Nhiều phụ nữ thời nay đã 'cởi trói' cho mình để ngày tết nhẹ nhàng hơn
Văn hóa - Ngày đăng : 16:30, 07/01/2023
Tết cổ truyền vốn được xem là ngày của đoàn viên và sum họp, là ngày để con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ và gặp gỡ họ hàng, bạn bè sau một năm bận rộn, nên nhiều người ưu tiên ở nhà để ăn uống quây quần.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lựa chọn "chơi tết" bên cạnh "ăn tết" cũng được ưa chuộng vì có thời gian nghỉ lễ dài, nhiều lễ hội, hoạt động ngày tết. Để chuẩn bị cho cái tết đoàn viên, nhiều phụ nữ thời nay đã đơn giản hóa mọi “quy trình” sao cho vừa tiết kiệm vừa thảnh thơi mà vẫn có được niềm vui cho bản thân và gia đình.
Ca sĩ Thùy Vân (cựu thành viên của ban nhạc Tiktak) chia sẻ: “Khi thời gian càng cận Tết, tâm trạng mỗi người cứ nôn nao, bâng khuâng nghĩ về 1 năm đã qua và xốn xang đón chào năm mới sắp tới. Cá nhân tôi bây giờ muốn đón Tết trong tâm trạng thảnh thơi, mua sắm cũng nhẹ nhàng và đơn giản thôi, cái gì thực sự cần thì mới mua chứ không cầu kỳ như trước nữa. Với hoa cắm Tết thì tôi yêu sự yêu kiều của tuyết mai và những cánh đào tươi thắm, Tết của tôi nhất định phải có cả 2 loại hoa này. Và còn gì hạnh phúc hơn khi chiều 30 tết ăn bữa cơm tất niên ấm cúng, ngắm lá hoa trong nhà và thoang thoảng mùi đặc trưng của Tết - mùi lá mùi già, cảm thấy lòng mình chùng lại, và càng thêm trân trọng biết bao cuộc sống này...”.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, ai ai cũng muốn trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp, thật sáng để đón năm mới, nhưng ai sẽ là người làm và làm như thế nào. “Tôi không ôm đồm hết mà chia sẻ mọi việc với các thành viên trong gia đình. Chúng tôi luôn bàn bạc trước và thống nhất dành thời gian để cả nhà cùng đi mua sắm các vật dụng cần thiết để trang trí nhà cửa. Khi đi mua cùng nhau, mọi thành viên trong nhà sẽ hiểu được cảm quan thẩm mỹ của nhau, qua đây cũng giáo dục được con cái và cũng là cách làm mới cuộc sống”, chị Minh Thu (Hà Nội) bày tỏ.
Còn theo chị Hồng Vân (TP.Thái Bình), Tết là một sự kiện quan trọng nhưng nếu năm nào người phụ nữ cũng bù đầu với đủ thứ việc thì dần dần bạn sẽ chẳng còn hào hứng với Tết nữa. “Những năm gần đây, tôi đã đơn giản hóa một số việc, chẳng hạn như chuẩn bị vài món đồ ăn nhanh thay vì các món ăn quá cầu kỳ, mất thời gian. Theo tôi, điều quan trọng nhất và ý nghĩa nhất của những ngày tết chính là các thành viên được khỏe mạnh, vui vẻ và quây quần tụ họp chứ không phải là dịp để làm khó, làm khổ nhau”, chị Vân bày tỏ. Theo chị, đó cũng là cách để giúp mỗi người có thêm thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và làm đẹp trong những ngày tết.
Phụ nữ ngày nay quan điểm về Tết cổ truyền đơn giản hơn, sau một năm dài làm việc và học tập vất vả, du lịch mùa tết được xem là dịp để cả gia đình được nghỉ xả hơi cũng như bắt đầu một năm mới với nhiều hứng khởi. Đây còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình được gắn kết với nhau, thay vì bó buộc trong những lễ nghi truyền thống thường thấy.
Theo chị Thu An (Q.Tân Bình, TP.HCM) thì dịp tết ở miền Bắc không khí se lạnh, khô ráo nên mấy năm gần đây gia đình chị chọn đi du lịch tại các vùng cao như Sapa, Y Tý… để nhìn ngắm hoa đào, hoa mận đua nhau bung nở và cùng đắm mình trong cái lạnh se se độc đáo của núi rừng. “Tết là dịp nghỉ dài để cả gia đình được đi du lịch cùng nhau nên chúng tôi đã lên phương án từ rất sớm để việc đặt vé, khách sạn… không gặp trục trặc gì”, chị Thu An vui vẻ nói.
"Tết bây giờ đã khác tết xưa rất nhiều. Nhiều người trẻ dường như đã “cởi trói” cho văn hóa đón tết truyền thống. Mọi năm tôi thường cùng bố mẹ gói bánh chưng và thăm họ hàng. Còn bây giờ tôi muốn Tết chỉ dành cho sự hưởng thụ, nghỉ ngơi và tận dụng thời gian để khám phá du lịch", chị Hạnh Nguyên (Hà Nội) tâm sự.
Bên cạnh đó, việc đi lại tàu xe ngày lễ tết rất bất cập, nhiêu khê nên nhiều gia đình đã chọn về thăm quê vào những ngày thường. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ từ các thành viên. Bố mẹ ông bà ngày nay suy nghĩ đã thoáng hơn, không phản đối việc con cháu không về quê ăn tết và có thể thay bằng dịp khác trong năm, sao cho thuận tiện và tiết kiệm.
"Bố mẹ tôn trọng quyết định của chúng tôi và để chúng tôi phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình, không riêng chuyện có về quê nghỉ Tết hay không. Việc quà cáp cũng không quá quan trọng vì thời nay không còn thiếu thốn nên cũng đơn giản hóa vấn đề miễn sao sau 1 năm lao động cả gia đình vẫn khỏe mạnh, bình an là mừng rồi", chị Thu Hoa (TP.HCM) chia sẻ.
Chị Thu Hường (Q.2, TP.HCM) cho rằng: "Tết đến xuân về là dịp những người lao động ở nơi xa mong được về quê hương sum vầy cùng bố mẹ, ông bà, họ hàng, đó là mong muốn chính đáng và đáng trân trọng. Tuy nhiên tình cảm này cần phải đặt vào điều kiện cụ thể của từng người sao cho vẹn toàn.
Đối với người có điều kiện kinh tế khá giả thì không nói, đối với người lao động có thu nhập thấp thì nên cân nhắc, tính toán sao cho cân bằng giữa tình cảm và điều kiện kinh tế. Nếu kinh tế khó khăn thì nên cân nhắc vài năm mới về ăn Tết ở quê hoặc gia đình có nhiều người thì nên cử một người đại diện về ăn Tết, thăm bố mẹ, người thân để khỏi tốn tiền tàu xe".