Nông dân Indonesia tăng thu nhập nhờ ứng dụng khoa học công nghệ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:52, 10/01/2023
Arief Witjaksono vẫn nhớ tâm trạng phấn khích khi vài người bạn kêu gọi ông cùng tham gia chăn nuôi gà năm 2018. Họ nói thịt gà là loại protein được tiêu thụ rộng rãi nhất Indonesia, với hàng triệu khách hàng tiềm năng thì triển vọng tăng trưởng rất tươi sáng.
Thời điểm đó, Witjaksono nghĩ rằng đây chắc chắn là vụ làm ăn có lời. Nhưng mối quan hệ hợp tác lại chấm dứt trong thảm họa: gà chết nhiều còn trang trại nằm ở ngoại ô thủ đô Jakarta thua lỗ.
Witjaksono nhanh chóng nhận ra trang trại của mình - cũng như không ít trang trại trong nước khác - đều đang dựa vào lao động quen làm mọi việc theo cách truyền thống. Họ sử dụng phương pháp chăn nuôi được truyền qua từ thế hệ này sang thế hệ khác, ít dựa trên cơ sở khoa học.
Đa số trang trại gà tại Indonesia đều không có nhiệt kế hoặc thiết bị kiểm soát hệ thống quạt để đảm bảo gà được nơi ở nhiệt độ tối ưu. Người chăn nuôi cũng thường không cho gà ăn đều đặn. Vì vậy Witjaksono quyết định nỗ lực hiện đại hóa ngành chăn nuôi gà.
Tháng 6.2021 ông sáng lập công ty Pitik với mục đích cung cấp cho người chăn nuôi công nghệ lẫn kiến thức có thể giúp công việc của họ hiệu quả hơn.
Giờ đây, Pitik đang làm việc với hơn 500 trang trại gà trên khắp Indonesia. Mỗi trang trại đều được trang bị cảm biến, phễu cho ăn, máy sưởi, quạt có thể dùng điện thoại thông minh điều khiển từ xa.
Witjaksono cho biết công nghệ giúp giảm tỷ lệ gà chết đồng thời làm tăng hệ số chuyển đổi thức ăn (tỷ lệ giữa trọng lượng gà với lượng thức ăn tiêu thụ) lên đáng kể. Pitik cũng giúp nông dân mở rộng quy mô.
Nông dân Syuaeb cho biết: “Trước khi có Pitik, chỉ nhân giống vài trăm con gà chúng tôi cũng gặp khó khăn vì làm mọi thứ bằng phương pháp thủ công đơn giản. Nhưng nhờ công nghệ trợ giúp thì chúng tôi dễ dàng nhân giống 35.000 hay thậm chí 40.000 con gà”.
Pitik cho nông dân thuê trang thiết bị, thậm chí cho mượn miễn phí nếu nông dân bán gà sống cho công ty với giá bán buôn.
Không chỉ Pitik, nhiều công ty khởi nghiệp khác cũng đang góp phần hiện đại hóa nông nghiệp Indonesia. Chẳng hạn như Eratani tập trung vào sản xuất gạo, eFishery làm việc với các trại nuôi cá. Tất cả đều cố gắng giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng phương pháp lạc hậu làm giảm sản lượng.
Cuộc cách mạng công nghệ
Đảm bảo được an ninh lương thực là mục tiêu dài hạn của eFishery – một trong số công ty công nghệ nông nghiệp đầu tiên ở Indonesia.
eFishery thành lập năm 2013, chuyên cung cấp máy cho ăn tự động dựa trên chủng loại và vòng đời cá phân phối viên thức ăn theo khoảng thời gian xác định.
Máy có thể hoạt động suốt ngày đêm, bất kể mưa nắng, đem lại lợi thế lớn so với phương pháp nuôi truyền thống.
Đồng sáng lập eFishery Chrisna Aditya cho biết: “Con người không cho cá ăn khi trời mưa, lúc họ bị ốm, đi ăn cưới hay đi thăm họ hàng. Khi bận rộn thì con người chỉ cho cá ăn cùng một lúc vào buổi sáng thay vì 3 - 5 lần/ngày, thậm chí không cho ăn”.
Cho ăn 1 lần/ngày có thể gây lãng phí vì viên thức ăn thừa chìm xuống đáy ao cá. Một số loài cá nếu không được cho ăn thường xuyên sẽ ăn thịt đồng loại.
