Thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% và lạm phát 4,5%

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:00, 11/01/2023

Các chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Các đối tác của Việt Nam gặp suy thoái

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức sáng 11.1, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

“Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác”, ông Hiển nói.

Ngoài ra, theo ông Hiển, hiện nay trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm 6 nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 6 nước này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn. Vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Tiếp đến, trong 10 quốc gia chiếm hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam thì có 6 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia chiếm 41,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế năm 2023.

Về vấn đề đầu tư, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có dự báo tương đối tích cực trong năm 2023 thì các đối tác còn lại gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ chiếm 72% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.

"Như vậy, rõ ràng các con số này phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung cũng như các nền kinh tế sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Vì vậy mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam", Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

hien.jpg
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho rằng tại thời điểm Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 14 được tổ chức một năm trước đây, thế giới đứng trước những kỳ vọng về một giai đoạn mới, tốt đẹp hơn của tăng trưởng toàn cầu khi đa số các nước chuyển sang sống chung, thích ứng với đại dịch.

“Thực tế không như kỳ vọng khi kinh tế thế giới phục hồi hết sức bấp bênh, tăng trưởng năm 2022 thấp nhất trong 2 thập kỷ vừa qua không kể thời điểm cao trào của dịch bệnh năm 2020 và khủng hoảng tài chính 2008-2009. Các cuộc khủng hoảng xảy ra ở nhiều lĩnh vực từ địa chính trị, năng lượng, lương thực, lạm phát, dịch bệnh,... trong khi kinh tế thế giới vẫn đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc, mau lẹ và có tính hệ thống. Bối cảnh “đa khủng hoảng đan xen đa chuyển đổi” đã tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam”, ông Vũ nói.

Tìm cơ hội nào trong bối cảnh “màu xám”?

Ông Vũ cho rằng kinh tế thế giới đang mất đần động lực tăng trưởng, đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật (IMF dự báo 1/3 các nền kinh tế trên thế giới sẽ suy thoái trong năm 2023). Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng toàn cầu dự báo sẽ suy giảm.

Ngoài ra, các chuyển đổi mang tính cơ cấu sẽ tiếp tục tạo ra các “va đập”, “tái cấu trúc” và định hình các nguyên tắc, “luật chơi” mới trong quản trị kinh tế toàn cầu, thậm chí một số lĩnh vực có thể sớm đi vào thực thi (như thương mại xanh, thuế tối thiểu toàn cầu…). Trong bối cảnh đó, cạnh tranh chiến lược nước lớn về kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng quyết liệt hơn.

Cũng theo ông Vũ, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, được đánh giá là trọng tâm của kinh tế thế giới, là động lực tăng trưởng, đồng thời là trung tâm của nhiều liên kết, sáng kiến kinh tế mới của các nước.

“Bối cảnh nhiều “gam màu xám” nêu trên cũng cho chúng ta thấy những cơ hội. Nếu kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút được các nguồn lực đầu tư mới, đây cũng sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra các đột phá, các nền tảng để “bứt tốc” trong tương lai”, ông Vũ nêu.

Từ góc độ kinh tế đối ngoại và triển khai công tác ngoại giao kinh tế, ông Vũ cho rằng cần chú trọng phương châm 3K:

vu.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ

Cụ thể là kiên định “ổn định chiến lược”, trong đó việc duy trì, củng cố nội lực của nền kinh tế là rất cần thiết. Đối với các nhà hoạch định chính sách, ổn định kinh tế vĩ mô trong khi duy trì mức tăng trưởng hợp lý là mục tiêu xuyên suốt được đề ra trong các kế hoạch, nghị quyết của năm 2023.

“Đối với doanh nghiệp, cần duy trì được các yếu tố nền tảng, các bạn hàng lớn, thị trường chiến lược, đồng thời đa phương hóa, đa dạng hóa, tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ các thị trường ngách”, ông Vũ nói.

Ông Vũ cũng cho rằng cần kiên quyết giữ vững “tự chủ”, “tự cường” gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở làm chủ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số.

“Các doanh nghiệp Việt – các “gen nội” của nền kinh tế cần đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên cơ sở gắn với nhu cầu của thị trường, tăng cường đầu tư đào tạo và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động để cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ nhấn mạnh.

Một giải pháp nữa, theo ông Vũ, cần kiên trì “phát triển bền vững”, các chính sách, kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, thích ứng với tình hình dự báo nhiều bất ổn của năm 2023. Tuy vậy cần bảo đảm cân bằng, phù hợp giữa các lộ trình trong ngắn hạn và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm để tối ưu hóa nguồn lực.

Hoài Lam