Những điều có thể bạn chưa biết về World Cup 1970: Pele - Nhà vô địch thế kỷ
Thể thao - Ngày đăng : 08:50, 01/01/2023
Ngày 21.6.1970 đã là ngày hội của cả thế giới. Không ai có thể quên được: Brazil đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet – “tri-campeao” – với Pele, cầu thủ thứ nhất và duy nhất hiện nay và có thể là cả mai sau (?) ba lần đoạt chức vô địch thế giới.
Edson Arantes do Nascomento đã bay lượn trên trận chung kết: một bàn thắng rất đẹp gỡ hòa 1-1 bằng cú đánh đầu khiến cho Burgnich hoàn toàn bất lực. Sau đó, một đường tạt nghiêng ngoạn mục cho Jaizinho nâng tỷ số lên 3-1. Sau cùng, như có con mắt ở phía sau lưng, không cần quay người lại, Pele thực hiện một đường chuyền vừa nhẹ, vừa thông minh và rất vừa tầm cho đội trưởng Carlos Alberto từ tuyến dưới băng lên sút tung lưới.
Nếu như pha độc diễn từ bên phần sân nhà của Maradona đi qua 4 cầu thủ đối phương rồi qua cả thủ môn đội tuyển Anh trong trận Argentina thắng Anh 2-1 tại World Cup 1986 được bình chọn là bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử World Cup, thì với tôi, bàn thắng ấn định tỷ số chung cuộc 4-1 của đội Brazil trước Ý trong trận chung kết World Cup 1970 là “bàn thắng đồng đội” đẹp nhất trong lịch sử World Cup.
Cùng xem lại thước phim chiếu chậm của bàn thắng đồng đội tuyệt đẹp này: Tostao đoạt bóng bên cánh trái, chuyền xuống cho Piazza phía trước vùng cấm địa sân nhà, rồi bóng được luân chuyển qua Gerson, Clodoaldo. Clodoaldo là tiền vệ phòng ngự nhưng có đủ ma thuật nhảy mùa với bóng vượt qua 4 cầu thủ Ý ngay trung tâm sân đấu rồi chuyền bóng cho Rivelino bên cánh trái. Rivelino thực hiện một đường chuyền dọc biên cho Jairzinho, Jairzinho từ biên trái đi vào trong chuyền ngang qua cho Pele ở chếch bên phải nửa vòng tròn vùng cấm địa của đội Ý. Pele nhận bóng, chậm rãi, chuyển bóng từ chân phải qua chân trái rồi không cần nhìn, Pele chuyền bóng sang phải đúng tầm cho Carlos Alberto tung nước rút từ dưới băng lên giống như từ dưới đất chui lên và tung cú sút chéo góc đưa bóng bay như điện xẹt chui thẳng vào góc lưới đội Ý.
Một bàn thắng có sự tham gia của 8 tuyển thủ Brazil, một bàn thắng mà bóng đi khắp mặt sân từ đầu vùng cấm địa Brazil bên trái được kết thúc ở điểm chếch bên phải bên trong vùng cấm địa đội Ý, một bàn thắng bóng tứ bên trái, được nhảy múa ở trung tâm, rồi trở về bên trái bỗng qua bên phải rồi nằm gọn trong lưới đội Ý.
Có bàn thắng nào có sự tham gia với số lượng cầu thủ nhiều như thế trong đó có những cá nhân như làm xiếc với bóng?
Có bàn thắng nào đẹp được phối hợp đồng đội nhuần nhuyễn hơn thế?
Một bàn thắng như là bức tranh lung linh sắc màu với điểm nhấn là dấu chấm hoàn hảo: “Pele có con mắt phía sau lưng”!
Và 4-1, màn chót của World Cup 1970 là một kết quả hợp tình, hợp lý vì đó đã là trận thắng thứ 12 liên tiếp của Brazil (6 trận vòng loại, 6 trận vòng chung kết). Như thế, chưa có một đội vô địch thế giới nào lại thống trị tuyệt đối như Brazil. Và cũng chưa bao giờ có một đội bóng nào thể hiện lối đá đẹp như múa ba-lê như thế dưới vai rò dẫn dắt của “diễn viên soliste” Pele!
