Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn và hạt lúa ‘Khải huyền’

Văn hóa - Ngày đăng : 13:47, 03/01/2023

Nghệ sĩ tạo hình Bùi Hải Sơn ngợi ca hạt lúa bằng lối điêu khắc tối giản nhưng chứa đựng nhiều thông điệp ẩn ý của nghệ thuật.

Bùi Hải Sơn sinh năm 1957 tại cù lao Ông Chưởng, tỉnh An Giang, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ông hiện sống và làm việc tại TP.HCM.

Bùi Hải Sơn là một trong những nhà điêu khắc thế hệ mới tiêu biểu của Việt Nam, với các tác phẩm có dấu ấn, được sưu tập bởi cá nhân và tổ chức như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Công viên Beasan (Iksan, Hàn Quốc), Bảo tàng Takanabe (Miyazaki, Nhật Bản)…

Sau khi tham gia gần 30 triển lãm nhóm, hơn 10 trại điêu khắc trong nước và quốc tế, Bùi Hải Sơn thực hiện triển lãm cá nhân lần 2 có tên "Khải tuyền". Triển lãm đầu tiên có tên là Nguồn, diễn ra tại phòng tranh của Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2010.

Ở độ tuổi U70 và hơn 35 năm trong nghề, Bùi Hải Sơn ít khi nào ngưng nghỉ tìm tòi và sáng tạo, khá cẩn trọng và chỉn chu, nên có vẻ ngại làm triển lãm cá nhân. 

bui-hai-son-4-.jpg
Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn và tác phẩm - Ảnh: NVCC

Giám tuyển của triển lãm Khải huyền, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định: “Bùi Hải Sơn đang trong giai đoạn sáng tạo sung sức nhất, cùng với số ít nghệ sĩ đồng trang lứa, điêu khắc của Bùi Hải Sơn có phong cách cá nhân rất rõ trong lát cắt của vài thập niên - khi điêu khắc Việt Nam đột ngột thay đổi với các xu hướng nghệ thuật hiện đại lấn lướt hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thành công trong ngôn ngữ điêu khắc kim loại, những hoạt động sáng tác, quản lý và giảng dạy mỹ thuật xuyên suốt từ đầu năm 2000 đã tạo cho Bùi Hải Sơn một vị trí quan trọng hàng đầu trong nền điêu khắc đương đại, đặc biệt tại TP.HCM - nơi ông sống và làm việc”.

chuyen-dong-ngam.jpg
Tác phẩm “Chuyển động ngầm” - giả lập sắp đặt, trưng bày của Bùi Hải Sơn

“Kể từ triển lãm cá nhân lần đầu vào năm 2010, hình tượng hạt lúa và những biến thể đa chất liệu trong ngôn ngữ điêu khắc xu hướng tối giản của Bùi Hải Sơn đã là những chiêm nghiệm siêu hình về khởi sinh/biến dịch, quá khứ/tương lai mang nội hàm và tình yêu văn hóa miền Tây Nam Bộ - quê hương ông. Hình tượng hạt lúa gắn với Bùi Hải Sơn không chỉ như một tài nguyên phong phú trong ngôn ngữ tạo hình mà nó còn là "chứng nhân tinh thần về cuộc di dân của dân tộc Việt về phương Nam" như ông đã từng nói. Ngoài ý nghĩa về nguồn gốc, nó còn là đích đến của một hành trình nhiều gian lao, thử thách”.

coi-re.jpg
Tác phẩm "Cội rễ" - giả lập sắp đặt, trưng bày của Bùi Hải Sơn

Hình tượng hạt lúa được Bùi Hải Sơn khai thác từ năm 1995, với những trăn trở và tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện, để đạt đến sự hiện đại và tối giản, nhiều ẩn ý như hiện nay. Hạt lúa là một dấu ấn trong triển lãm Nguồn (2010).

