CEO Tim Cook nhận gói thù lao khủng từ Apple vào 2022, có thể giảm sâu trong 2023
Thế giới số - Ngày đăng : 09:05, 13/01/2023
Theo hãng tin Reuters, gói thù lao của Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple cho năm tài chính 2022 kết thúc vào tháng 9 là 99,4 triệu USD, cao hơn một chút so với 98,7 triệu USD mà ông nhận được vào năm trước, Apple cho biết trong hồ sơ chứng khoán.
Gói thù lao cho Tim Cook vào năm tài chính 2023 dự kiến sẽ nhỏ hơn 2022 và phụ thuộc nhiều hơn vào việc cổ phiếu nhà sản xuất iPhone hoạt động tốt như thế nào so với các công ty cùng ngành trên thị trường, hồ sơ pháp lý cho thấy.
Vào năm 2023, mục tiêu gói thù lao cho Tim Cook được đặt ở mức 49 triệu USD, thấp hơn 40% so với 2022. Apple đã thực hiện các thay đổi sau khi 64% cổ đông chấp thuận gói thù lao cho Tim Cook tại cuộc họp thường niên năm ngoái.
Sự thay đổi lớn nhất đến từ phần thưởng cổ phiếu cho Tim Cook.
Trong năm tài chính 2022, Apple đã cho Tim Cook 75 triệu USD tiền thưởng cổ phiếu, một nửa trong số đó dựa trên cổ phiếu Apple hoạt động tốt như thế nào.
Với năm tài chính 2023, mục tiêu thưởng cổ phiếu cho Tim Cook đã giảm xuống còn 40 triệu USD, với tổng số 30 triệu USD tùy thuộc vào hiệu suất cổ phiếu.
Nếu cổ phiếu của Apple đạt ngưỡng tốt, phần thưởng hiệu suất trị giá 30 triệu USD có thể tăng gấp đôi lên ít nhất 60 triệu USD.
Hồi tháng 2.2022, các cổ đông được kêu gọi phản đối thu nhập năm 2021 của Tim Cook vì con số cao gấp 1.447 lần lương trung bình nhân viên Apple.
Trong tài liệu gửi đến cổ đông, tổ chức tư vấn tài chính Institutional Shareholder Services (ISS) bày tỏ mối lo ngại đáng kể về thu nhập 98,7 triệu USD của Tim Cook trong 2021 và kêu gọi cổ đông tại Apple bỏ phiếu phản đối khoản tiền này.
Theo ISS, một nửa thu nhập của Tim Cook trong năm 2021 thiếu tiêu chí đánh giá dựa trên năng lực làm việc. So với 2020, Tim Cook có thu nhập cao hơn 6 lần, gồm 3 triệu USD lương cơ bản, 12 triệu USD tiền thưởng do Apple đạt các mục tiêu về tài chính và môi trường.
Thu nhập của Tim Cook trong năm 2021 còn gồm cả 630.600 USD phí đảm bảo an ninh, 712.500 USD cho máy bay riêng, 17.000 USD từ quỹ hưu trí, gần 3.000 USD bảo hiểm và 23.000 USD tiền nghỉ dưỡng. Cuối cùng là 82,35 triệu USD cổ phiếu thuộc gói trợ cấp 5 năm, chia làm hai đợt từ 2023-2026. Đợt đầu tiên gồm 333.987 cổ phiếu, sẽ được trả dần trong 3 năm kể từ 2023.
ISS nhận xét nhiều mục chi trả trong thu nhập của Tim Cook cao hơn đáng kể so với những công ty khác. Giám đốc điều hành Apple có thu nhập năm 2021 cao gấp 1.447 lần so với lương trung bình cho một nhân viên Apple.
Hồi tháng 2.2022, BBC đưa tin các cổ đông có quyền bỏ phiếu phản đối khoản thu nhập của Tim Cook tại đại hội cổ đông diễn ra trong tuần đầu tháng 3.2022. Tuy nhiên, những phiếu bầu này chỉ để tham khảo, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về hội đồng quản trị tại Apple. Trong cuộc họp năm 2021, 95% cổ đông ủng hộ thu nhập năm 2020 của Tim Cook.
