Pele - người sinh ra từ “ba trái tim”
Thể thao - Ngày đăng : 10:24, 30/12/2022
Tuy nhiên không phải lúc nào ông cũng được gọi là Pele. Bố ông, Joao Ramos, là một cầu thủ bóng đá bình thường nên chỉ kiếm được một khoản thu nhập nhỏ để nuôi gia đình. Do vậy ông Joao Ramos khát khao có một đứa con trai sau này nối bước con đường của ông, nhưng phải lừng lẫy hơn ông. Vì vậy ông rất thích và thường xuyên xem con mình chơi với những quả bóng bằng vải trên bãi đất bỏ hoang ở khu công nhân nghèo Bauru.
Thời buổi ấy, nhét mấy mảnh vải vào giữa hai lon đồ hộp, rồi lại lấy vải quấn quanh lon để đá là thú vị lắm rồi. “Lúc đó thằng bé đã có nhiều điều kỳ diệu”, Joao Ramos tự hào về đứa con trai gầy ốm nhưng có óc sáng tạo và đặt cho nó biết hiệu Dico.
Có lẽ ông Ramos không ngờ Dico sau này sẽ tự mình làm riêng một cuốn tự điển, một cuốn bách khoa toàn thư của môn bóng đá. Và không nghi ngờ gì nữa, chính từ trên bãi đất hoang, chính từ bóng đá trên đường phố của những khu nghèo, Pele ra đời.
Pele sinh ngày 23.10.1940 ở Três Coracoes, một thị trấn nhỏ trong bang Minas Gerais. Điều thú vị là mẹ của Pele có tên gọi là Céleste (Thần thánh), còn Pele lại được sinh ra tại Trois Coeurs (Ba trái tim). Phải chăng đó là điềm lành được báo trước cho Brazil - xứ sở vốn xem bóng đá như là một tôn giáo? Hơn nữa với người Brazil hôm qua, hôm nay và cả mai sau, không một ai quên được nỗi đau về trận thua 1-2 của đội nhà trước Uruguay trong trận chung kết Mondial 1950 ngay trên sân nhà - ngay trên thánh địa Maracana. Trớ trêu thay, đội Uruguay lại có biệt danh là “Céleste” trùng với tên gọi “Thần thánh” của mẹ Pele.
Vậy thì Thượng đế đã sắp xếp sự trùng lắp “Céleste” đó để dành riêng cho Pele, dành riêng cho một con người có sứ mạng đưa bóng đá Brazil lên đỉnh cao vinh quang, để quên đi nỗi đau của quá khứ khi người dân Brazil ai cũng nghĩ đội nhà sẽ vô địch Mondial 1950, nhưng họ lại bị Uruguay hạ gục trước ngưỡng cửa của thiên đường.
Đất nước Brazil không chờ đợi lâu. Mới 17 tuổi, Pele đã sớm phục hồi danh dự cho dân tộc có đến 100 sắc tộc khác nhau. Việc ấy đã xảy ra ở Thụy Điển năm 1958, khi Brazil đoạt Cúp vàng Jules Rimet, chiếc Cúp vô địch thế giới lần đầu tiên mà người ta cho rằng đã chấm dứt mặc cảm của người dân thuộc địa: 5 bàn thắng do một thanh niên mảnh khảnh ghi bàn vào lưới đội Pháp, Thụy Điển trong trận bán kết và chung kết, đã xua đuổi ác mộng do đội “Uruguay - Céleste” đã gây ra!
Trong ba thế kỷ trước, 10 triệu người da đen đã bị cướp đi khỏi vùng đất châu Phi và đưa sang châu Mỹ để trở thành người nô lệ. Xứ Brazil thuộc Bồ Đào Nha là đất nước đã tiêu thụ nô lệ “hăng say” nhất. Đến năm 1888, chế độ nô lệ bị hủy bỏ nhưng đã để lại những vết tích không sao tẩy xóa được: một người da đen sẽ rất khó sống ở Brazil.
Theo số liệu thống kê năm 1950, từ 11% dân số là người da đen thì chỉ có 4% học tiểu học, 1% học trung học và 0,3% học đại học. Pele biết rằng cuộc sống như vậy rất khó khăn. Bản thân ông lúc đầu thường hay bị gọi là “con khỉ” bởi những khán giả điên khùng trên khán đài. Cho nên đã có lúc Pele nói rằng: “Khi nào tôi ngừng chơi bóng đá, tôi biết rằng tôi sẽ trở lại thành một tên da đen”.
Trong khi chờ đợi ngày ấy, Pele tiếp tục ghi những bàn thắng và đem lại sự phấn khích trong lòng người hâm mộ hơn bất kỳ nhà thể thao nào trước và sau ông. Ông đã góp phần quan trọng giúp lá cờ của đất nước kéo lên ở tất cả châu lục. Lá cờ ấy tung bay trong nắng và gió, nó trắng như màu áo thi đấu của Câu lạc bộ Santos của ông, hay đen như màu da của ông, vàng cam như chiếc áo của đội tuyển Brazil, và thếp vàng như kỷ niệm những bàn thắng rất độc đáo của ông đã đi vào kinh điển bóng đá thế giới.
Pele đã ghi được 1.285 bàn thắng trong 1.322 trận bóng đá chuyên nghiệp. Ông là cầu thủ trẻ nhất đoạt được Cúp vô địch thế giới, hơn nữa ông là người duy nhất đã đoạt được cúp này 3 lần (1958, 1962, 1970). Với 92 lần khoác áo đội tuyển, ông đã ghi đến 77 bàn thắng và cùng với đội Santos đoạt 2 Cúp Liên lục địa.
Trong 10 năm liên tiếp (1957 - 1966), ông là cầu thủ ghi bàn giỏi nhất của Giải vô địch Sao Paulo. Trên tất cả các vĩ tuyến, Pele đã kiếm được nhiều danh hiệu khác nhau, mà danh hiệu độc đáo nhất là hình bìa mà tạp chí Life đã dành cho ông. Đó là lần đầu tiên một người da đen đã được đăng hình trên bìa một tạp chí lớn của Mỹ...
BÌNH LUẬN CỦA CÁC NHÀ BÁO L’ÉQUIPE
- Garbel Hanot: Pele say mê chơi bóng đá. Anh không biết đến bạo lực hay những lối chơi gian ác, thô bạo. Anh chịu đựng những cú đánh mà không đánh trả. Trong 22 cầu thủ trên sân bóng, anh là người quán xuyến được nhiều diện tích trên sân nhất. Anh có những động tác và xử lý thật tuyệt vời trước khung thành.
- Jean Snella: Pele không có điểm yếu. Anh ta mạnh mẽ, tốc độ và kỹ thuật. Pele đá bóng bằng đôi chân, nhưng thực chất anh đá bằng cái đầu, một cái đầu rất thông minh.