Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Mô hình quản lý bệnh viện hiện nay chưa tương thích với cơ chế tự chủ

Sự kiện - Ngày đăng : 16:22, 05/01/2023

"Tự chủ thường xuyên nhưng giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ. Nếu tình trạng này kéo dài thì các cơ sở y tế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn", PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành y tế TP.HCM vào chiều 5.1.2023, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong năm 2022, toàn ngành y tế thành phố (TP) đã nỗ lực hết mình. Nếu như năm 2021 phải căng mình chống dịch COVID-19 thì năm 2022, ngành y tế TP đã gặp không ít khó khăn, sự cố.

giam-doc-so-y-te-tphcm-mo-hinh-quan-ly-benh-ien-hien-nay-chua-tuong-thich-voi-co-che-tu-hu-hinh-anh-1(1).png
Bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: PV 

“Một trong những sự cố mà không thể không nhắc đến là những vi phạm pháp luật trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế dẫn đến việc nhiều cán bộ, nhân viên y tế vướng vào vòng lao lý”, ông Thượng nói.

Bên cạnh đó, năm 2022, ngành y tế TP cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là một số cơ sở y tế (CSYT) gặp khó khăn kéo dài về nguồn nhân lực quản lý, nhiều CSYT không có lãnh đạo; hội chứng mệt mỏi sa sút về tinh thần, nhiều người nghỉ việc; thu nhập của nhân viên y tế giảm do CSYT giảm nguồn thu.

Khó khăn của các bệnh viện trong nguồn thu có nhiều yếu tố do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng cũng có một nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, gây khó khăn cho các CSYT chính là cơ chế tự chủ hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện nay, TP có 45/50 bệnh viện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính toàn phần, tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, 3 bệnh viện tự đảm bảo một phần và 2 bệnh viện ngân sách đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

Thạc sĩ Đinh Thị Hoài Thanh – Trưởng phòng kế hoạch Tài chính, Sở Y tế cho biết, trong suốt khoảng thời gian dài chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, ngành y tế gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện gặp phải khi thực hiện tự chủ tài chính là giá thu khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa được kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí, cụ thể: sau nhiều năm điều chỉnh và cho đến hiện nay thì giá thu khám, chữa bệnh vẫn còn thiếu 2/4 yếu tố chi phí, đó là: chi phí khấu hao tài sản cố định; chi phí duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học; chi phí ứng dụng công nghệ thông tin…

Đề cập đến vấn đề này, ông Thượng nhấn mạnh: “Mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện hiện nay chưa tương thích với cơ chế tự chủ của bệnh viện. Tự chủ thường xuyên nhưng giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ. Nếu tình trạng này kéo dài thì các cơ sở y tế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Về kế hoạch phát triển y tế TP.HCM trong năm 2023, ông Thượng cho biết, từ thực tiễn công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trong thời gian qua, đòi hỏi ngành y tế TP phải triển khai đồng bộ 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: nâng cao năng lực phòng chống dịch; củng cố y tế cơ sở y tế - phát triển y tế cộng đồng; chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện; hình thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực ASEAN.

“Để thực hiện 4 nhiệm vụ trên cần phải phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với từng nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý tại các CSYT, khuyến khích đổi mới sáng tạo triển khai thí điểm những hoạt động mới, chính sách mới đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn; ưu tiên đầu tư phát triển các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin, chú trọng triển khai các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối, quan tâm triển khai kỹ thuật học thích hợp cho tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường triển khai các ứng dụng y tế thông minh”, ông Thượng chia sẻ. 

Hồ Quang