Hiện sở hữu tài sản ròng khoảng 1,7 tỉ USD theo trang Forbes, tỷ phú người Mỹ sinh năm 1960 nổi tiếng với quan điểm bình đẳng. Năm 2015, ông cho biết sẽ tặng toàn bộ tài sản trước khi qua đời. Năm 2021, hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy Giám đốc điều hành Apple đã quyên góp số cổ phiếu trị giá gần 10,1 triệu USD để làm từ thiện, nhưng không ghi rõ nơi nhận.
Vào tháng 1.2022, Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên đạt vốn hóa 3.000 tỉ USD nhưng nay giảm xuống còn 2.120 tỉ USD do cổ phiếu rớt giá. Hiện cổ phiếu Apple được giao dịch ở mức 133,41 USD.
Với giá cổ phiếu hiện tại, vốn hóa thị trường Apple vẫn hơn Microsoft (được định giá khoảng 1,78 ngàn tỉ USD) nhưng khoảng cách không quá xa như trước.
Vốn hóa thị trường là giá trị của tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu hiện tại x Tổng số cổ phiếu đang lưu hành
Vốn hóa thị trường phụ thuộc trực tiếp vào giá cổ phiếu của công ty. Giá trị này thay đổi theo từng ngày giao dịch. Khi giá cổ phiếu tăng lên thì vốn hóa thị trường tăng theo và ngược lại. Những thay đổi về số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa trị trường. Các công ty vẫn có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn hoặc mua lại cổ phiếu. Giả sử giá cổ phiếu không đổi, việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ làm tăng giá trị vốn hóa thị trường của công ty và việc mua lại sẽ làm giảm giá trị vốn hóa.
Theo báo cáo của Apple, Giám đốc Tài chính Luca Maestri, Giám đốc Vận hành Jeff Williams, cố vấn Kate Adams và Giám đốc Bán lẻ Deirdre O’Brien có mức thu nhập khoảng 26,9-27 triệu USD trong năm 2021.
Không chỉ Apple, nhiều công ty tại Mỹ và Anh cũng chịu phản đối từ cổ đông về lương thưởng cho lãnh đạo. General Electric, IBM và Starbucks đều không đạt được tỷ lệ tối thiểu 50% ủng hộ từ cổ đông về thu nhập của giám đốc điều hành trong năm 2021. Công ty dầu khí ExxonMobil và Chevron cũng nhận chỉ trích từ cổ đông và nhà hoạt động khí hậu.
Tại Anh, lượng công ty thuộc FTSE 100 chịu sự phản đối từ cổ đông nhiều gấp đôi so với năm 2020, hầu hết không hài lòng bởi giám đốc nhận lương cao trong lúc nhân viên gặp khó khăn tài chính, khủng hoảng do dịch bệnh.
FTSE 100 là chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London.
Doanh thu quý 4/2022 của Apple có thể giảm
Nhà phân tích Jerome Ramel của công ty Exane BNP Paribas dự đoán lượng iPhone xuất xưởng cho năm tài chính 2023 là 224 triệu chiếc (so với 245 triệu chiếc trong dự đoán ban đầu), phản ánh các vấn đề về chuỗi cung ứng từ Foxconn (hãng lắp ráp iPhone chính cho Apple) và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho smartphone cao cấp.
Với việc các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu của người tiêu dùng, các nhà phân tích cho rằng Apple sẽ báo cáo doanh thu quý 4/2022 giảm 1% những tuần tới, theo Refinitiv. Điều đó sẽ đánh dấu sự sụt giảm doanh thu hàng quý đầu tiên của Apple kể từ quý 3/2019.
Refinitiv là nhà cung cấp toàn cầu của Mỹ - Anh về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính.
Chuyên gia Kim Forrest của công ty Bokeh Capital Partners cho biết: “Apple có xu hướng nghiêng về khách hàng thiết bị tiêu dùng cao cấp, nhưng ngay cả nhóm nhân khẩu học đó cũng có thể bị ảnh hưởng bởi giá cao của mọi thứ”.
Apple không còn nằm trong số những nơi làm việc tốt nhất ở Thung lũng Silicon (Mỹ) khi hàng loạt tin xấu và việc sa thải nhân viên làm nản lòng tinh thần của nhân viên.
