Người Ả Rập thời trung cổ đã biết dùng lựu đạn để đánh quân Thập tự chinh?

Hồ sơ - Ngày đăng : 18:40, 08/01/2023

Các nhà khảo cổ lập luận trong một nghiên cứu gần đây rằng tại các địa điểm khai quật của họ ở Jerusalem có thể còn dấu tích lựu đạn cổ đại xuất hiện trước khi thuốc súng được đưa vào phương Tây ít nhất khoảng một thế kỷ.

Lựu đạn MK2 hay còn gọi lựu đạn mỏ vịt của Mỹ là vũ khí mang tính biểu tượng trong Thế chiến thứ 2. Quả lựu đạn hình quả dứa cùng với máy bay ném bom B-52, khẩu súng lục ổ quay đã len lỏi vào văn hóa và nghệ thuật đại chúng trong biết bao bộ phim. Chúng ta có thể hình dung lựu đạn là một vũ khí hiện đại đáng sợ, sử dụng công nghệ nổ của thế kỷ 20, nhưng các hình thức lịch sử sơ khai của thiết bị này có thể đã có từ 1.000 năm trước. Làm thế nào lựu đạn có thể được phát triển trước khi xuất hiện chất nổ?

Thuốc súng, chất nổ lịch sử đầu tiên và quan trọng nhất, được phát minh ở Trung Quốc giữa thế kỷ thứ 9 và thứ 11. Người Trung Quốc đã thử nghiệm trong nhiều thế kỷ với nhiều dạng bột cháy khác nhau cho pháo hoa, tên bọc lửa và tên lửa nguyên thủy. Tuy nhiên, nó không được thế giới phương Tây biết đến cho đến tận cuối những năm 1200. Vào khoảng thời gian đó, Roger Bacon đã viết về nó trong tác phẩm Opus Majus vĩ đại của mình. Các học giả Ả Rập cũng lần đầu tiên mô tả nó gần như cùng lúc.

Thuốc súng ở dạng thô nhất là hỗn hợp của kali nitrat, lưu huỳnh và than củi. Khi được đốt sáng, lưu huỳnh và than cacbonat cung cấp nhiên liệu. Than đặc biệt hữu ích vì carbon của nó ở dạng bột mịn với diện tích bề mặt rất cao (nhiều chất rất dễ bắt lửa khi được chế biến thành bột mịn: oxit nhôm, mùn cưa...). Kali nitrat là chất oxy hóa, đóng vai trò quan trọng bằng cách cung cấp nhiều oxy để tăng tốc độ đốt lưu huỳnh và đốt than.

Lựu đạn vỏ sành

Vậy làm thế nào mà các nhà khảo cổ lập luận trong một nghiên cứu gần đây rằng tại các địa điểm khai quật của họ ở Jerusalem có thể còn dấu tích lựu đạn cổ đại xuất hiện trước khi thuốc súng được đưa vào phương Tây ít nhất khoảng một thế kỷ? Bằng chứng được tìm thấy trong phần còn lại trên các mảnh gốm bị vỡ.

luu.jpg

Phương pháp phân tích chính được sử dụng để đo các hóa chất có trong dư lượng là ICP-AES (quang phổ phát xạ nguyên tử plasma kết hợp cảm ứng). Kỹ thuật này bắt đầu bằng cách đốt nóng các nguyên tử argon cho đến khi chúng bị ion hóa (nghĩa là mất đi các electron) và tạo thành plasma. Mẫu đang thử nghiệm được chứa trong chất lỏng rồi sau đó được phun dưới dạng sương (tạo thành sương mù mịn) và phun vào plasma nóng. Các ion plasma cực nóng đập vào mẫu thử nghiệm, khiến nó bị ion hóa và phát ra các photon có màu nhất định. Dãy những màu này xác định các nguyên tố cụ thể. Nói tóm lại, ICP-AES là quang phổ phát xạ để nhận dạng nguyên tử.

Điều thú vị là thử nghiệm này cho thấy hàm lượng kali và lưu huỳnh tăng cao trong những chiếc bình bị đập vỡ. Các thử nghiệm khác cho thấy các hợp chất nitrat có thể thực hiện chức năng oxy hóa quan trọng đối với hỗn hợp gây cháy.

Trong khi thuốc súng là chất nổ yếu - cháy nhanh nhưng không phát nổ như chất nổ mạnh - hỗn hợp kali nitrat và lưu huỳnh có thể được sử dụng trong lựu đạn thời trung cổ giống như chất nổ yếu hơn hoặc có thể là chất gây cháy. Không có nhiên liệu than hạt, hỗn hợp cháy chậm hơn và yếu hơn. Tuy nhiên, chất gây cháy thấp hơn này có thể có hiệu quả khi được khai thác dưới dạng bom điều áp.

