Nỗ lực lập liên minh chip ở châu Á của Trung Quốc chững lại do Mỹ siết chặt quy định vào 2023

Thế giới số - Ngày đăng : 19:27, 31/12/2022

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực thành lập liên minh chip ở châu Á để chống lại động thái từ Mỹ nhằm hạn chế tham vọng công nghệ của họ.

Trung Quốc đã tạo ra các cơ chế như “10+3”, cụ thể là 10 thành viên ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi vận động châu Âu không tuân theo chính sách của Mỹ.

Song, năm 2022 đã chứng kiến sự xuất hiện của một liên minh do Mỹ lãnh đạo nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận với các chip tiên tiến - vốn cung cấp sức mạnh cho mọi thứ, từ smartphone mới nhất đến các hệ thống vũ khí tiên tiến. Khi chính quyền Biden dần xây dựng cơ chế kiểm soát xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc, tận dụng lợi thế và ảnh hưởng của Mỹ, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra bị cô lập.

Theo trang SCMP, Wei Shaojun, quan chức cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc, đại diện cho ngành công nghiệp chip trong nước, nói tại hội nghị ngành trong tuần này rằng ngành công nghiệp chip Trung Quốc sẽ không suy tàn trong một sớm một chiều nhưng cũng không thể giành chiến thắng dễ dàng ở cuộc chiến này.

Một mặt, chúng ta không thể lạc quan một cách mù quáng và tin rằng có thể làm được mọi thứ – khái niệm Amazing China chắc chắn đã lỗi thời. Mặt khác, chúng ta không cần phải chán nản hay coi thường bản thân”, Wei Shaojun tuyên bố.

Amazing China là tựa đề của một bộ phim tuyên truyền của Trung Quốc từ năm 2017, ca ngợi những thành tựu kinh tế và công nghệ của nước này.

Mỹ đã nhanh chóng hành động vào năm 2022 để không cho Trung Quốc tiếp cận với các chip tiên tiến. Với đạo luật Chips and Science (Chip và Khoa học), Mỹ đang thu hút việc sản xuất chip trở lại nước này bằng các khoản tài trợ. Để nhận trợ cấp cho các nhà máy sản xuất chip được xây dựng ở Mỹ, TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) và Samsung Electronics không thể xây dựng các cơ sở tiên tiến ở Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc khó theo kịp Mỹ hơn.

Mỹ cũng cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 10, hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với một số chip tiên tiến, thiết bị và nhân viên Mỹ. Hơn nữa, chính quyền Biden đã tăng cường áp lực ngoại giao với các đồng minh của mình để có cùng quan điểm trong việc hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc.

Đài Loan rõ ràng đang rời xa quỹ đạo của Trung Quốc. TSMC, hãng sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, đang xây dựng một nhà máy ở Nhật Bản và có thể xem xét xây dựng nhà máy thứ hai ở đất nước Mặt trời mọc. Đang xây nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ), TSMC cũng xem xét ý tưởng tạo ra nhà máy đầu tiên tại châu Âu.

TSMC nhắm đến việc chi 40 tỉ USD để sản xuất chip 4 nanomet tiên tiến ở Mỹ, trái ngược với kế hoạch chỉ chi 3 tỉ USD để mở rộng sản xuất tại nhà máy tại thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), nơi sản xuất chip nút 28 namonet trưởng thành.

Ngoài những hạn chế của Mỹ, Đài Loan từ lâu đã cấm bất kỳ nhà sản xuất chip nào trên đảo này đầu tư vào công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc để giữ khoảng cách công nghệ ít nhất hai thế hệ.

Trung Quốc cũng đang đối mặt với thử thách trong mối quan hệ với Hàn Quốc. Một lãnh đạo tại SK Hynix, gã khổng lồ chip Hàn Quốc được trải thảm đỏ ở thành phố Vô Tích (Trung Quốc), cho biết vào tháng 10 rằng sẽ xem xét bán nhà máy chip của mình tại Vô Tích nếu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ khiến nó không thể hoạt động.

SK Hynix sau đó đã bác bỏ kế hoạch như vậy. Chính quyền Vô Tích cho biết một dự án đầu tư giai đoạn 2 của SK Hynix trị giá 53,2 tỉ nhân dân tệ (7,64 tỉ USD) đã được ký kết.

no-luc-lap-lien-minh-chip-o-chau-a-cua-trung-quoc-chung-lai-do-my-siet-chat-quy-dinh-vao-2023.jpg
Mỹ ra nhiều đòn trừng phạt vào năm 2022 để đẩy lùi tham vọng chip của Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Trong khi đó, châu Âu đang theo đuổi an ninh chuỗi cung ứng của riêng mình. Khối 27 quốc gia đã đồng ý kế hoạch trị giá 45 tỉ euro (46,6 tỉ USD) để tài trợ cho việc sản xuất chip trên đất nhà trong tháng này nhằm giảm sự phụ thuộc vào các công ty châu Á.

Là chủ đề tranh luận tại Ủy ban châu Âu và sẽ được phê duyệt vào năm 2023, đạo luật Chips của EU (Liên minh châu Âu) có mục đích thúc đẩy sản xuất chip của khối này lên 20% thị trường toàn cầu vào năm 2030 từ mức 10% hiện tại.

Động thái đó phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của EU về rủi ro chuỗi cung ứng trong tương lai. Điều này có thể đi ngược lại kế hoạch của Trung Quốc muốn sử dụng châu Âu làm đối trọng với các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn từ Mỹ.

Đức tháng trước đã chặn việc tiếp quản nhà sản xuất chip Elmos (Đức) bởi đối thủ Silex (Thụy Điển), công ty con thuộc Sai Microelectronics (Trung Quốc).

