Chuyên gia tuyển dụng đánh giá 2 thư xin việc do siêu chatbot ChatGPT viết
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:37, 29/12/2022
Chatbot là ứng dụng phần mềm được thiết kế để bắt chước cuộc trò chuyện giống con người dựa trên lời nhắc của người dùng.
Công ty OpenAI (có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ) đã tạo ra chatbot ChatGPT, có sẵn để thử nghiệm công khai miễn phí từ ngày 30.11. Theo Sam Altman, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành OpenAI, trong vòng một tuần kể từ khi ChatGPT được công bố, hơn 1 triệu người dùng đã cố gắng làm cho công cụ này nói chuyện.
Elon Musk tweet rằng ông đang tạm dừng quyền truy cập của OpenAI vào cơ sở dữ liệu Twitter sau khi biết công ty này đang sử dụng nó để đào tạo ChatGPT.
ChatGPT có thể được sử dụng trong các ứng dụng thế giới thực như viết thư xin việc và bài tiểu luận, tiếp thị kỹ thuật số, tạo nội dung trực tuyến, trả lời các câu hỏi về dịch vụ khách hàng, thậm chí giúp gỡ lỗi mã.
Trải nghiệm dùng ChatGPT viết 2 thư xin việc của nhà báo Beatrice Nolan thuộc trang Insider
ChatGPT, phiên bản mới của chatbot AI từ công ty OpenAI, khiến internet trở nên điên cuồng trong vài tuần qua.
ChatGPT được người dùng khen ngợi về phạm vi kiến thức ấn tượng và định dạng dễ sử dụng. Người dùng đã sử dụng chatbot này để viết mã, các bài báo và thậm chí cả bài tiểu luận đại học.
Tôi quyết định kiểm tra tính hữu dụng của ChatGPT với một trong những nhiệm vụ nhàm chán hơn trong cuộc sống là xin việc. Từ lâu nay, viết thư xin việc vẫn là một trong những thứ tốn nhiều thời gian.
Tôi đã cung cấp cho ChatGPT một số mô tả công việc thực tế và vài câu ngắn gọn về kinh nghiệm của mình. Sau đó, tôi gửi thư xin việc cho những người quản lý tuyển dụng để xem họ nghĩ gì.
Cả hai nhà tuyển dụng đã xem hai thư xin việc do AI (trí tuệ nhân tạo) tạo ra. Một thư ứng tuyển vị trí trợ lý truyền thông xã hội và một thư xin việc nhân viên ghi chép sổ sách mua hàng. Cả hai thư đều có vẻ như được viết bởi người cần việc làm thực sự.
Chris Willsher, chuyên gia tại công ty tuyển dụng Reed có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết: “Chúng tôi có thể nghĩ rằng nội dung này được viết bởi ứng viên thực sự. Cấu trúc của thư là tốt, song nó thiếu một số chi tiết xung quanh công ty mà họ đang ứng tuyển".
Stephanie Petry, Giám đốc thu hút nhân tài của nền tảng phần mềm Jobber, đồng ý rằng đơn ứng ứng tuyển vị trí nhân viên ghi chép sổ sách được ChatGPT viết khá tốt.
“Tôi có thể sẽ gửi ứng viên nhân viên ghi chép sổ sách vào vòng tiếp theo để có thể hiểu rõ hơn về tính cách của người này trong quá trình phỏng vấn”, bà nói.
Stephanie Petry không mấy hứng thú với thư xin việc của ChatGPT cho vai trò trợ lý mạng xã hội.
"Phong cách viết không phải là những gì tôi mong đợi từ một người nào đó trong vai trò này. Giọng điệu quá trang trọng và khô khan. Tôi mong họ thể hiện sự sáng tạo và cá tính hơn", bà nhận xét.
Hai thư xin việc thiếu cá tính
Cả Chris Willsher lẫn Stephanie Petry đều cho rằng những bức thư thiếu cá tính và thiếu nghiên cứu về các công ty tiềm năng.
Chris Willsher nói: “Nó thiếu dấu ấn cá nhân, cái chúng tôi tìm hiểu về trải nghiệm con người của ứng viên, bằng chứng giai thoại để hỗ trợ các kỹ năng và niềm đam mê của họ với vai trò này”.
