Chủ sở hữu TikTok sa thải hàng trăm nhân viên ở Trung Quốc, tuyển thêm 10.000 người

Thế giới số - Ngày đăng : 20:00, 03/01/2023

ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đã sa thải hàng trăm nhân viên thuộc nhiều bộ phận ở Trung Quốc vào cuối năm 2022 như một phần trong nỗ lực hợp lý hóa hoạt động của công ty, theo hai người quen thuộc với vấn đề này.

Động thái đó đã ảnh hưởng đến các nhân viên tại Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc với 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày) cũng như các hoạt động kinh doanh game và bất động sản của ByteDance, các nguồn tin giấu tên cho biết vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Việc cắt giảm việc làm chỉ đại diện cho tỷ lệ nhỏ lực lượng lao động của ByteDance, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc và có hơn 100.000 nhân viên trên toàn thế giới. Vì ByteDance thuộc sở hữu tư nhân nên không bắt buộc phải tiết lộ công khai thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình.

Việc cắt giảm việc làm thường được thực hiện dưới danh nghĩa tối ưu hóa kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc và các nhà tuyển dụng sa thải người làm việc kém hiệu quả là thông lệ phổ biến. Những gã khổng lồ internet khác của Trung Quốc, gồm cả Alibaba và Tencent, đã cắt giảm hàng ngàn việc làm vào năm 2022.

Việc sa thải tại ByteDance lần đầu tiên được hãng truyền thông Jiemian (Trung Quốc) đưa tin. Theo đó, Feishu (còn được gọi là Lark) của ByteDance là một trong những bộ phận bị cắt giảm việc làm nhiều nhất, ảnh hưởng đến khoảng 10% nhân viên.

Lark là bộ ứng dụng văn phòng tích hợp tính năng nhắn tin, quản lý lịch biểu, tài liệu cộng tác, hội nghị truyền hình và nhiều ứng dụng khác trong một nền tảng duy nhất.

ByteDance từ chối bình luận về thông tin trên.

Một trong những nguồn tin cho biết những người bị sa thải sẽ được bồi thường dựa trên số năm phục vụ, cộng với một tháng lương.

Song song đó, ByteDance vẫn đang tiếp tục tuyển dụng số lượng lớn. Trang web của ByteDance có danh sách khoảng 10.000 việc làm, từ kỹ thuật đến tiếp thị, tại các thành phố trên toàn thế giới, bao gồm cả Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), London (thủ đô Anh) và Mountain View (bang California, Mỹ).

Việc sa thải diễn ra sau khi Giám đốc điều hành ByteDance - Liang Rubo nói với các nhân viên vào cuối tháng 12 rằng công ty cần “lấy lại vóc dáng và tăng cường cơ bắp”. Đây là một cụm từ mà Liang Rubo đã sử dụng nhiều lần trong năm qua để hợp lý hóa các hoạt động.

Liang Rubo từng đứng đầu bộ phận nhân sự trước khi tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành ByteDance từ người sáng lập Zhang Yiming vào năm 2021.

Đây không phải là lần đầu tiên công ty gần 10 năm tuổi cắt giảm việc làm. ByteDance đã sa thải hàng ngàn người trong năm 2021 sau lệnh cấm dạy thêm của Trung Quốc và vào năm 2022 cắt giảm hàng trăm việc làm khỏi các hoạt động video game của mình ở thành phố Thượng Hải, Hàng Châu.

Trong khi đó, có điều không chắc chắn xung quanh các kế hoạch IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) của công ty. Hồi tháng 9.2022, Giám đốc tài chính ByteDance - Julie Gao nói với nhân viên rằng ByteDance không có kế hoạch IPO.

Một nhà đầu tư ban đầu vào ByteDance (từ chối nêu tên) cho biết công ty không gấp rút lên kế hoạch IPO và không có lịch trình cố định.

