Thỏa thuận hòa bình xa vời khi cả Nga và Ukraine đều tự tin ‘giành phần thắng’
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:14, 31/12/2022
Michael Kimmage, giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ nói với Newsweek: “Tôi nghĩ rằng cách an toàn nhất là nói rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi một bên bị loại hoàn toàn ra khỏi cuộc xung đột bằng cách này hay cách khác”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tuần trước đã phát đi thông điệp sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan xung đột Ukraine, nhưng cho rằng chính Kyiv và phương Tây đã khước từ cơ hội đó. Vài ngày sau, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, không thể đàm phán hòa bình thành công trừ khi Ukraine chấp nhận việc Nga tuyên bố sáp nhập các lãnh thổ Ukraine kiểm soát một phần là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông không sẵn sàng từ bỏ các vùng lãnh thổ mà Nga đã “đơn phương” sáp nhập. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu trong tuần này về việc tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" tiềm năng vào tháng 2. Ông cũng cho biết Nga sẽ chỉ được mời tham gia nếu nước này phải đối mặt với việc truy tố tại tòa án quốc tế.
Do đó, các chuyên gia nhận định trở ngại lớn nhất đối với tiến trình đàm phán hòa bình Nga - Ukraine là dường như không bên nào sẵn sàng nhượng bộ về lãnh thổ.
Mark N. Katz, giáo sư tại Trường Chính sách của Đại học George Mason (Mỹ), nói với Newsweek: “Theo quan điểm của tôi, cả ông Putin và ông Zelensky đều không thực sự quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình vì họ đều nghĩ rằng có thể đánh bại đối phương. Tuy nhiên, việc chỉ tuyên bố sẵn sàng đạt được hòa bình của họ là nhằm chứng minh với thế giới bên ngoài, đặc biệt là phương Tây, rằng họ đều có lý của mình khi đưa ra các điều kiện như vậy”.
Giáo sư William Reno, Chủ nhiệm khoa Khoa học chính trị tại Đại học Northwestern (Mỹ) nhận định rằng "việc Kyiv đề cập về các cuộc đàm phán ở giai đoạn này là vì Tổng thống Zelensky nhận ra rằng sự hỗ trợ của Mỹ và NATO đối với Ukraine có giới hạn”.
Về việc Nga nói muốn đàm phán, ông Reno cho rằng đây có thể là một chiến lược nhằm chia rẽ những người ủng hộ Ukraine. "NATO có 30 thành viên, mỗi thành viên có ngưỡng rủi ro khác nhau về mặt chính trị khi hỗ trợ Ukraine", Reno nhận định và tin rằng cuộc chiến cuối cùng sẽ kết thúc bằng một giải pháp thương lượng vì "Ukraine không thể đánh bại nước Nga có trang bị vũ khí hạt nhân" cũng như "Nga không có khả năng chiếm và chiếm toàn bộ, hoặc một phần lớn Ukraine".
Robert David English, cựu phân tích viên của Lầu Năm Góc và hiện là Phó giáo sư tại Đại học Nam California (Mỹ) dự đoán một số kết quả có thể xảy ra của một thỏa thuận cuối cùng.
"Các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột luôn cực kỳ khó khăn. Một thỏa thuận thương lượng, thậm chí không thể thực hiện được cho đến khi cả hai bên tin rằng họ không thể đạt được nhiều hơn nếu tiếp tục chiến đấu, nghĩa là chỉ khi cả hai bên đều gần kiệt sức", ông English nói với Newsweek.
"Tôi đoán về một giải pháp cuối cùng? Nga giữ Crimea vào lúc này, nhưng đồng ý tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý do quốc tế giám sát vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Trong khi đó, Nga rút lui khỏi phần lớn lãnh thổ mà họ kiểm soát được ở khu vực Donbas, nhưng vẫn sẽ giữ lại một phần ở phía đông như một vùng đệm giữa nước này và quân đội do phương Tây hậu thuẫn của Ukraine", English cho hay và lưu ý rằng các phiên tòa xét xử về chiến tranh và việc bồi thường có thể trở thành "điểm vướng mắc" trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo giáo sư Katz, Tổng thống Zelensky cũng bị hạn chế phần nào về những gì ông ấy có thể thương lượng với Nga. “Zelensky thực sự không thể thỏa hiệp trong bất kỳ cuộc đàm phán chừng nào công chúng Ukraine vẫn ủng hộ việc giành lại lãnh thổ đã mất. Nếu dư luận Ukraine thay đổi, ông ấy có thể lùi bước. Ngược lại, ông Putin có thể không lùi bước vì có thể ảnh hưởng tới khả năng duy trì quyền lực ở Nga”, ông Katz nói.
Về việc hai bên có thể mất bao lâu để đồng ý về một giải pháp hòa bình, giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ nói rằng có thể mất nhiều năm thay vì vài tháng.