Đầu tư nhà ở xã hội: Doanh nghiệp chật vật vì thủ tục và vốn, các Bộ nói gì?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:56, 04/01/2023

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng thừa nhận hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp chật vật với thủ tục

Theo ông Sinh, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước: Một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề các thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

“Chúng ta đã biết, hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội”, ông Sinh nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho hay “xây dựng nhà ở xã hội thì quỹ đất rất quan trọng, trước đây cũng thế, bây giờ cũng thế và sau này cũng thế. Nhưng có quỹ đất rồi lại phải gắn với hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ… Quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp phải đồng bộ, có hạ tầng, kèm theo đó là các giải pháp như vấn đề đền bù, vấn đề lãi suất cho cả nhà đầu tư, cho cả người mua”, ông Sơn nêu.

nha-o.jpg
Nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng hiện nay thủ tục đầu tư xây nhà ở xã hội và dự án nhà ở thương mại đang khá giống nhau. Thậm chí thủ tục đối với nhà ở xã hội có có phần nhiêu khê hơn ở một số khâu, đặc biệt là quá trình mở bán.

“Đối với dự án nhà ở xã hội, cho dù có đất sạch thì để triển khai dự án thì từ khi xin thủ tục đầu tiên đến khi xong phải rơi vào 5-7 năm trở lên”, ông Quê nói và cho hay trong thủ tục mở bán, việc phê duyệt giá mất nhiều thời gian cũng là điều các doanh nghiệp băn khoăn. Nhiều khi doanh nghiệp làm xong móng rồi mà vẫn chưa được bán vì chưa được phê duyệt giá.

Theo ông Quê, thủ tục trước kia chỉ làm một vòng. “Người mua nhà làm hồ sơ gửi cơ quan công tác, chính quyền, xin xác nhận, chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng là xong. Còn hiện nay, khi chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng thì Sở lại gửi sang quận, phường, gửi sang thuế, tài nguyên môi trường, rồi phường, quận lại tập hợp hồ sơ, gửi lại lên Sở. Như vậy, chúng ta làm rất nhiều vòng, trong khi chỉ một vòng là đủ”, ông Quê nhấn mạnh và cho rằng thủ tục nhiêu khê dẫn đến ùn ứ hồ sơ.

Ngoài ra, thủ tục còn vướng ở khâu giải phóng mặt bằng khi hiện nay vẫn là chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân. “Việc này mất rất nhiều thời gian, từ 2-5 năm cho khâu này. Đặc biệt ở các thành phố lớn, thời gian và chi phí cho giải phóng mặt bằng rất lớn”, ông Quê nói.

Theo ông Quê, để đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 thì phải có đủ quỹ đất để xây nhà ở xã hội. Quỹ đất phải quy hoạch đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và Nhà nước nên đứng ra giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp. Khi đó, chỉ cần 1 năm thủ tục đầu tư, 2 năm xây dựng, còn hiện nay riêng giải phóng mặt bằng đã mất 2-5 năm. Ngoài ra, chi phí giải phóng mặt bằng cấu thành vào giá tính theo định mức nhà nước, nhưng trong thực tế, chủ đầu tư đang trả cho người dân theo thỏa thuận. Như vậy phần vượt định mức sẽ “ăn” vào phần lợi nhuận của chủ đầu tư.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 9.994 tỉ đồng 

Ông Nguyễn Anh Quê cũng chia sẻ, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về thủ tục, nguồn vốn để doanh nghiệp có thể triển khai thuận lợi các dự án nhà ở xã hội, giải được con khát nhà ở cho người thu nhập thấp, hoàn thành được mục tiêu triển khai 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc gói 30.000 tỉ đồng, các doanh nghiệp chưa được tiếp cận gói vay vốn cho chủ đầu tư triển khia nhà ở xã hội. Mấy năm nay manh nha gói vay từ quỹ vay vốn của thành phố và gói vay lãi suất 2%. Nhưng, gói vay lãi suất 3% của thành phố cũng rất khó khăn, còn gói 2% ưu đãi hiện tại mới đang trên ti vi thôi, chưa đi vào cuộc sống.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng nguồn vốn ưu đãi theo chính sách thì Ngân hàng Trung ương chưa bố trí đầy đủ. Giai đoạn 2016 – 2020 mới bố trí khoảng 3.163/9.000 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

nha-o-3.jpg
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho hay, có 2 nguồn lực cho nhà ở xã hội. Nguồn đầu tiên từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỉ đồng.

Nguồn thứ hai được xác định theo chương trình phục hồi kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với con số 15 nghìn tỉ đồng.

“Như vậy từ 2 nguồn này, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay đến 9.994 tỉ đồng cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong 9.994 tỉ này có 3.717 tỉ thuộc chương trình phục hồi theo Nghị quyết 11 vừa qua, với số lượng khách hàng 9.527 khách hàng”, ông Tú nêu.

Tiếp theo, theo ông Tú là sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại cho vay nhưng có cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Phần này, các bộ ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, vấn đề thứ nhất là chưa có tiền, thứ hai là chưa hoàn thiện cơ chế nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng.

Ngoài ra, ông Tú cũng cho hay có nguồn ngân hàng thương mại cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đây cũng là một trong những chủ trương nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2022 vừa qua và năm 2023 này. Ngân hàng thương mại vẫn xác định đây là đối tượng khuyến khích cũng như chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung cho vay.

Hoài Lam