Một quả lựu đạn hiện đại như MK2 kích nổ một lượng thuốc nổ cao, tạo áp suất và làm nổ vỏ chứa kim loại của nó. Các mảnh của lớp vỏ vỡ vụn thành những mảnh kim loại gây chết người. Mặc dù lựu đạn sành sứ không thể tạo ra áp suất cao nhất gần với lựu đạn hiện đại, nhưng việc đốt cháy kali nitrat và lưu huỳnh bên trong có khả năng tạo ra áp suất đến mức làm vỡ bình bằng đất nung trong một vụ nổ dữ dội. Điều này có thể làm văng các mảnh đạn ra với tốc độ khó tin. Bất kể khả năng phân mảnh của thiết bị là gì, bản thân vật liệu cháy phân tán trong vụ nổ sẽ là một nguồn nhiệt và tạo lửa chết chóc.

Bằng chứng gián tiếp

Điều quan trọng cần lưu ý là phân tích này không phải là bằng chứng cho giả thuyết lựu đạn cầm tay. Sự hiện diện của hàm lượng kali, lưu huỳnh và nitrat tăng cao là bằng chứng gián tiếp. Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên đã lưu ý một số bằng chứng tình huống khác: Bình trong phạm vi nghiên cứu có thành dày, hữu ích để chống lại áp suất cao hơn và vỡ dữ dội hơn. Các tác giả cũng chỉ ra rằng bình không có đặc điểm trang trí đồng thời dạng hình cầu của nó rất lý tưởng để bình chịu áp lực như lựu đạn. Chắc chắn chúng ta có thể thấy sự giống nhau của hình dạng này với một vũ khí hiện đại.

Có phải tất cả những điều ấy tạo thành một quả lựu đạn Ả Rập khi tấn công quân Thập tự chinh? Bằng chứng gián tiếp rất hấp dẫn và các học giả đã đưa ra những tuyên bố tương tự từ nhiều thập niên trước. Các hiện vật lịch sử cũng có thể gợi ý về việc sử dụng các thiết bị gây cháy nổ, mặc dù điều này cũng có thể giải thích được.

Cuối cùng, đó là suy đoán lịch sử, mặc dù có bằng chứng rõ ràng. Mặc dù phải mất nhiều thế kỷ trước khi các quân đội trên thế giới sử dụng thuốc súng làm công nghệ cơ bản của chiến tranh hiện đại, nhưng những phát hiện như thế này cho thấy quân đội có thể đã mày mò ý tưởng này từ một thiên niên kỷ trước trở lên.

Lựu đạn MK2 là loại lựu đạn do Mỹ sản xuất. Đây là loại lựu đạn được sử dụng để chống bộ binh với sức nổ trung bình kém, có cơ chế "bóp cò, giật chốt" giống hệt các loại lựu đạn ngày nay. Ưu điểm của loại lựu đạn này là rất nhẹ, chỉ khoảng 500 gam và khá vừa tay khi ném. Thời gian phát nổ nhanh khoảng 3 giây rưỡi và đây cũng được coi là nhược điểm vì thời gian phát nổ khá ngắn nếu người lính không có kinh nghiệm sử dụng sẽ thực sự nguy hiểm.

Lựu đạn MK2 cũng là lựu đạn có rãnh đầu tiên xuất hiện trên chiến trường. Các rãnh này khá sâu và chia bề mặt quả lựu đạn thành nhiều ô vuông. Nhiều quốc gia khác cũng áp dụng thiết kế này.

Người ta thiết kế rãnh với hy vọng khi nổ thì vỏ lựu đạn sẽ vỡ theo những chiếc rãnh kia để tăng độ sát thương nhưng thực tế lại không thực sự phát huy đúng tác dụng như mong đợi. Khi lựu đạn phát nổ, chúng lại vỡ thành từng mảnh ở những mảnh ngẫu nhiên thay vì nổ thành các mảnh được chia cắt bởi các rãnh.

Nguyên nhân là lớp gang cấu tạo nên lựu đạn khá giòn. Khi phát nổ, chúng gần như trở thành bột sắt do sức ép lớn từ vụ nổ và không đủ sức gây sát thương cho địch thủ. Chỉ có khoảng 1/3 thân lựu đạn có thể trở thành mảnh đạn gây nguy hiểm.

Dù vậy, lựu đạn MK2 rất thích hợp phá hủy boong ke, nhà trống vì có sức nổ vừa phải và tốc độ nổ nhanh, kẻ địch không đủ thời gian để nhặt lên ném lại ra ngoài.

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, mẫu mã lựu đạn MK2 đã phần nào ảnh hưởng tới hình dạng các loại lựu đạn về sau do thiết kế nhỏ gọn thích hợp với tay khi ném, cũng như gọn nhẹ dễ dàng mang theo hơn với lựu đạn Model 24. Vì sự thực dụng ấy mà mẫu mã MK2 đã trở thành nền tảng cũng như nguyên lý các loại lựu đạn về sau.

Anh Tú (dịch)