Apple đã rớt khỏi top 100 nơi làm việc được xếp hạng cao nhất ở Mỹ, theo bảng xếp hạng của trang web việc làm Glassdoor. Trang này đối chiếu phản hồi từ hàng ngàn nhân viên hiện tại và trước đây tại các công ty lớn, sau đó xuất bản trực tuyến.
Danh sách của Glassdoor thống kê dựa trên phản hồi từ nhân viên của các công ty có ít nhất 1.000 nhân sự trở lên. Năm nay, khảo sát được thực hiện từ ngày 19.10.2022 đến 17.12.2022.
Apple lần đầu tiên rơi khỏi top 100 Glassdoor kể từ khi bảng xếp hạng bắt đầu vào năm 2009, trong bối cảnh mâu thuẫn gay gắt giữa nhân viên và giám đốc điều hành về làm việc tại nhà.
Nhà sản xuất iPhone đã yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng ba ngày mỗi tuần, kể từ tháng 9.2022. Quyết định này đã dẫn đến nhiều kiến nghị của nhân viên, trong đó một số dọa nghỉ việc.
Apple Together, một nhóm nhân viên Apple, phản đối mệnh lệnh của Giám đốc điều hành Tim Cook, yêu cầu họ trở lại làm việc ở văn phòng trụ sở và các văn phòng lân cận tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ vào đầu tháng 9.2022.
Họ cho rằng cảm thấy hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn khi ở nhà. Diễn biến này phản ánh một thách thức chung của các hãng công nghệ Mỹ khi đang chật vật tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng sau khi cho phép họ làm việc từ xa trong đại dịch.
Apple Together được thành lập vào năm 2021 khi các văn phòng làm việc trên khắp thế giới buộc phải chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến từ xa để ứng phó với dịch bệnh. Ước tính có khoảng 770 người, nhóm này gửi một thư kiến nghị nội bộ đề nghị cho phép họ được linh động về địa điểm làm việc.
Thư kiến nghị này là phản ứng trước mệnh lệnh của Tim Cook đưa ra trước đó, trong đó yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc ở Cupertino ít nhất 3 ngày mỗi tuần kể từ ngày 5.9.2022, bao gồm ngày thứ Ba, thứ Năm và một ngày khác trong tuần do các nhóm nhân viên tự quyết định. Kế hoạch đó nới lỏng hơn so với đề xuất trước đó, buộc nhân viên phải đi làm vào ngày thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm trong tuần.
Tim Cook cho rằng kế hoạch mới sẽ nâng cao khả năng làm việc linh động của nhân viên, đồng thời vẫn giúp “duy trì sự phối hợp trực tiếp giữa các nhân viên, vốn rất cần thiết với văn hóa của công ty”.
Google vẫn lọt vào top 100 Glassdoor, trở thành nơi làm việc tốt thứ 8 ở Mỹ. Microsoft cũng có mặt trong danh sách này. Được Glassdoor xếp hạng cao nhất ở Mỹ là Gainsight, hãng công nghệ dịch vụ khách hàng. Xếp sau Gainsight lần lượt là Box và Bain & Company.
Tại Anh, công ty tư vấn khổng lồ Bain được Glassdoor xếp hạng cao nhất. Google, Microsoft và Apple được xếp hạng trong số 50 nơi làm việc hàng đầu ở Anh.
Christian Sutherland-Wong, Giám đốc điều hành Glassdoor, cho biết: “Năm vừa qua mang đến những thăng trầm tột độ cho người tìm việc và nhân viên. Thật đáng khích lệ khi thấy các công ty tăng gấp đôi về sức khỏe tinh thần và phúc lợi, sự đa dạng và hòa nhập của nhân viên, lợi ích cạnh tranh và môi trường làm việc linh hoạt”.
Daniel Zhao, chuyên gia kinh tế tại Glassdoor, đánh giá bảng xếp hạng năm nay nêu bật các chủ đề phổ biến như tính linh hoạt, minh bạch và giao tiếp của các công ty. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy quan điểm từ nhân viên về triển vọng kinh tế của công ty như thế nào trong thời gian tới.