Ấn Độ cân nhắc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo

Chuyển động - Ngày đăng : 10:33, 10/01/2023

Tờ Straits Times dẫn nguồn tin tiết lộ Ấn Độ có khả năng dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu với một số loại gạo do giá cả trong nước ổn định và nguồn dự trữ của chính phủ đủ đáp ứng chương trình phúc lợi.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại cùng Bộ Thực phẩm Ấn Độ đều từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.

Cường quốc Nam Á là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới - chiếm khoảng 40% giao dịch gạo toàn cầu - nên động thái dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu nếu được thực hiện sẽ giúp hạ nhiệt giá bán tiêu chuẩn tại châu Á đang ở mức cao nhất kể từ giữa năm 2021 đến nay.

Dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo được cân nhắc khi lo ngại về lạm phát lương thực đã được xoa dịu. Giá lương thực toàn cầu kết thúc năm 2022 ở mức gần bằng giá đầu năm, bất chấp cuộc chiến tại Ukraine và thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản lượng khiến nguồn cung trong năm biến động mạnh.

prices-of-rice-may-continue-to-go-up-says-govt.jpg
Nếu Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo sẽ giúp hạ nhiệt giá bán tiêu chuẩn tại châu Á - Ảnh: Getty Images

Tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ áp thuế suất 20% với gạo trắng và gạo lứt xuất khẩu, đồng thời cấm bán gạo tấm ra nước ngoài. Như vậy, khoảng 60% gạo xuất khẩu của cường quốc Nam Á chịu hạn chế, bên cạnh hạn chế đặt ra với lúa mì và đường trước đó.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ B.V. Krishna Rao cho biết sẽ kêu gọi chính phủ dỡ bỏ một số hạn chế vì nguồn cung trong nước tăng sau vụ thu hoạch mới nhất. Cụ thể, họ dự định xin phép xuất ít nhất 1 triệu tấn gạo tấm và yêu cầu bỏ thuế 20% với gạo trắng.

Nguồn tin của Straits Times cũng tiết lộ, ngoài cân nhắc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo, giới chức Ấn còn xem xét bán khoảng 2 triệu tấn lúa mì từ kho dự trữ nhà nước ra thị trường trong nước để kiểm soát giá. Lúa mì có thể được bán với giá cố định.

Cẩm Bình (Theo Straits Times)