Nhìn lại điện ảnh Việt năm 2022: Kịch bản vẫn là vấn đề nan giải
Văn hóa - Ngày đăng : 14:50, 31/12/2022
Bộ phim Thanh Sói của Ngô Thanh Vân đầu tư 46 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ là bom tấn phòng vé vào lễ Giáng sinh 2022, nhưng đã có doanh thu trong tuần đầu tiên chỉ 5 tỉ đồng. Đây là doanh thu vô cùng thấp làm cho hy vọng hoàn vốn trở nên bất khả thi.
Vì sao một bộ phim sau suất chiếu chiêu đãi được các ngôi sao showbiz khen nức nở về các pha hành động và diễn xuất của diễn viên, vẫn không tạo được cơn sốt phòng vé như kỳ vọng? Có rất nhiều yếu tố nhưng căn bản nhất vẫn là kịch bản yếu. Đây là vấn đề chưa có lối ra của điện ảnh Việt suốt nhiều năm nay.
Phim hành động không chỉ là đấm đá
Ngô Thanh Vân từ lâu đã trở thành biểu tượng “đả nữ” của màn ảnh Việt. Đặc biệt với vai Hai Phượng, Thanh Vân đã chinh phục hoàn toàn trái tim nhiều khán giả phim Việt nói chung và khán giả thích thể loại hành động nói riêng. Thừa thắng xông lên, Ngô Thanh Vân làm phim Thanh Sói với hứa hẹn sẽ gay cấn và kịch tính hơn cả Hai Phượng. Xét về yếu tố đánh đấm bạo lực thì tần suất của Thanh Sói dày đặc từ đầu đến cuối.
Vậy nhưng, những pha hành động được xem là không thua kém các nền điện ảnh tiên tiến ấy không “chạm” được vào cảm xúc người xem, bởi vì nó không có một câu chuyện cảm động. Hay nói cách khác, phim không làm rõ được thân phận của các nhân vật chính bằng những khung hình, mà chỉ kể qua loa qua lời thoại. Vậy nên người xem chưa “tích lũy” đủ cảm xúc và tâm lý để chấp nhận vì sao các nhân vật chính lại bạo lực một cách dữ dội đến thế.
Có nhiều người quan niệm rằng phim hành động thì chỉ cần đấm đá là đủ mãn nhãn. Thực ra, hầu hết các phim hành động thành công đều có một thông điệp ý nghĩa đằng sau đó, hay một bài học nào đó. Lấy một ví dụ dễ hình dung nhất là phim Hai Phượng. Nhân vật Hai Phượng có cảnh chém giết nhưng lại được sự đồng cảm của người xem bởi nhân vật thể hiện bản năng người mẹ chống lại bọn ác để cứu con gái bị bắt cóc. Tình mẫu tử là thứ dễ khiến người xem thổn thức, và diễn xuất của cô bé vai con khiến người xem cảm động. Từ đó, người ta đồng tình và cổ vũ người mẹ sẵn sàng lao vô chỗ chết vì con.
Câu chuyện của Thanh Sói đơn giản là giải thích vì sao một nữ sát thủ máu lạnh vướng vào giang hồ và không có đường lui của phần đầu Hai Phượng. Với những ai chưa coi phim Hai Phượng sẽ không hiểu được biên kịch kể về một nhân vật nữ trở thành sát thủ này nhắn gửi điều gì. Nếu là lỡ bước vào giang hồ sẽ không thoát được cảnh chết chóc, tù tội thì nhân vật nào trong phim khuyên cô ấy hãy hướng thiện. Không có ai cả và vì vậy, thông điệp phim… rất bế tắc.
Với những người đã coi phim Hai Phượng thì Thanh Sói là nhân vật rất đáng ghét, càng khó thông cảm. Nhân vật Thanh Sói đã vì hoàn cảnh đẩy đưa vào giang hồ, không muốn hoàn lương mà còn trở thành một con người tàn ác hơn cả những kẻ ác mà cô ta chống lại. Thanh Sói có một câu chuyện không có tình tiết cảm động và thông điệp về mặt giáo dục một cách rõ ràng. Có lẽ vì vậy mà bộ phim không nhận được sự đồng cảm của đám đông nên doanh thu thấp, dù bộ phim có chiến lược PR và quảng cáo tốt qua nhiều kênh.
Từ đây, có thể nói rằng phim hành động không chỉ cần có đấm đá đẹp mắt mà còn cần có cả câu chuyện hay.
