Nga lên tiếng trước thông tin binh sĩ Ukraine tới Mỹ tập huấn sử dụng Patriot

Quốc tế - Ngày đăng : 13:40, 11/01/2023

Đại sứ Nga tại Mỹ cho biết, quyết định của Washington về việc huấn luyện lính Ukraine vận hành hệ thống Patriot đã xác nhận sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột.

Theo Politico, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) hôm 10.1 thông báo rằng, quân đội Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện các lực lượng Ukraine vận hành và bảo trì hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại một căn cứ quân sự ở Oklahoma (Mỹ) ngay trong tuần tới.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder cho biết, khóa huấn luyện sẽ diễn ra tại căn cứ Fort Sill. Cơ sở này là nơi triển khai chương trình huấn luyện sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cơ bản của Mỹ và các hoạt động huấn luyện khác nhằm đào tạo cho binh lính Mỹ cách vận hành những hệ thống phòng không trên chiến trường.

536816_0_181_3720_2283_1920x0_80_0_0_3bd8984f5c59590b67b5dc86bd046e1d.jpg
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ - Ảnh: Getty

Chính quyền Biden đã thông báo vào tháng trước rằng họ sẽ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot - một hệ thống phòng không tinh vi được thiết kế để bắn hạ tên lửa và máy bay cho Ukraine nhằm giúp nước này chống lại các cuộc tấn công của Nga. Một khẩu đội Patriot, bao gồm một số phương tiện hỗ trợ mang theo trạm điều khiển, radar và máy phát điện thường cần khoảng 90 binh sĩ để duy trì và vận hành.

“Sau khi được triển khai, Patriot sẽ đóng góp vào khả năng phòng không của Ukraine và cung cấp một khả năng khác cho người dân Ukraine để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công đang diễn ra của Nga. Patriot sẽ cho phép người Ukraine loại bỏ các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo đối với máy bay của kẻ thù”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Ryder nói.

Tuy nhiên, theo các quan chức Bộ Quốc phòng, Patriot sẽ chưa thể cập bến Ukraine cho đến khi các lực lượng được huấn luyện về cách sử dụng.

Theo ông Ryder, quá trình huấn luyện sử dụng Patriot thường mất tới một năm, nhưng Lầu Năm Góc đang hợp tác với các lực lượng Ukraine để đẩy nhanh quá trình đó.

“Một loạt các yếu tố được tính đến như: Khả năng này sẽ được sử dụng như thế nào ở Ukraine? Các loại chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục nào sẽ phù hợp nhất với họ để sử dụng trên chiến trường? Và làm thế nào chúng tôi có thể điều chỉnh chương trình giảng dạy để đẩy nhanh quá trình đào tạo”, Ryder nói thêm.

Đức cũng đang gửi hệ thống Patriot tới Ukraine, vì vậy có khả năng ít nhất một đợt nữa gồm 90 binh sĩ Ukraine sẽ trải qua khóa huấn luyện. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder từ chối bình luận về các khóa học trong tương lai.

Mỹ vẫn chưa cho biết liệu tên lửa Patriot mà nước này gửi tới Ukraine sẽ đến từ kho dự trữ của Mỹ hay từ một địa điểm đã được triển khai. 

Mỹ đã cam kết viện trợ hơn 24,2 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24.2 năm ngoái. Đợt viện trợ gần đây nhất trị giá 2,2 tỉ USD cho Kyiv, được công bố vào tuần trước, bao gồm 50 xe chiến đấu Bradley. Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang cân nhắc gửi một số xe chiến đấu bọc thép Stryker - một phần của gói viện trợ sắp tới.

Về phần mình, phát biểu trước báo giới, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, quyết định của Lầu Năm Góc về việc huấn luyện quân đội Ukraine vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot đã xác nhận sự tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột.

“Quyết định của Lầu Năm Góc về việc tổ chức khóa huấn luyện cho binh lính Ukraine tại Oklahoma cho thấy sự tham gia thực tế của Washington vào cuộc xung đột", ông Antonov nói.

Đại sứ Antonov trước đó đã nhấn mạnh, Moscow đã liên tục cảnh báo với công chúng Mỹ về sự nguy hiểm trong các hành động của chính quyền Tổng thống Joe Biden liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Hoàng Vũ