Aditya thừa nhận công nghệ của máy cho ăn tự động chẳng tân tiến gì. Những chiếc máy đầu tiên được chế tạo từ thùng nhựa cùng khung nhôm hàn tại một cửa hàng địa phương.
Nhưng một ứng dụng công nghệ nhỏ cũng đủ giúp tăng sản lượng thêm 20 - 30%, giảm đáng kể lượng thức ăn phải mua (chiếm đến 60% chi phí sản xuất).
Ngày nay eFishery đang làm việc với khoảng 200.000 người nuôi cá khắp Indonesia. Công ty còn lập nền tảng trực tuyến cho người chăn nuôi mua cá giống, thức ăn, chế phẩm sinh học hay bán trực tiếp cá cho người tiêu dùng không cần qua trung gian.
Bỏ qua trung gian
Eratani cũng cung cấp nền tảng trực tuyến nơi nông dân trồng lúa có thể mua nông sản và bán gạo cho nhà máy xay xát hay đơn vị sản xuất thực phẩm.
Nhà sáng lập Kevin Laksono cho biết: “Nông dân trồng lúa ở Indonesia vẫn thu hoạch lúa bằng liềm. Vì vậy chúng tôi tập trung cơ giới hóa vài bước trong quy trình”.
Phần lớn nông dân thiếu tiền để cơ giới hóa, vì vậy Eratani cung cấp khoản vay cho các trường hợp không có tài khoản ngân hàng hay không nhận được dịch vụ tài chính tốt.
Từ khi bắt đầu làm nông vào năm 1994, nông dân Apik Supriyadi thường phải vay tiền từ kẻ cho vay nặng lãi hoặc người trung gian để có vốn sản xuất. Kẻ cho vay nặng lãi có thể đòi nông dân trả đến hàng trăm kg gạo cho mỗi 1 triệu rupiah (khoảng 64 USD) tiền vay.
“Chỉ nông dân có giấy chứng nhận đất mới vay được ngân hàng. Tôi chỉ là một tá điền, tôi không có giấy tờ gì dùng làm vật thế chấp”, ông Supriyadi chia sẻ.
Từ khi sử dụng nền tảng Eratani cung cấp thì vay vốn sản xuất không còn khó khăn nữa. Sản lượng cánh đồng 11 ha của ông Supriyadi tăng 20%. Khoản vay từ Eratani không chỉ dưới dạng tiền mặt mà còn là tín dụng trên nền tảng mà nông dân có thể dùng để mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu hoặc thuê thiết bị canh tác.
Theo Laksono, tính từ tháng 4.2022 (lúc Eratani thành lập) đến nay đã có 10.000 nông dân khắp Indonesia sử dụng nền tảng công ty cung cấp. Đủ tiền mua vật tư và thiết bị giúp sản lượng trung bình tăng 25%.
Phổ cập công nghệ cho nông dân là nhiệm vụ khó khăn
9 năm trước eFishery rất vất vả khi thuyết phục người nuôi cá dùng máy cho ăn tự động. Ông Aditya kể lại: “Tôi nhớ lúc chúng tôi đem máy đến và cho họ thấy thiết bị được điều khiển bằng điện thoại thông minh, họ chỉ nghĩ điện thoại thông minh như điều khiển từ xa chứ không biết nó có thể gọi điện thoại, gửi tin nhắn… Hiểu biết về công nghệ của người chăn nuôi thời điểm đó còn thấp. Phổ cập công nghệ cho họ, rồi giới thiệu công nghệ cho đến khi họ sẵn sàng sử dụng mất rất nhiều thời gian lẫn công sức”.
Dần dần người chăn nuôi quan tâm đến công nghệ của eFishery. Nhưng dù như vậy công ty còn gặp khó ở một khía cạnh khác: huy động vốn để tăng quy mô. Không nhiều nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực công nghệ nông nghiệp đầy tiềm năng.
eFishery phải tồn tại bằng nguồn vốn eo hẹp suốt 2 năm trước khi thu hút được quỹ đầu tư Hà Lan Aqua Spark. Đến nay, công ty nhận tổng cộng 120 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, kinh doanh có lãi từ năm 2020, sắp trở thành “kỳ lân công nghệ” (công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD).
