Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2023?

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:00, 12/01/2023

Báo cáo của CIEM đưa ra 2 kịch bản kinh tế Việt Nam 2023. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 6,47% theo kịch bản 1 và 6,83% trong kịch bản 2.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023”.

Báo cáo nhận định, năm 2022 đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho một loạt xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.

Cụ thể, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng ngay từ đầu năm, khi một số nền kinh tế chủ chốt tiếp tục bình thường hóa lãi suất sau khi nới lỏng trong giai đoạn COVID-19. Xung đột Nga - Ukraine bùng phát từ tháng 2.2022 và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản.

Thêm vào đó, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới liên tục tăng nhanh, ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng ở nhiều nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế hàng đầu. Xu hướng liên minh đối đầu-trả đũa giữa các siêu cường gia tăng phức tạp hơn…

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 13,67% trong quý 3/2022, và 5,92% trong quý 4/2022. Tính chung cả năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 8,02%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra (6-6,5%).

Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt đáng kể so với tiềm năng trong quý 2/2022 và quý 3/2022, xu thế tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần liên tục kể từ 2016 đến hết năm 2022, qua đó phản ánh các cải cách về phía cung (chất lượng tăng trưởng) chưa tương xứng.

Thị trường thế giới đảo chiều nhanh cũng ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm. Trong quý 3/2022, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ có xu hướng gia tăng, trong đó, thiếu hụt cục bộ với lao động phổ thông chiếm 72,8%; lao động có tay nghề chiếm 27,2%. Tuy nhiên, đến quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.

tang-truong.jpg
Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 3,15%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2022. CPI bình quân tăng 3,32% trong quý 3/2022 và 4,41% trong quý 4/2022.

So với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn.

Cụ thể là khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể Coronavirus và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế; mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát; các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có tác động đến kinh tế 2023 như tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...

Báo cáo đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47% theo kịch bản 1 và 6,83% trong kịch bản 2.

Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 7,21% trong kịch bản 1 và tăng 8,43% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỉ USD và 8,15 tỉ USD. Lạm phát bình quân năm 2023 dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.

Báo cáo cho rằng, việc nhận định, đánh giá và dự báo tình hình cần được thực hiện thường xuyên, kịp thời, và hiệu quả nhằm đề ra những giải pháp, kể cả chuyển hướng chính sách, một cách có trọng tâm, linh hoạt và thực dụng.

Ngoài ra, việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ khó bền vững nếu chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ. Việt Nam không thể tách rời các cải cách kinh tế vi mô khỏi các nhiệm vụ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

“Dù đã có nhiều kinh nghiệm, Việt Nam không nên và không thể chỉ dựa vào nghệ thuật điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để “ứng phó” với các bất định, rủi ro ở bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước. Thay vào đó, Việt Nam càng phải kiên định với định hướng nâng cao năng lực nội tại, mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, báo cáo nhấn mạnh.

Hoài Lam