Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Năm 2023 cần một giải pháp mang tính đột phá

Giáo dục - Ngày đăng : 18:53, 05/01/2023

Năm 2022 đã kết thúc, ngành giáo dục đã có những mục tiêu và lộ trình mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ có những việc quyết tâm phải làm được trong năm 2023.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định năm 2022 là năm khó khăn với nhiều ngành nhưng với ngành giáo dục đã triển khai thực hiện được nhiều nhiệm vụ lớn. Đặc biệt đó là triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa cũng đã được triển khai phù hợp với chương trình. Trong bối cảnh vừa chống dịch COVID-19 vừa triển khai chương trình giáo dục nhưng vẫn hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Bên cạnh các kết quả, Bộ trưởng cũng chia sẻ một số việc chưa được như mong muốn, một số vấn đề còn hạn chế, tồn tại khi nhìn lại năm cũ.

"Năm 2023 sẽ là năm quan trọng trong lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Đây sẽ là năm tập trung rất nhiều việc, tiêu biểu như tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định sách lớp 5, 9, 12. Vậy nên lượng công việc còn lại trong năm 2023 rất lớn. Chúng tôi phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã và có thể sẽ xảy ra như: triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đây là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn với ngành giáo dục" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về những mục tiêu năm mới 2023 của ngành giáo dục

Cũng trao đổi về vấn đề ngành giáo dục đang gặp phải, Bộ trưởng cũng cho biết các vấn đề trọng tâm nhất mà ngành giáo dục hoàn thiện đó là: Thực hiện các tiến độ liên quan đến triển khai Chương trình GDPT 2018, làm tốt các công tác giải trình xã hội theo Nghị quyết 29. Các vấn đề liên quan đến thể chế, hạ tầng giáo dục cũng cần được chú ý. Bộ trưởng nhắc đến con số còn 20% cơ sở giáo dục phổ thông chưa được kiên cố hóa, phần tạm bợ lại chủ yếu rơi vào mầm non và tiểu học, nhiều trường đại học cơ sở vật chất cũng khó khăn. “Cần một giải pháp mang tính đột phá”. Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết sẽ kiên trì kiến nghị xây dựng chương trình hiện đại hóa hạ tầng cho giáo dục.

Thời điểm này, có thể thấy mức độ quan tâm với giáo dục đang được tăng dần, đầu tư đang gia tăng. Nguồn lực nhà giáo cũng rất được quan tâm, từ chỉ tiêu cho đến việc tăng lương được hưởng chung và đang xem xét tăng phụ cấp ưu đãi… Dù thách thức còn nhiều ở phía trước, nhưng trong bối cảnh này, Bộ trưởng thể hiện niềm tin, sự lạc quan, với tiềm năng, quyết tâm, khát vọng phát triển, với tinh thần nhân văn và trách nhiệm của nhà giáo, với tập hợp lực lượng trí tuệ lớn từ Bộ GD-ĐT đến các trường,… chúng ta sẽ làm tốt các công việc của năm mới.

Thời điểm này, có thể thấy mức độ quan tâm với giáo dục đang được tăng dần, đầu tư đang gia tăng. Nguồn lực nhà giáo cũng rất được quan tâm, từ chỉ tiêu cho đến việc tăng lương được hưởng chung và đang xem xét tăng phụ cấp ưu đãi… Dù thách thức còn nhiều ở phía trước, nhưng trong bối cảnh này, Bộ trưởng thể hiện niềm tin, sự lạc quan, với tiềm năng, quyết tâm, khát vọng phát triển, với tinh thần nhân văn và trách nhiệm của nhà giáo, với tập hợp lực lượng trí tuệ lớn từ Bộ GD-ĐT đến các trường,… chúng ta sẽ làm tốt các công việc của năm mới.

Cũng nhân dịp năm mới 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ những mong mỏi của ngành giáo dục chính là tất cả đội ngũ giáo viên với sự sáng tạo, với trách nhiệm nghề nghiệp rất cao sẽ cùng nhau cố gắng để hoàn thành thật tốt những nhiệm vụ của mình. Còn đối với toàn thể các học sinh, sinh viên, tôi mong rằng tất cả các em cũng sẽ đón nhận tinh thần đổi mới của cả ngành, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Dạ Thảo