Có quá nhiều điều không chắc chắn”, nhà đầu tư này nói.

chu-so-huu-tiktok-sa-thai-hang-tram-nhan-vien-o-trung-quoc.jpg
ByteDance, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc, đã sa thải hàng ngàn người vào năm 2022 - Ảnh: Reuters

ByteDance đang trải qua một năm đầy thử thách khi TikTok phải đối mặt với những trở ngại chính trị ở Mỹ và môi trường pháp lý khó lường tại Trung Quốc. TikTok đã bị cấm trên tất cả thiết bị của chính phủ liên bang Mỹ, trong khi ít nhất 19 bang đã chặn ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này khỏi các thiết bị do bang quản lý. Tháng trước, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng Nhà Trắng đang xem xét buộc ByteDance bán đơn vị của TikTok tại Mỹ.

Theo Wall Street Journal, các quan chức an ninh thuộc Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đang xem xét một kế hoạch như vậy. CFIUS là cơ quan xem xét các thương vụ mua lại các công ty của Mỹ bởi các công ty nước ngoài vì những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia.

Một đại diện của TikTok nói rằng công ty đã hợp tác với chính phủ Mỹ “trong hơn 2 năm để giải quyết tất cả mối lo ngại hợp lý về an ninh quốc gia với TikTok ở Mỹ”.

Chúng tôi tin rằng những lo ngại đó có thể được giải quyết hoàn toàn và CFIUS đang xem xét một giải pháp toàn diện nhằm giải quyết các mối quan tâm chính về quản trị doanh nghiệp, đề xuất và kiểm duyệt nội dung cũng như bảo mật và truy cập dữ liệu", Brooke Oberwetter, đại diện của TikTok, cho biết.

Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc triển khai giải pháp đó trong năm qua và mong muốn hoàn thành công việc để giải quyết những lo ngại này”, Brooke Oberwetter nói thêm.

Bất chấp điều đó, một số quan chức Mỹ tin rằng những lo ngại về bảo mật dữ liệu và khả năng tuyên truyền nhắm vào người dùng ứng dụng chia sẻ video ngắn ở Mỹ sẽ được giải quyết tốt hơn bằng cách bán đơn vị TikTok tại Mỹ, Wall Street Journal đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với các cuộc đàm phán.

Cuối năm 2022, ByteDance phát hiện một số nhân viên có quyền truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ theo cách không phù hợp, làm phức tạp thêm nỗ lực vốn khó khăn của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nhằm thuyết phục các nhà làm luật Mỹ rằng ứng dụng này an toàn.

Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, nói với các nhân viên trong một bản ghi nhớ mà trang Bloomberg có được: “Các cá nhân liên quan đã lạm dụng quyền hạn của họ để có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok”.

Việc truy cập vào dữ liệu này bắt nguồn từ một cuộc điều tra nội bộ của ByteDance được tiến hành vào mùa hè nhằm khám phá nguồn làm rò rỉ thông tin với báo chí từ nhân viên.

Chịu trách nhiệm về cuộc điều tra, các thành viên trong nhóm kiểm toán nội bộ của ByteDance đã truy cập dữ liệu cá nhân từ tài khoản một số nhà báo, gồm cả địa chỉ IP, để cố gắng xác định xem họ có tương tác với nhân viên TikTok hay không, theo một email được gửi bởi Erich Andersen - Tổng cố vấn của TikTok.

Các nhân viên này bị phát hiện theo dõi nhà báo Financial Times và Buzzfeed, đồng thời truy cập dữ liệu cá nhân và địa chỉ IP của họ.

Công ty đã mở một cuộc điều tra riêng sau khi trang Forbes đưa tin các nhân viên ByteDance lên kế hoạch sử dụng TikTok để theo dõi vị trí thực của một số người dùng Mỹ. Do công ty luật bên ngoài tiến hành, cuộc điều tra thứ hai đó đã phát hiện ra việc truy cập không phù hợp vào dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok, theo email từ Erich Andersen mà Bloomberg thấy được.

Theo The New York Times, một người trong nhóm kiểm toán nội bộ của ByteDance đã từ chức và ba người khác bị sa thải. Nhóm kiểm toán cũng được cơ cấu lại nhằm nỗ lực tránh những vi phạm tương tự trong tương lai.

