Mùa đông ấm hơn cứu châu Âu khỏi khủng hoảng

Chuyển động - Ngày đăng : 17:29, 09/01/2023

Trang Bloomberg cho biết, thời tiết ôn hòa, có nhiều nhà cung cấp năng lượng hơn, nỗ lực cắt giảm nhu cầu... đang giúp ích cho châu Âu. Lượng khí đốt dự trữ vẫn dồi dào và giá cả giảm xuống mức trước lúc cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.

Có vẻ như lục địa già đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của sự khủng hoảng. Hàng loạt điều kiện thuận lợi, trong đó có nhu cầu khí đốt hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc sụt giảm do chính sách “Zero COVID”, sẽ giúp giảm lạm phát, ổn định triển vọng kinh tế ở châu Âu.

Mặc dù một đợt lạnh đột ngột hoặc giao hàng bị gián đoạn vẫn có thể khiến thị trường rơi vào hỗn loạn, nhưng châu Âu ngày càng lạc quan họ vượt qua được mùa đông này hay thậm chí cả mùa đông tới.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck: “Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, khủng hoảng của công nghiệp châu Âu đã được ngăn chặn”.

107173629-1672830641557-gettyimages-1245925900-arriens-unusuall230101_nplit.jpeg
Do mùa đông ấm hơn bình thường nên nhu cầu dùng khí đốt của châu Âu giảm - Ảnh: Getty Images

Khủng hoảng gây ra bởi cuộc chiến tại Ukraine đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục, khiến lục địa già thiệt hại gần 1.000 tỉ USD (937 tỉ euro). Chính phủ các nước châu Âu đã phải bỏ ra hơn 700 tỉ USD (656 tỉ euro) hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời cố gắng tìm nguồn cung thay thế năng lượng Nga.

Liên minh châu Âu (EU) hiện không nhập khẩu than đá, dầu mỏ từ Nga, còn khí đốt Nga chỉ nhập hạn chế. Khối bù đắp bằng cách tăng nguồn cung từ Na Uy và mua LNG từ Mỹ, Qatar…

Tại Đức, tỷ lệ lấp đầy kho dự trữ đạt 91%. Chính phủ quốc hữu hóa các đơn vị địa phương của công ty dầu khí Nga Gazprom cũng như chi hàng tỉ euro mua khí đốt.

Loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng áp dụng cho hộ gia đình cùng nhiều ngành công nghiệp, cộng thêm nhiệt độ tháng 1.2023 ấm nhất trong nhiều thập niên giúp bảo toàn kho dự trữ.

Quan chức đứng đầu Cơ quan Quản lý năng lượng Đức Klaus Mueller cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất lạc quan. Lượng khí đốt dự trữ còn lại vào đầu năm càng nhiều, căng thẳng mà chúng ta phải đối mặt càng ít, chi phí mua thêm khí đốt cho mùa đông năm sau cũng ít đi”.

Giá khí đốt hiện chỉ bằng 1/5 mức giá kỷ lục tháng 8 năm ngoái. Bất chấp lo ngại giá rẻ làm tăng nhu cầu, mức khí đốt sử dụng lại tiếp tục giảm. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo mức khí đốt sử dụng trong suốt năm 2023 của châu Âu sẽ thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm.

Tình hình chuyển từ thiếu sang thừa do rất nhiều lô LNG được chuyển đến. Lượng hàng được giao vừa lập kỷ lục trong tháng 12.2022.

Theo nhà phân tích Giacomo Masato (Công ty Illumia SpA): “Việc châu Âu tìm cách lấp đầy các kho dự trữ tạo ra “vùng đệm” về giá cho mùa đông sắp tới”.

Tuy có không ít diễn biến tích cực, nhưng giá cả vẫn cao hơn mức trung bình và rủi ro vẫn còn. Trong năm 2023 nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống sẽ chỉ bằng 1/5 mức thông thường (khoảng 27 tỉ mét khối). Không loại trừ khả năng Moscow cắt hoàn toàn nguồn cung.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu dù làm mùa đông năm nay ấm hơn nhưng cũng có thể gây ra những đợt rét như bão tuyết lạnh giá càn quét nước Mỹ cuối năm 2022 - đầu năm 2023.

Nhà nghiên cứu Anne-Sophie Corbeau (Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu, Đại học Columbia) nhận định, để giữ vững nguồn dự trữ cần tiếp tục duy trì loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng, đảm bảo nguồn cung LNG, tăng cường năng lượng từ thủy điện, điện gió, hạt nhân.

Cẩm Bình