Chưa đến tuổi 16, Pele đã là tay ghi bàn xuất sắc của câu lạc bộ Santos. “Thằng nhóc” từ Tres Caracoes (ba trái tim) tiến vào đội tuyển quốc gia vào tháng 7.1957 khi mới... 16 tuổi 8 tháng. Thế rồi 11 tháng sau tại World Cup 1958, chỉ cần một trận hòa đáng lo ngại 0-0 trước đội Anh là đủ để HLV Feola gọi cầu thủ dự bị Pele vào đội hình chính thức, nhằm chuẩn bị cho trận đụng độ mang tính quyết định với đội tuyển Liên Xô của thủ môn huyền thoại – “Con nhện đen” Lev Yachine.
Pele 17 tuổi, trong mùa xuân êm dịu năm 1958, với nhiệm vụ rất đơn giản là đưa Brazil vào tứ kết Cúp bóng đá thế giới.
Và thế là câu chuyện thần tiên bắt đầu, một câu chuyện mà ai cũng thuộc nằm lòng về một cầu thủ xuất chúng ra đời năm 1958 và không ngừng chiếu sáng rực rỡ suốt 12 năm sau đó...
Ngày 21.6.1970, cái mình trần đen bóng nhẫy được nâng cao trên mấy chục cánh tay trước sự tôn vinh của 110.000 nhân chứng tại Aztèque. “Nhà vua” ngồi chễm chệ trên vai các kỵ sĩ – cầu thủ bóng đá, nửa trần thế, nửa như thần thánh ngay trên vận động trường Aztèque mà ông vừa trình diễn những pha chuyền bóng, đi bóng, sút bóng, đánh đầu... làm đắm say lòng người.
Pele đang ở nơi cao ấy, đang bay lượn trên đỉnh vinh quang. Ông sẽ không bao giờ trở xuống chín tầng mây vời vợi nữa, ông sẽ mãi mãi ngự trị trên đỉnh cao, và ông là cả một huyền thoại sống động.
Và khi hình ảnh này được truyền qua vệ tinh Telstar thì có đến 100 triệu khán thính giả truyền hình được trông thấy cuộc lên ngôi của một biểu tượng tái sinh: môn bóng đá, kể từ nay đã có một hiện thân vĩnh viễn, đó là: Pele bất tử!
Cả thế giới dưới chân ông
Báo L’Équipe đã tổ chức cuộc bình chọn vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20, và “vua” Pele đã đem vinh quang về cho môn bóng đá khi ông được chọn là “Nhà vô địch thế kỷ”, xếp trên cả VĐV điền kinh lừng danh của Mỹ Jess Owens từng đoạt 4 huy chương vàng tại Thế vận hội Berlin 1936.
Ngày 15.5.1981, tại sân vận động Parc des Princes, Pele đã nhận giải thưởng cao quý này, và sân Parc des Princes hôm ấy không còn một chỗ trống. Người hâm mộ đã đến để một lần nữa cám ơn cầu thủ Pele, người đã để lại cho người đời không biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp, và cũng vì ông luôn muốn giúp người đời trở lại với tuổi trẻ.
Đối với những ai yêu bóng đá, Pele là thiên tài của tuổi trẻ. Vì ngay chính Pele cứ vẫn như là chàng trai, trẻ hơn tuổi của ông rất nhiều. Cho nên, với con người trẻ mãi ấy, dường như nơi nào cũng rộng cửa chào đón ông.
Ông trời đã sinh ra Pele với đôi chân bé nhỏ tài hoa để chúng ta phải mơ mộng.
Và khi Pele nhảy múa, người ta có thể nhận ra rằng khi không có bóng, ông cũng bình thường như bao người khác. Nhưng, khi trình diễn với bóng, ông lại khác lạ tất với tất cả.
Cả thế giới bóng đá này dưới chân ông.