Thành công của eFishery giúp các công ty công nghệ nông nghiệp khác dễ huy động vốn hơn. Theo ông Witjaksono: “Nếu khởi nghiệp 5 năm trước, tôi không biết liệu có ai sẵn sàng đầu tư vào Pitik hay không”.
Cũng nhờ eFishery mà công ty như Pitik dễ thuyết phục nông dân hơn. Hơn nữa điện thoại thông minh đã rẻ đi nhiều, mọi người đều biết dùng ứng dụng - đặc biệt là thế hệ trẻ - nên việc phổ cập công nghệ trở nên dễ dàng hơn. Đại dịch COVID-19 hạn chế đi làm càng khiến nhiều người sử dụng công nghệ cho hoạt động hàng ngày hơn.
Chưa đầy 2 năm sau khi thành lập, Pitik đã bắt đầu có lãi và có thể hòa vốn vào đầu năm tới. Còn Eratani dự kiến sẽ có lãi vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Tiếp tục đổi mới
Dù đã đạt được thành công, các công ty công nghệ nông nghiệp vẫn tiếp tục đổi mới.
Ông Witjaksono lưu ý ngành chăn nuôi gà trong nước tụt hậu so với Bắc Mỹ và châu Âu đến vài năm: “Tỷ lệ gà chết tại Indonesia là khoảng 10%. Công nghệ của Pitik giúp giảm xuống còn 5%. Tỷ lệ này ở Bắc Mỹ và châu Âu chỉ có 1%”.
Người chăn nuôi Indonesia vẫn đích thân kiểm tra từng con gà để phát hiện gà bệnh. Đầu năm tới Pitik sẽ tung ra công nghệ thông qua camera cùng micro, nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) xác định gà bệnh. Loài gia cầm này khi bệnh này phát ra một dạng âm thanh ngáy.
eFishery cũng xem xét dùng AI phát hiện và giảm thiểu dịch bệnh trong ao cá, lắp đặt cảm biến cùng thiết bị để tự động theo dõi và điều chỉnh chất lượng nước.
“Có lẽ 5 - 10 năm nữa toàn bộ quá trình canh tác chăn nuôi sẽ tự động hóa. Chúng ta phải sản xuất nhiều thực phẩm hơn nhưng diện tích canh tác chăn nuôi giảm đi. Làm mọi thứ bằng phương pháp thủ công không còn đủ nữa”, theo Aditya. Ông khẳng định một trại nuôi cá hoàn toàn tự động có thể tăng sản lượng 100 - 200%.
Eratani tìm cách tăng sản lượng lúa. Sản lượng tại Indonesia hiện vào khoảng 5 - 6 tấn gạo/ha – thua xa nhiều quốc gia, chẳng hạn Trung Quốc với sản lượng 15 tấn gạo/ha. Công ty đang phát triển giống lúa cho 10 tấn gạo/ha.
Trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, các công ty công nghệ muốn thu hút nhiều người trẻ tuổi cho ngành hơn.
Theo Cục Thống kê trung ương Indonesia, số lượng nông dân của nước này giảm từ 42,4 triệu năm 2011 xuống còn 38,7 triệu năm 2021.
Anh Laksono cho biết, nhiều nông dân dùng nền tảng Eratani đang khuyến khích con cái tiếp bước mình: “Nếu nông nghiệp mang lại lợi nhuận, mang lại sinh kế phù hợp và giúp họ có tiền tiết kiệm, họ sẽ tiếp tục làm nông chứ không đẩy con cái lên thành phố làm việc”.
Ông Aditya nhận thấy ngày càng nhiều thanh niên - kể cả người tốt nghiệp đại học hàng đầu Indonesia hay nước ngoài - kế thừa công việc nuôi cá của cha mẹ: “Trước đây nhiều bạn trẻ không muốn làm. Công việc này trước đây rất truyền thống, phải dãi nắng dầm mưa nên không được thế hệ trẻ ưa thích. Công nghệ đã thay đổi tất cả”.
“Người chăn nuôi ngày xưa tốn vài chục năm để học được cách nuôi cá phù hợp. Công nghệ giúp tăng tốc quá trình học hỏi. Ngay cả thanh niên không có kiến thức về nông nghiệp cũng có thể khởi nghiệp nuôi cá. Công nghệ khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn, thuận tiện hơn, hiệu quả hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn”, ông Aditya nói thêm.