Tôi muốn nói thêm rằng hành vi sai trái này hoàn toàn không đại diện cho những gì tôi biết về nguyên tắc của công ty chúng ta. Tôi thất vọng khi biết rằng bất kỳ ai, thậm chí chỉ một nhóm nhỏ, coi hành vi đó là có thể chấp nhận được”, Shou Zi Chew cho biết trong ghi chú của mình.

TikTok cắt giảm nhân sự ở Nga, có thể phải thay đổi kế hoạch tăng tuyển dụng tại Mỹ

Hôm 16.12.2022, TikTok cho biết sẽ cắt giảm số lượng nhân viên ở Nga sau khi đình chỉ các dịch vụ chính cho người dùng Nga hồi tháng 3.

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin này, trích dẫn văn phòng báo chí của công ty Trung Quốc.

"Năm nay, chúng tôi buộc phải đưa ra một số quyết định liên quan đến hoạt động dịch vụ của chúng tôi ở Nga và thật không may, bây giờ chúng tôi phải cắt giảm số lượng nhân viên ở nước này", TikTok cho biết trong một tuyên bố gửi đến RIA Novosti.

Ứng dụng TikTok đã đình chỉ phát trực tiếp và tải lên video mới ở Nga do nước này đưa ra biện pháp kiểm duyệt phương tiện truyền thông nghiêm ngặt sau cuộc tấn công Ukraine.

Cụ thể hơn, ngày 6.3.2022, TikTok thông báo ngừng dịch vụ phát trực tiếp cũng như ngừng đăng tải những nội dung video mới nhằm đảm bảo an toàn cho các nhân viên của hãng, cũng như tuân thủ quy định mới của Nga về chống tin giả.

TikTok cho biết rằng dịch vụ nhắn tin trong ứng dụng này sẽ không bị ảnh hưởng. TikTok nhấn mạnh sẽ tiếp tục đánh giá tình hình tại Nga để quyết định thời điểm nối lại hoàn toàn các dịch vụ.

Hôm 4.3.2022, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật áp dụng các án phạt tù lên đến 15 năm với những cá nhân bị buộc tội đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga trong bối cảnh nước này tấn công Ukraine.

Theo luật mới được Tổng thống Nga phê chuẩn, hành vi tung tin giả về quân đội sẽ bị phạt từ 700.000 đến 1,5 triệu rúp hoặc bị phạt tù 3 năm. Nếu sử dụng chức vụ quyền hạn để tung tin giả hoặc tung tin giả để kiếm lợi thì sẽ bị phạt 5 triệu rúp hoặc bị phạt tù từ 5-10 năm.

Nếu hành vi phát tán tin giả về quân đội Nga gây hậu quả nghiêm trọng, người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tù giam từ 10-15 năm.

Tuy cắt giảm nhân sự ở Nga, TikTok vẫn lên kế hoạch tăng tuyển dụng tại Mỹ.

Hồi tháng 11.2022, Shou Zi Chew - Giám đốc điều hành TikTok xác nhận rằng công ty vẫn đang tuyển dụng nhân viên trong các bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế ở Singapore.

Trong khi phần lớn công ty ở Thung lũng Silicon đang vật lộn với tình trạng ngừng tuyển dụng lao động và cắt giảm việc làm, TikTok vẫn đang lên kế hoạch tiếp tục thuê nhân viên.

TikTok cam kết đặt mục tiêu tuyển dụng gần 1.000 kỹ sư tại văn phòng Mountain View (quận Santa Clara, bang California) của mình, theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề.

Shou Zi Chew cho rằng ở giai đoạn phát triển này, tốc độ, nhịp độ tuyển dụng của TikTok là phù hợp.

Dù vậy, kế hoạch tăng tuyển dụng ở Mỹ của công ty có thể phải thay đổi vì TikTok đã bị cấm trên tất cả thiết bị của chính phủ liên bang Mỹ và ít nhất 19 bang đã chặn ứng dụng này khỏi các thiết bị do bang quản lý, như đã nêu ở trên.

Sơn Vân