Stephanie Petry nói thêm rằng hai lá thư xin việc có vẻ quá cứng nhắc và trang trọng. Bà nói chúng có vẻ như được viết bởi một ứng viên nhỏ tuổi.
"Thư thiếu cá tính, có vẻ quá trang trọng và chuyên nghiệp nên tôi muốn tìm hiểu người đó rõ hơn một chút", Stephanie Petry nói thêm.
Chris Willsher khuyên các ứng viên tốt hơn nên sử dụng AI để soạn thảo mẫu đơn xin việc thay vì viết luôn nội dung.
Ông nói: "Dù AI có thể là một phần thưởng thực sự cho các ứng viên, nhưng chúng tôi khuyên nên sử dụng AI để tạo một mẫu mà họ có thể kiểm tra và xây dựng để vẽ nên bức tranh đẹp nhất về bản thân".
Viết được bài luận và trả lời các câu hỏi khó nhất, ChatGPT có thể thay con người?
ChatGPT có thể viết bài tiểu luận và trả lời những câu hỏi khó nhất, nhưng những công cụ AI như vậy chưa thể thay thế con người, theo một chuyên gia trong lĩnh vực này.
“ChatGPT chắc chắn có thể viết thư kinh doanh. ChatGPT thậm chí còn viết được kịch bản phim và trả lời các câu hỏi trong kỳ thi. Rất nhiều điều ChatGPT có thể làm, nhưng không thực sự hiểu hoàn toàn những gì nó đang nói đến”, theo nhà nghiên cứu AI hàng đầu Toby Walsh. Ông là Giáo sư Khoa học Trí tuệ Nhân tạo tại Đại học New South Wales ở thành phố Sydney (Úc).
Giáo sư khoa học là danh hiệu được trao để công nhận thành tích nghiên cứu xuất sắc.
“ChatGPT không thực sự hiểu nó đang nói gì như bạn và tôi hiểu. ChatGPT chỉ nói những điều có thể xảy ra. Tôi không quá lo lắng về việc máy móc tiếp quản công việc thay người. Chúng không có bất kỳ tình cảm nào. Máy móc không có ý thức hoặc mong muốn làm những gì con người làm”, Toby Walsh cho hay.
Toby Walsh nói điều mà ông thực sự lo lắng là con người có thể trở nên “hơi quá lười biếng” và bắt các công cụ làm việc cho họ.
“Không phải là các robot sẽ trở nên ác độc và quyết định chiếm lấy hành tinh này. Nó có xu hướng trở thành những thứ quỷ quyệt, tinh vi hơn nhiều”, ông chia sẻ.
Vai trò của chatbot trong giáo dục
Toby Walsh cho biết ChatGPT có thể dẫn đến việc thay đổi cách dạy học trong trường.
“Liệu chúng ta có phải ngăn đặt câu hỏi thi và yêu cầu học sinh, sinh viên viết bài tiểu luận vì các em có thể yêu cầu ChatGPT làm điều đó không? Vì vậy, làm thế nào để chúng ta thực sự dạy học sinh, sinh viên trả lời đúng nếu không thể thực sự hỏi chúng các câu hỏi thi nữa?”, Toby Walsh nói.
Tuy nhiên, Jonathan Sim, giảng viên Khoa Triết học tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng các nhà giáo dục không nên coi các công cụ AI, bao gồm cả ChatGPT, là cấm kỵ.
“Đây là một nơi học tập, vì vậy chúng ta thực sự nên dạy các học sinh, sinh viên cách sử dụng chatbot một cách hiệu quả, cách thực sự đưa việc học của các em tiến xa hơn với nó”, ông nói.
Về phần mình, Jonathan Sim đã chuẩn bị một bài tập cho học sinh của mình liên quan đến việc sử dụng ChatGPT. Ông nói các em sẽ phải sử dụng chatbot để tạo ra một bài tiểu luận và phê bình nó. Jonathan Sim cho biết đã thử nghiệm ChatGPT và sẽ cho điểm B các bài tiểu luận mà nó viết tốt nhất.
“Đây thực sự là một cơ hội học tập rất tốt để học sinh, sinh viên ngồi xuống, học cách tạo ra nó và sau đó hỏi tại sao đây không phải là bài luận điểm A”, Jonathan Sim nói và cho biết rằng các em sẽ học cách viết tốt hơn thông qua bài tập này.
