Hải cẩu máy Paro giúp giảm căng thẳng cho người lên sao Hỏa

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:47, 08/01/2023

Paro là một robot mang hình hài một chú hải cẩu Bắc cực lông trắng dễ thương, được các nhà khoa học Mỹ thử nghiệm nhằm giúp hạ giảm căng thẳng cho người sống trong không gian.

Paro đã được Mỹ phê chuẩn là một thiết bị chữa trị, dài 57 cm và nặng 2,6 kg. Được trang bị trí tuệ nhân tạo, Paro phản ứng với sự vuốt ve của người bằng cách chớp mắt lim dim và kêu ư ử.

paro-seal.jpg
3 phụ nữ ôm Paro trong cuộc thử nghiệm - Ảnh: AIST

Paro là trung tâm của những thử nghiệm về tác dụng giảm stress trong các môi trường kín, chẳng hạn tàu vũ trụ. Cuộc thử nghiệm bắt đầu từ tháng 11.2022, thực hiện bởi tổ chức phi vụ lợi quốc tế Mars Society hợp tác với Cơ quan Hàng không - Không gian Mỹ (NASA).

Theo Mars Society và Takanori Shibata, nhà nghiên cứu trưởng ở Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản (AIST) và là tác giả phát minh Paro, các thử nghiệm đầu tiên được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Mars Society ở bang Utah (Mỹ) từ ngày 13 đến 26.11.2022.

Hải cẩu máy Paro được dùng trong cuộc thử nghiệm được cung cấp bởi  Intelligent System Co, một nhà sản xuất - phân phối đồ dùng điện tử ở tỉnh Toyama, Nhật Bản.

paro-the-seal.jpg
Hải cẩu máy Parot đã được công nhận đem lại niềm vui cho người cao tuổi - Ảnh: bettal.co.uk

Trong cuộc thử nghiệm, 6 phụ nữ được chia thành hai nhóm, với một nhóm có thời gian ở cùng Paro và nhóm còn lại không tiếp xúc với hải cẩu máy, và máy móc đo nhịp tim của họ.

Mars Society và NASA sẽ phân tích các dữ liệu và nhật ký của những người tham gia thử nghiệm, nhằm đánh giá tác động của Paro trong việc giảm thiểu căng thẳng cho họ.

Trong năm 2023 sẽ còn các cuộc thử nghiệm khác ở Ba Lan và vùng biển quanh Úc.

Ông Shibata nói: “Các cuộc thử nghiệm này là bước đầu tiên. Chúng tôi muốn xem xét việc phát triển Paro cho các ứng dụng trong không gian”.

Giáo sư Shinichi Kimura ở Đại học Khoa học Tokyo và là một chuyên gia về căng thẳng của các nhà phi hành vũ trụ cho biết, đây là một cuộc thử nghiệm đáng chú ý: “Có vật gì đó bên cạnh có thể tương tác và phản ứng với bạn có thể giúp giảm thiểu căng thẳng”.

Các cuộc thử nghiệm là tiền đề cho việc con người sẽ thám hiểm sao Hỏa trong những năm 2030 và sau đó, các nhà phi hành phải sống nhiều năm trong không gian.

Theo Cơ quan Thám hiểm Hàng không - Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), một chuyến bay lên sao Hỏa và trở về Trái đất mất khoảng 3 năm, gồm thời gian cần thiết để thám hiểm hành tinh này. Từ đó, có sự lo ngại các nhà phi hành có thể bị căng thẳng cao độ do họ phải sống trong tàu vũ trụ chật hẹp hoặc trên căn cứ sao Hỏa.

Mars Society - từ năm 2002 đã nghiên cứu các tác động của thời gian dài lưu trú trong môi trường lên sức khỏe con người, và họ chọn hải cẩu máy Paro để thử nghiệm sức khỏe tâm lý của các nhà phi hành.

Năm 2002, Sách Kỷ lục Thế giới Guiness đã công nhận Paro là một robot tạo ra “sự giảm thiểu đáng kể trên mức độ căng thẳng”. Trong chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine, Paro cũng được dùng làm cách trị liệu tâm lý cho người Ukraine lâm vào cảnh sơ tán.

Bảo Vĩnh