Ukraine cáo buộc Nga làm thiệt hại môi trường lên đến hơn 35 tỉ USD

Quốc tế - Ngày đăng : 14:20, 03/01/2023

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 2.1 cho biết Nga đã vi phạm một điều khoản của Công ước Geneva 1949 khi gây ra thiệt hại môi trường khoảng 35 tỉ USD ở Ukraine.

"Thiệt hại đối với hệ sinh thái do Nga gây ra ước tính khoảng 35,3 tỉ USD. Hàng triệu ha khu bảo tồn thiên nhiên đang bị đe dọa”, ông Reznikov viết trên Twitter.

Điều 55 của Công ước Geneva năm 1949, có tiêu đề Bảo vệ Môi trường Tự nhiên với nội dung như sau: “Trong chiến tranh, cần phải thận trọng để bảo vệ môi trường tự nhiên khỏi những thiệt hại nghiêm trọng, lâu dài và lan rộng. Sự bảo vệ này bao gồm việc cấm sử dụng các phương pháp hoặc phương tiện chiến tranh nhằm mục đích hoặc có thể gây ra thiệt hại như vậy đối với môi trường tự nhiên và do đó gây phương hại đến sức khỏe hoặc sự sống còn của người dân”. Ngoài ra, các cuộc tấn công vào môi trường được thực hiện để trả đũa cũng bị cấm theo Điều 55, theo Cơ sở dữ liệu Luật Nhân đạo Quốc tế.

Thanh tra Môi trường của Ukraine đã có báo cáo vào tháng 12 rằng, chiến dịch quân sự của Nga tiến hành ở Ukraine đã làm ô nhiễm hơn 291 triệu mét vuông đất và xả rác trên 8 tỉ mét vuông ở quốc gia này, gây thiệt hại ước tính 12 tỉ USD tài nguyên đất, Kyiv Independent đưa tin. Trong khi đó, chính phủ Ukraine ước tính rằng, ô nhiễm không khí xuất phát từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây thiệt hại khoảng 26 tỉ USD.

o-nhiem(1).png
Một cây cầu bị phá hủy ở Bakhmut, thuộc vùng Donetsk, ảnh hưởng tới nguồn nước cho người dân địa phương - Ảnh: AFP

Vào tháng 8, Bộ Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng, họ đã ghi nhận hơn 2.000 vụ lực lượng Nga phá hủy không khí, tài nguyên đất và nước của Ukraine.

Thiệt hại về môi trường hiện tiếp tục gia tăng tại Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), trên 280.000 ha rừng đã bị phá hủy hoặc đốn hạ do xung đột. Thêm vào đó, các cuộc tấn công vào kho nhiên liệu đã giải phóng chất độc vào không khí và nước ngầm, đe dọa đa dạng sinh học, ổn định khí hậu và sức khỏe của người dân.

“Sự ô nhiễm do chiến tranh sẽ không biến mất. Chính con cháu chúng ta sẽ phải giải quyết bằng việc trồng rừng, hay làm sạch những dòng sông ô nhiễm”, chuyên gia Dmytro Averin tại tổ chức môi trường Zoi Environment Network (Thụy Sĩ) nhận định.

Theo nhà khoa học môi trường Mỹ Rick Steiner, ảnh hưởng sức khỏe từ nước ô nhiễm và tiếp xúc với chất độc do xung đột "có thể mất nhiều năm mới cho thấy hậu quả của nó".

Ông Doug Weir – nhà nghiên cứu tại tổ chức Conflict and Environment Observatory (Anh) nhấn mạnh rằng, các chính phủ phải có nghĩa vụ giảm thiểu tối đa rủi ro môi trường, đặc biệt trong chiến tranh.

Hoàng Vũ