Theo Toby Walsh, một vấn đề khác với chatbot như ChatGPT là nó là “công cụ hoàn hảo” cho những người muốn truyền bá thông tin sai lệch. Ông lưu ý rằng mạng xã hội đã tràn ngập tin giả và ChatGPT sẽ không giúp ích được gì cho tình hình.
“Ở đây, chúng ta có một công cụ mà ở tốc độ và quy mô cũng như chi phí rất hạn chế có thể tạo ra văn bản rất hợp lý, mà chúng ta có nhiều khả năng sẽ nhấp vào hơn là những email nhận từ những kẻ lừa đảo. Giờ đây, chúng ta thực sự có thể cá nhân hóa những email đó theo bất kỳ thông tin nào thu thập được từ web. Trong tay kẻ xấu, nó là một công cụ tiềm tàng nguy hiểm", Toby Walsh cảnh báo.
Toby Walsh nói thêm rằng không có đủ kiến thức về cách thức hoạt động của công nghệ ChatGPT.
“Ví dụ, chúng tôi tin rằng hàng triệu người sử dụng ChatGPT đang thực sự giúp cải thiện nó. Thế nhưng, chúng ta không chắc chắn chính xác cách truy vấn của mọi người đang được sử dụng để cải thiện đầu ra và loại bỏ một số cách rắc rối mà nó tạo ra”, ông lý giải.
Cách truy cập thông tin mới
Toby Walsh nói ChatGP đưa ra một cái nhìn thoáng qua về tương lai có thể trông như thế nào. Chẳng hạn, Toby Walsh từng nghĩ AltaVista, một trong những công cụ tìm kiếm sớm nhất, sẽ là tất cả những gì ông cần. Thế nhưng, Google đã xuất hiện và mang đến cho ông một cách tốt hơn để truy cập thông tin. Do đó, một công cụ như ChatGPT có thể trở thành giai đoạn tiếp theo của tìm kiếm trên web.
“Thay vì phải đi theo các liên kết và tự tìm kiếm mọi thứ, nếu công cụ tìm kiếm thực sự có thể trả lời các câu hỏi cho bạn và chúng ta có thể giải quyết vấn đề cơ bản về việc nó bịa đặt, tôi cho rằng đó sẽ là điểm đến yêu thích của mình, không phải Google nữa”, Toby Walsh cho hay.
Theo Toby Walsh, với công nghệ đang được phát triển với tốc độ chóng mặt, các quy định có xu hướng được đưa ra chậm lại.
Ông nói: “Chúng ta mới bắt đầu thấy phương tiện truyền thông xã hội được quản lý đầy đủ ngày nay”.
Toby Walsh lưu ý rằng liên tục có những câu chuyện mới về các vụ kiện chống lại các hãng công nghệ. Giáo sư cho biết cần phải lo lắng về việc liệu sự phát triển mới này có dẫn đến tác hại không, trên mạng xã hội hoặc ở những nơi khác.
Ông nói: “Chúng tôi phải tiến về phía trước nhanh hơn với các quy định vì phát hiện ra rằng việc này cũng giống như bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác, và chúng trở thành dữ liệu độc quyền. Chúng ta cần phải điều chỉnh những thị trường đó để đảm bảo rằng đều được hưởng lợi từ những lợi ích mà những công nghệ này sẽ mang lại”.
ChatGPT hoạt động như thế nào?
OpenAI tuyên bố rằng mô hình ChatGPT của họ, được đào tạo bằng kỹ thuật máy học Reinforcement Learning from Human Feedback (học tăng cường từ phản hồi của con người), có thể mô phỏng đối thoại, trả lời các câu hỏi, thừa nhận sai lầm, bác bỏ các thông tin không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp.
Quá trình phát triển ban đầu liên quan đến việc các huấn luyện viên AI của con người, cung cấp mô hình cho các cuộc hội thoại mà họ đóng vai cả hai bên – người dùng và trợ lý AI.
Phiên bản ChatGPT có sẵn để thử nghiệm công khai cố gắng hiểu các câu hỏi do người dùng đặt ra và trả lời chuyên sâu giống văn bản do con người viết ở định dạng đàm thoại.
Thử nghiệm ChatGPT bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt (video: Duy Luân)