Lúc ấy, Bùi Hải Sơn chia sẻ: “Hình ảnh hạt lúa đặc trưng cho vùng không gian sống quê hương tôi - An Giang. Hạt giống mang thông điệp về quá khứ-hiện tại-tương lai. Đó còn là sự chiêm nghiệm giữa hiện hữu và hư vô, đơn lẻ và sinh sôi. Chủ đề Nguồn tái hiện cái đẹp của lao động từ quá trình gieo mầm, mầm lớn thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng, thành bông lúa trĩu hạt mang sự sống từ bên trong… Hình ảnh đó bắt đầu như hành trình của đời người, của nhân loại hướng đến chân-thiện-mỹ”.

bui-hai-son-3-.jpg
Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn và tác phẩm sắp đặt

Sau hơn 10 năm chiêm nghiệm tiếp tục về hạt lúa, đến với Khải huyền (2023), khi hỏi ông "Cù lao Ông Chưởng, hạt lúa và phù sa sông Mê Kông có quan hệ với ônh thế nào trong sáng tác nói chung thì Bùi Hải Sơn trả lời: “Ai cũng có nguồn gốc và ký ức về một không gian sống, với tôi đó là cù lao, là dòng sông. Cù lao Ông Chưởng - hạt lúa - dòng sông là những thực tại hữu hình trong dòng chảy tiềm thức về cuộc di dân về phía Nam và xa hơn nữa… Lần này, Khải huyền mang đến một nhãn quan tối giản về hình thể và không gian để chiêm nghiệm về thực tại vô hình”.

Khi nói về quan niệm "Khải huyền", Bùi Hải Sơn chia sẻ như sau: “Khải huyền mang ý nghĩa tỏ lộ hoặc được mặc khải những điều tốt đẹp, nhiệm mầu trong những gì bình thường nhất. Đối với tôi, chính là việc công bố những thông điệp và cảm nhận về không gian và thời gian đã trải qua trong cuộc sống bằng ngôn ngữ điêu khắc. Khải huyền trong sáng tác của cá nhân là câu chuyện kể về nguồn gốc và cội rễ của bản thân bằng ngôn ngữ của riêng mình. Mỗi thời một cách kể và khải huyền là cách kể ở thời điểm hiện tại”.

am-duong.jpg
Tác phẩm "Âm dương" - giả lập sắp đặt trưng bày

Cũng cần nói thêm, sự phát triển của điêu khắc hiện đại đã làm thay đổi những quan niệm, định nghĩa về điêu khắc từ hơn nửa thế kỷ trước và theo dòng phát triển nó sẽ còn thay đổi với điêu khắc đương đại.

Khi những hình thể âm và những mặt phẳng giới hạn hình thể được hiểu như là ngôn ngữ và ánh sáng được xem như là chất liệu của điêu khắc thì mọi việc đã thực sự thay đổi rất nhiều! Công việc của các nhà điêu khắc vẫn luôn hướng đến những đổi thay mang tính sáng tạo, nhưng quan trọng không kém là hệ thống đào tạo mỹ thuật có quan tâm đến những thay đổi nói trên hay không, và những người có trách nhiệm về phía chính quyền có thể hiểu được những đổi thay này đến mức độ nào!

 Hình khối hạt-nguồn của tác giả đạt tới sự tinh lọc, giản dị và giàu ẩn ý, thuyết phục và gây xúc động. Đồng thời, hình thể quy giản có tính trừu tượng, phổ quát đó lại biến hóa kì, lạ, bất ngờ… Trong tâm tưởng người xem, hạt-nguồn của Bùi Hải Sơn cũng có thể biến hóa thành cây, con vật hoặc bộ phận của cơ thể...

Điêu khắc và vật liệu vô cơ được người sáng tạo ra chúng gieo phôi mầm sống, phả hơi thở ấm vào. Đối lập giữa sự tính toán duy lý và tính sinh học tự tiến hóa, đối lập vô cơ - hữu cơ làm cho các tác phẩm nhiều chất design công nghiệp có một sắc thái thẩm mỹ riêng và nhất quán.

Tôi có cảm giác điêu khắc của Bùi Hải Sơn rất tương hợp với nội - ngoại thất đô thị Sài Gòn của chúng ta. Phong cách điêu khắc riêng, đậm đặc đã làm nên một tên tuổi, một tác giả điêu khắc khó quên của thành phố này.

Nguyễn Quân (nhà phê bình nghệ thuật)

Tiểu Vũ