác quản lý, điều hành giá, nhất là trong nửa đầu năm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, phát huy bài học kinh nghiệm quyết liệt, hiệu quả, kịp thời, linh hoạt trong công tác điều hành giá; tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp của các bộ ngành, địa phương, cũng như công tác thông tin, truyền thông về điều hành giá…
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định tầm quan trọng của bài học kinh nghiệm về sự quyết liệt, thích ứng và linh hoạt với tình hình thực tế "không để vỡ trận" trong công tác quản lý, điều hành giá.
Đối với ngành giao thông vận tải, cần giữ ổn định giá dịch vụ vận tải, không tạo ra bức xúc trong dư luận là cơ sở quan trọng để tăng trưởng. Thứ trưởng Thọ cho biết trong 11 tháng của năm 2022, dịch vụ vận tải hàng hóa tăng 24%, luân chuyển hàng hóa tăng hơn 30%; vận tải hành khách tăng 4%, luân chuyển hành khách tăng 71,4%…
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị trong năm 2023, ngoài các mặt hàng xăng dầu, nhựa đường, cần có sự phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá mặt hàng vật liệu xây dựng (đất, cát, đá…) nhất là ngày 1.1.2023 tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng "Nhìn lại chặng đường năm 2022, mọi chuyện đều nằm trong tầm kiểm soát, thành tích đã đạt được nhờ chúng ta đã điều hành giá công khai, minh bạch; sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các bộ ngành đã kiểm soát hiệu quả giá vật liệu xây dựng, xăng dầu và lãi suất ngân hàng - 3 yếu tố làm cho công tác điều hành giá rất đau đầu. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn nợ một số việc liên quan đến dịch vụ giáo dục, y tế, điện… phải trả trong năm 2023".
Thứ trưởng Minh nhấn mạnh một số yếu tố quốc tế sẽ tác động bất lợi trong điều hành giá năm 2023 như: Chi phí vốn toàn cầu tăng; chi phí năng lượng tiếp tục biến động (cấu trúc năng lượng năm 2023 sẽ khác năm 2022); chi phí lương thực toàn cầu… đây là những yếu tố tác động rất lớn đối với nền kinh tế đất nước, tới thanh khoản, bởi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Áp lực năm 2023 không đơn giản
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng công tác quản lý điều hành giá năm 2022 vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục như: Còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương; một số nội dung vẫn "còn nợ" do cơ quan chủ quản chưa thực sự chủ động; công tác phối hợp giữa các bộ ngành có lúc, có nơi còn chệch choạc; một số thời điểm, một số vấn đề phát sinh nhưng thông tin, truyền thông chưa kịp thời…
Phó thủ tướng Khái nêu rõ sang năm 2023, một số sắc thuế sẽ hết hiệu lực; giữa năm tăng lương cơ sở; chúng ta cũng sẽ khởi công một loạt dự án lớn; việc Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch COVID-19, giá cả một số mặt hàng có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu… sẽ tác động đến trong nước, trong đó có công tác điều hành giá. Trên cơ sở dự báo tình hình quốc tế, trong nước, Quốc hội đã xác định chỉ tiêu lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%, theo đó áp lực đối với Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ không đơn giản.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu đi lại của bà con tăng cao trong dịp tết để tăng giá vé bất hợp lý, sai quy định của pháp luật.
Đồng thời, Phó thủ tướng Khai đề nghị các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.