EU đã kiềm chế không chỉ đích danh Trung Quốc là mối lo ngại về an ninh. Thế nhưng, việc EU không làm bất cứ điều gì đảo ngược chính sách của Mỹ sẽ có tác động với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn đòn thù từ chính quyền Biden, theo các nhà phân tích.

Mathieu Duchâtel, Giám đốc chương trình châu Á tại Viện Montaigne có trụ sở tại Paris (thủ đô Pháp), nhận định: “Về mặt tiêu cực, châu Âu sẽ chú ý nhiều hơn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể bùng phát từ Trung Quốc. Đạo luật Chips của EU chỉ định Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan là các đối tác an ninh chuỗi cung ứng của EU, điều này cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc được coi là một rủi ro”.

Trong số các đối tác được nêu tên trong đạo luật Chips của EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đã được Mỹ chọn để thành lập một liên minh chip được gọi là Chip 4, mà Bắc Kinh coi là động thái có chủ ý nhằm loại bỏ vai trò của Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Singapore cũng đóng vai trò là hàng rào chống lại rủi ro chuỗi cung ứng từ Trung Quốc với một số nhà sản xuất chip ở châu Á. Do đó, quan hệ đối tác của EU với các nền dân chủ tự do này có thể khiến Trung Quốc càng bị cô lập hơn.

Hoạt động mua bán và sáp nhập của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ châu Âu đã bị giám sát chặt chẽ hơn.

Chính phủ Anh vào tháng 11 đã yêu cầu Nexperia Holding NV (Hà Lan) buộc phải bán 86% cổ phần Newport Wafer Fab (xứ Wales) mà họ mua vào tháng 7.2021 trong thỏa thuận trị giá khoảng 63 triệu bảng Anh (75 triệu USD) do “rủi ro với an ninh quốc gia”.

Nexperia Holding NV là công ty con của hãng Wingtech Technology (Trung Quốc). Wingtech Technology đã mua 79,97% cổ phần Nexperia Holding NV vào năm 2018, trở thành cổ đông lớn nhất. Wingtech Technology mua phần còn lại của Nexperia Holding NV vào năm 2020.

Trong năm 2021, Nexperia Holding NV đã đầu tư vào Nexperia Newport Limited (sau đó là Newport Wafer Fab), trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty.

Tuy nhiên, Mathieu Duchâtel cho biết tác động trực tiếp từ đạo luật Chips của EU với Trung Quốc hiện bị hạn chế do mối quan hệ kinh tế giữa châu Âu và cường quốc châu Á này vẫn mạnh mẽ.

Cả việc EU xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu của EU từ nước châu Á này đều tăng từ năm 2011 đến 2021, theo số liệu thống kê chính thức từ Eurostat (Cơ quan Thống kê châu Âu).

Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu (EU-27 cộng với Vương quốc Anh) đã tăng 33% lên 10,6 tỉ euro vào năm 2021, lần tăng đầu tiên từ xu hướng giảm kể từ 2016, theo dữ liệu từ công ty Rhodium Group và MERICS.

Một trong những công ty chủ chốt của châu Âu trong cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc là ASML (Hà Lan), gần như độc quyền về hệ thống in thạch bản – rất cần thiết cho sản xuất chip tiên tiến.

Trước yêu cầu từ Mỹ tiếp tục hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, Ngoại trưởng Hà Lan - Liesje Schreinemacher đã bác bỏ. Ông cho biết Mỹ không thể quyết định chính sách của Hà Lan và nước này “sẽ không sao chép” các hạn chế của Mỹ với xuất khẩu chip và công nghệ sản xuất chip tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn những rào cản địa chính trị phải leo lên. Theo một báo cáo của trang Bloomberg hồi tháng 12, trích dẫn các nguồn không xác định, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các công cụ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Nếu ASML bị kéo vào giới hạn của một thỏa thuận như vậy, điều này thậm chí có thể cản trở kế hoạch mở rộng công suất của các nhà máy xử lý các nút công nghệ trưởng thành ở Trung Quốc.

Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ. Thế nhưng, Mỹ đã chặn các cuộc hẹn với cơ quan cầm quyền hàng đầu của WTO về các tranh chấp thương mại những năm gần đây, nghĩa là một số tranh chấp không bao giờ được giải quyết.

Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói các nhà cung cấp vật liệu và thiết bị bán dẫn từ Hà Lan, Nhật Bản “có thể không đồng quan điểm với Mỹ” trong việc trừng phạt Trung Quốc do lợi ích kinh doanh của chính họ.

Trong ngắn hạn, vẫn còn phải xem liệu Mỹ có thể tận dụng cả củ cà rốt và cây gậy để thành lập một liên minh chống lại Trung Quốc hay không, dù chúng tôi cho rằng các rào cản vẫn còn khá cao với các nước châu Âu khi chuyển thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc hoặc bán các doanh nghiệp bán dẫn cho các công ty Trung Quốc”, Arisa Liu nói.

Trong khi đó, Mỹ sẽ tăng cường và mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào năm 2023 để chống lại Trung Quốc, theo các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ).

Họ lưu ý: “Nếu người Hà Lan và Nhật không sẵn lòng đồng ý, chính quyền Biden có thể đe dọa thực hiện các biện pháp ngoài lãnh thổ”.

Chính quyền Biden cũng có thể mở rộng kiểm soát xuất khẩu sang các lĩnh vực công nghệ khác là “nền tảng cho sự lãnh đạo công nghệ của Mỹ và liên quan an ninh quốc gia”, chẳng hạn trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện toán lượng tử và năng lượng sạch tiên tiến.

Sơn Vân