Phim nghệ thuật tưởng thua thành thắng nhờ kịch bản
Trong năm 2022, theo nhận định của nhiều người am hiểu, có khoảng 50 phim Việt ra rạp. Hơn 40 phim “rút êm” và nhiều phim bị đánh giá là thảm họa vì kịch bản kém. Trong bức tranh buồn đó, phim thành công doanh thu rất ít ỏi. Trong đó, bất ngờ nhất là phim độc lập, dòng nghệ thuật Đêm tối rực rỡ đã không bị lỗ vốn mà thậm chí có lời, đồng thời nhận được sự khen ngợi từ kịch bản đến dàn dựng. Đây là một bộ phim kinh phí thấp, không có ngôi sao, bối cảnh chỉ xoay quanh một đám ma, đầy cảnh bạo lực, nhưng thông điệp rất đẹp: lên án bạo lực gia đình và kêu gọi cách đối xử tử tế với bệnh nhân trầm cảm. Cách kể chuyện của đạo diễn Aaron Toronto đã biến một cái tứ tưởng đã quá cũ, không có gì đáng xem trở nên rất lôi cuốn.
Bộ phim dòng nghệ thuật thứ 2 cũng không có ngôi sao, không được đầu tư tiền tấn, câu chuyện không theo xu hướng thời thượng, cũng thu lãi tốt là Tro tàn rực rỡ. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã ráp hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục quay về của Nguyễn Ngọc Tư thành một bộ phim rất hay về tình yêu và thân phận con người.
Thông điệp chính của bộ phim dù cần một chút suy ngẫm để hiểu, nhưng nó có nhiều tình huống khiến người xem cảm động. Vì vậy, sẽ có một nhóm đối tượng khán giả không chạy theo phim giải trí đánh giá rất cao. Chính vì thế, bộ phim đã đạt được thành công về mặt nghệ thuật với nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim ba châu lục, và có lời tại phòng vé trong nước.
Từ đây, có thể thấy rằng kịch bản muôn đời đóng một vai trò then chốt trong các khâu sáng tạo điện ảnh. Có thể kịch bản gốc chưa hay, nhưng nhờ bàn tay đạo diễn “bồi bổ”, thêm thắt sẽ trở thành câu chuyện hấp dẫn khi ra mắt, thì đó vẫn là bộ phim thành công. Ngược lại kịch bản kém đến mức đạo diễn không thể làm gì hơn mà vẫn chấp nhận quay thành phim, thì dù có nhiều ngôi sao tên tuổi, dù đầu tư tiền tỉ, vẫn không chạm được vào cảm xúc công chúng.
Có thể trong vài năm trước, một khán giả có thể bỏ tiền ra mua vé tất cả các phim Việt và ngoại công chiếu cùng thời điểm. Nhưng hiện tại, kinh tế đang suy yếu, chắc chắn sẽ có sự cân nhắc chọn lựa xem phim này hay phim khác. Ngoài ra, việc lựa chọn còn bị tác động bởi yếu tố truyền miệng của khán giả bình thường. Bây giờ công chúng đã hiểu rõ sau suất chiếu chiêu đãi, tất cả các ngôi sao được mời xem phim sẽ lên mạng khen ngợi và kêu gọi khán giả đến ủng hộ phim Việt. Khán giả sẽ ủng hộ đợt đầu vì nghe theo thần tượng. Nếu phim hay thì sẽ có nhiều lượt xem kế tiếp, còn ngược lại thì những lượt đi xem sẽ mỏng và thưa dần.
Xem ra, khi bắt tay vào làm một bộ phim, đạo diễn và nhà sản xuất cần đầu tư kỹ càng hơn vào kịch bản.
Năm 2022, có nhiều phim ở mức chiếu trên YouTube được nâng cấp lên thành phim rạp. Những bộ phim kiểu này sẽ càng khiến khán giả không còn lòng tin vào phim Việt. Nếu những người trẻ hay những người đã có kinh nghiệm xem việc làm phim này thất bại sẽ rút ra những bài học kế tiếp, thì cũng nên đón nhận việc nghe khán giả "chửi" hay "chê" bằng tâm thế sòng phẳng.
Thiết nghĩ, nghệ sĩ, mà nhất là nghệ sĩ ngôi sao, cũng không nên vị tình hay vì quan hệ mà kêu gọi khán giả đến xem phim nào đó một cách bất chấp. Vì hành động đó nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng chất lượng phim kém thì khán giả sẽ nghi ngờ vào sự thành thật của họ.