Đồng bộ giáo viên và thay đổi cách đánh giá học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Giáo dục - Ngày đăng : 10:54, 07/01/2023

Bộ GD-ĐT vừa thông tin yêu cầu các trường đáp ứng và đổi mới linh hoạt trong công tác dạy học chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.

Các giáo viên dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa đồng bộ

Theo Bộ GD-ĐT, đến nay, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai cũng còn tồn tại, hạn chế như việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn Ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh chậm so với các môn học khác.

Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS, THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Số lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học và môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Để việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới đảm bảo hiệu quả, chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền chính sách nhằm quan tâm tới tính đặc thù của công chức. Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành Giáo dục, bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên. Bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới.

giao-duc-pho-thong-2018-2.jpg
Việc đưa môn Tin học vào chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới khiến nhiều học sinh hào hứng

Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn, trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, ban hành chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đa dạng phương thức đánh giá việc tiếp thu kiến thức với học sinh

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới bắt buộc cả nhà trường lẫn giáo viên phải đổi mới cách giảng dạy, linh hoạt sáng tạo trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực tế. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn cụ thể cho từng bộ môn, cách thức ra đề để cho các giáo viên và học sinh hướng dẫn, thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết chương trình Giáo dục phổ thông mới ở lớp 10 học sinh sẽ phải đối diện với nhiều thay đổi khiến cả giáo viên và học sinh lúng túng. Không ít học sinh đã không bắt nhịp kịp hay có hướng thay đổi theo chương trình mới khiến nhiều học sinh chịu áp lực về việc học. Tuy nhiên, nếu đánh giá theo hướng tích cực thì việc đổi mới đánh giá tiêu chí học sinh, tiêu chí nắm vững kiến thức bài vở theo hướng mới nhằm khích lệ động viên, tạo động lực cho học sinh phát triển toàn diện là cần thiết và phù hợp với xu thế quốc tế. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào thực chất, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và các bậc phụ huynh.

Việc làm quan trọng trước mắt là đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá để giáo viên nắm bắt thông suốt, từ đó triển khai hiệu quả, tránh cho điểm hình thức, nhận xét chung chung. Trong đó, chú trọng hướng dẫn thống nhất việc xây dựng đề kiểm tra theo những hình thức mới, bảo đảm đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học.

Được biết hiện nay học sinh đang quen dần với cách học mới, học sinh khối tiểu học từ lớp 3 trở đi là đã làm quen với máy tính, sử dụng các chức năng bàn phím. Do là môn học mới nên các hoạt động tương tác, trò chơi trên máy tính được lồng ghép trong chương trình học để tạo hứng thú và thu hút học sinh. Các tiết học ôn tập vì vậy rất vui vẻ hào hứng. Việc đánh giá học sinh cũng rất linh hoạt, không phụ thuộc vào các bài kiểm tra. Việc đổi mới phương pháp đánh giá khiến học sinh tăng cường trải nghiệm thực hành, tăng các hoạt động nhóm nên học sinh tích cực và chủ động hơn trong quá trình tiếp thu.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nhã - giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự chia sẻ: “Việc đa dạng cách thức kiểm tra đánh giá sẽ tạo động lực để học sinh tiến bộ, song vẫn giúp giáo viên, nhà trường đánh giá năng lực của các em. Khi học sinh hiểu được kiến thức, sử dụng kiến thức vào cuộc sống và tạo ra sản phẩm của quá trình học tập, chúng tôi đều có thể sử dụng để đánh giá chứ không nhất thiết phải sử dụng các bài kiểm tra. Đối với các thầy, cô giáo, bên cạnh sự nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với nghề, cần tiếp tục rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức, làm chủ được quá trình đánh giá và phải sử dụng nhiều công cụ, phương pháp, hình thức khác nhau để đánh giá. Trước khi thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng sản phẩm học tập, bài thực hành, cần hướng dẫn và công bố công khai tiêu chí đánh giá nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, tạo động lực cho học sinh”. 

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung