Việc xử nhẹ chuyện gian lận bằng cấp, tuổi tác khiến công chức càng xem thường và vi phạm

Góc bình luận - Ngày đăng : 15:20, 13/01/2023

Dư luận nhiều năm qua phàn nàn chuyện công chức, viên chức nhà nước gian lận trong thi cử để có bằng cấp không đúng với thực lực, gian lận tuổi để được tại vị, cất nhắc. Nhiều khi để đạt được mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp, người ta bất chấp tất cả, không sợ pháp luật, không biết xấu hổ khi bị phát hiện. Điều đó thật đáng lo ngại.

Chuyện thi giả nhưng bằng thật, có những "lò ấp tiến sĩ" tại một viện hàn lâm khoa học, nếu chỉ nghe sẽ không tin. Nhưng điều đó lại là sự thật. Chất lượng của những tấm bằng tiến sĩ thì thật đáng buồn. Buồn và xấu hổ cho người làm luận văn lẫn người hướng dẫn, chấm nó. Rồi chuyện gian lận tuổi khai sinh trong lý lịch cán bộ. Nó đã từng xảy ra nhiều chục năm qua. Có người anh trai bỗng "một ngày đẹp trời" được hóa phép kém cả tuổi em ruột; nhiều người chưa học hết cấp 2 nhưng lại có bằng đại học; không ít người chưa dịch nổi một trang tài liệu tiếng Anh tiếng Trung cho chuẩn nhưng lại có bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ để bảo vệ luận án tiến sĩ… Thật đáng lo ngại về cái sự gian dối để cầu được thăng tiến nhanh.

Vì sao người ta bất chấp làm vậy? Theo tôi, vì xã hội đang tạo nên môi trường sính bằng cấp, không chú trọng thực chất. Tiến sĩ nhiều tới mức không thể hiểu nổi.

Gian dối bằng cấp để thăng tiến và vụ lợi

Một xã hội văn minh, hiện đại luôn đồng hành với xã hội học tập. Song không nên quá xem nặng hình thức mà thiếu thực chất của vấn đề nâng cao kiến thức cho cán bộ công chức, viên chức. Liệu có đến mức công chức viên chức cấp phòng chuyên môn, hoặc cán bộ cấp huyện cũng phải là tiến sĩ?

Tôi nghĩ là có nhưng không cần nhiều. Đôi khi người đi học để kiếm bằng nọ bằng kia, thực chất là để mưu cầu cho sự nghiệp được thăng tiến khi có cơ hội, để cấp trên căn cứ vào bằng cấp mà xem xét, bổ nhiệm... Trình độ, kiến thức chuyên môn cao là cần thiết, nhưng thực tế cho thấy chưa chắc người học vị cao đã hơn người học vị thấp hơn.

Do chạy theo học vị để hòng thăng tiến, người ta đã sẵn sàng mua bằng cấp một cách rất trắng trợn, thiếu cả sự liêm sỉ. Loại người như vậy không thiếu trong xã hội. Luật pháp đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc gian dối, và cũng đã có nhiều trường hợp vướng vòng lao lý.

Tuy nhiên, cần phải nói, khá nhiều trường hợp sử dụng bằng thuê, bằng mua, bằng bất hợp pháp để tiến thân, hoặc gian lận tuổi tác, thì chỉ bị nội bộ hoặc pháp luật xử lý rất nhẹ, nhẹ hều, không tới mức phải ra tòa. Nhiều trường hợp chỉ bị khiển trách cho có, còn chức vụ "nguyễn y vân".

Như vậy thì quả là không thể hiểu nổi và điều này sẽ không bao giờ khiến họ biết sợ để dừng chuyện gian dối.

Ta có thế lấy một ví dụ gần đây: Ngày 23.12.2021, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 10 bị cáo ở Trường đại học Đông Đô bị truy tố về tội giả mạo trong công tác, theo quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự. Tổng cộng 210 người được cơ quqan điều tra xác định đã mua bằng giả của trường này, bằng đã bị thu giữ, được tòa thay đổi tư cách tham gia tố tụng, từ nhân chứng sang người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên trong số ấy chỉ 2 người có mặt tại tòa...

Chi tiết nhỏ về xét xử nói trên cho thấy thể chế chưa thật nghiêm với những kẻ “học giả, bỏ tiền mua bằng thật”, chỉ mới dừng lại ở việc xử lý kẻ có chức quyền, kinh doanh bằng cấp một cách bất chính, trắng trợn nhằm thu lợi. Lẽ dĩ nhiên, có kẻ bán thì có người mua. Những văn bằng, chứng chỉ giả đã được không ít công chức, viên chức, cán bộ “mua” để sử dụng, tiến thân. Điều này khá phổ biến trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ tại rất nhiều cơ quan. Nó trở thành một “công cụ” để leo cao, tiến nhanh trong bước đường thăng tiến của kẻ xấu. Để ngăn chặn hiệu quả, chắc chắn luật pháp không nên và không thể xử nhẹ kẻ dùng bằng cấp qua con đường mua bán mà không chịu học hành nghiêm túc.

Vụ án trên tuy đã được điều tra; nhiều văn bằng, chứng chỉ thật được bán cho đám “học giả” đã được ngăn chặn, nhưng những hệ lụy rất khó khắc phục.

Đám “học giả, bằng thật” chỉ bị phát hiện do có sự tố cáo. Tiếc rằng cách xử lý kỷ luật của các cơ quan nhà nước lại quá nhẹ cho nên tình trạng này vẫn chưa chấm dứt nên kẻ gian manh không sợ.

Việc sử dụng bằng giả, bằng bất hợp pháp được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả” và là điều cấm. Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi, nếu mục đích đó "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 342 Bộ luật Hình sự.

Nếu như chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể xử phạt vi phạm hành chính theo căn cứ khoản 4, khoản 6 điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Xử lý không nghiêm nên gây tình trạng nhờn luật, coi thường. Ta có thể còn thấy nhan nhản những rao vặt, quảng cáo công khai với đầy đủ địa chỉ, số điện thoại liên lạc trên mạng về dịch vụ làm đủ mọi thứ giấy tờ, văn bằng, làm thuê cả luận án tiến sĩ. Thật kinh khủng.

"Gian dối" vì nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả với đất nước

Tuy cũng là hiện tượng gian lận này nọ thật, nhưng có hai thứ gian lận hoàn toàn khác nhau về mục tiêu, mục đích.

Đã một thời đất nước ta cũng từng có những chuyện gian lận học hành, gian lận tuổi tác nhưng lại rất vô tư. Nhiều khi do tình thế đất nước có chiến tranh, chống ngoại xâm, nên người ta đã làm vậy mà không mưu cầu vụ lợi điều gì ngoài việc cống hiến, phụng sự tổ quốc.

Chẳng hạn thời kháng chiến chống Pháp và chiến đấu chống Mỹ. Do điều kiện không cho phép hoặc nhận thức còn hạn hẹp nên nhiều người vài năm sau khi sinh mới được làm giấy khai sinh (tức là tuổi giấy ít hơn tuổi thật), cũng không ít thanh niên với tinh thần yêu nước căm thù kẻ xâm lược đã khai tăng tuổi để được đi bộ đội, tham gia chiến đấu.

Những sự “gian lận” như vậy rất đáng trọng, đáng quý! Tuy có gian dối thật đấy, nhưng không hề đáng trách. Việc ai đó khai sinh muộn nên sai tuổi, sau này được thăng quan tiến chức do vẫn còn tuổi được quy hoạch, đâu phải lỗi của họ. Cố ý khai gian tuổi để được gia nhập quân ngũ, chấp nhận hy sinh tính mạng, là suy nghĩ, hành động cao đẹp. Vì thế, những người như thế cần được biểu dương chứ không phải chê trách.

Chuyện có thật trong chiến tranh

Có những câu chuyện có thật chính tôi biết, xin kể ra khi ta bàn về chuyện học hành, bằng cấp của các quan chức để cùng suy ngẫm.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính là phi công lái máy bay chiến đấu, Anh hùng quân đội thời chống Mỹ, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự trung ương. Ông đã kể cho tôi nghe về sự "gian lận bằng cấp" rất đáng yêu của ông cùng một số đồng đội khác thuộc thế hệ ông hồi đầu những năm 60 thế kỷ trước.

Phải nói ngay rằng một người lính gốc gác nông dân nghèo như ông Kính mà thăng tiến như vậy, quả thực không mấy người biết. Tôi nghĩ, thấy thật nể phục ông và cũng buồn về sự gian dối trong học tập phấn đấu hiện nay của một bộ phận cán bộ, công chức,viên chức nhà nước.

Ông Nguyễn Đăng Kính sinh ra tại làng Hành Thiện (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), mảnh đất có truyền thống hiếu học và rất nhiều người tài giỏi, nhưng do gia đình ông vốn thành phần bần cố nông, diện nghèo nhất làng nên cha mẹ con cái đều được đi học, không biết chữ. Bản thân ông cũng rất thiệt thòi.

Hòa bình lập lại năm 1954, chàng trai bần cố nông Đăng Kính mới được đi học lớp bình dân học vụ trong phong trào xóa nạn mù chữ, học hết lớp 2 tại quê. Sau đó nhờ có tí chữ, ông được gọi nhập ngũ, tham gia nghĩa vụ quân sự (năm 1959).

Do có 2 năm trong môi trường quân đội, ông Đăng Kính đỗ lớp 4 bổ túc và sau đó ông trúng tuyển phi công lái máy bay chiến đấu (chủ yếu xét ở góc độ sức khỏe, thể lực tốt chứ văn hóa vẫn chưa đủ).

Với trình độ chỉ lớp 4, nhưng do ngày đó tuyển được người học lái máy bay rất khó cho nên đơn vị/tổ chức quân đội đã quyết định làm hồ sơ khai "gian" cho ông Kính với phía Liên Xô. Mục đích là để ông sang đó học lái máy bay MiG 17 khi bạn yêu cầu phải có trình độ tối thiểu là lớp 7, sau đó bạn sẽ bổ túc.

Tổ chức tuy khai "gian" trong hồ sơ cho ông Kính là "đã học xong lớp 7", giao luôn nhiệm vụ rất "nội bộ" rằng ông cứ báo cáo với bên đó đúng như vậy, chỉ yêu cầu ông sang đến Liên Xô cần chủ động tự học thêm, học thật khẩn trương để sao cho đủ kiến thức của một người đã học xong lớp 7/10 về toán (hình học) về lý về hóa như đã ghi trong hồ sơ lý lịch quân nhân, và cho ngang lớp... 7 như đã khai báo. Tổ chức cũng giao nhiệm vụ nặng nề cho ông Kính là tiếp đó phải học lên thành lớp 10 trong lúc bạn dành thời gian vài tháng đầu dạy tiếng Nga, chưa học chuyên môn thì phải học văn hóa. Mục đích chỉ để ông theo kịp chương trình học lái MiG 17 với trình độ văn hóa xuất phát điểm là lớp 7.

Vậy mà sau 3 năm học bên Liên Xô, ông đã trở thành một phi công lái máy bay chiến đấu thực thụ, kịp về nước chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của Mỹ lần thứ nhất.

Năm 1965, ông Kính lại sang Liên Xô học bổ túc chuyển tiếp lái MiG 21 hiện đại hơn để về nước tiếp tục chiến đấu. Phi công Nguyễn Đăng Kính đã bắn rơi 6 máy bay của Mỹ (trên thực tế), tuy nhiên trong hồ sơ lý lịch ông chỉ được xác nhận thành tích bắn rơi 4 chiếc. Nên biết, ngày đó thường có chuyện "nhường" chiến công/thành tích cho các đơn vị bạn hoặc cho đồng đội. Điều này trong chiến tranh là chuyện rất bình thường, cũng như ta từng biết kiểu chia nhau việc công nhận danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt cơ giới"... ở chiến trường miền Nam.

Chuyện thì dài nhưng tóm lại, tôi tin chắc rằng khi Mỹ tham chiến ở Việt Nam ngày nào, họ đâu hiểu có những con người Việt Nam, những phi công như ông Kính vốn kiến thức văn hóa chỉ vậy, mà đã chiến thắng. Thậm chí cả các bạn Liên Xô cũng không ngờ từng như thế, một người học phi công khi trình độ chỉ hết lớp 4.

Những người lính Cụ Hồ ngày xưa rất chịu khó học hỏi mà tướng Nguyễn Đăng Kính chỉ là một trong rất nhiều ví dụ mà tôi biết.

Tương tự ông Kính (bắn rơi 6 máy bay Mỹ), là phi công, Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Bảy, người đã bắn rơi tới 7 máy bay Mỹ. Ông Bảy xuất thân nông dân, học lực văn hóa thấp cũng chỉ vì nhà nghèo. Nghèo tới mức cả hai ông (ông Kính và ông Bảy) đến ngày được tuyển học lái máy bay vẫn chưa biết đi xe... đạp.

Vậy mà cả hai ông nằm trong số 19 phi công Việt Nam anh hùng do từng bắn rơi từ 5 máy bay của đối phương trở lên. Hiện tượng này khiến Mỹ thực sự choáng và kính nể bởi chính không quân Mỹ cũng chỉ mới có 2 viên phi công đạt đẳng cấp ACE mà thôi.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy vốn là anh nông dân Nam Bộ chất phác năm nào. Nhà nghèo, nên ít được học hành... Ông cũng phải tự học bổ túc cấp tốc giống như ông Đăng Kính khi bước vào nghề lái máy bay chiến đấu.

Vậy mà phi công Nguyễn Văn Bảy đã nghiên cứu và sáng tạo ra lối đánh rất thông minh, dũng cảm. Dũng cảm đến độ phi thường trong lực lượng không quân nhân dân Việt Nam.

Số là MiG 17 của ta ngày đó kém xa máy bay phản lực Mỹ do bay chậm, cơ số tên lửa và đạn mang theo cũng kém đối thủ. Nếu bắn xa, vu vơ thì sau đó sẽ ăn đạn địch khi chúng biết hết đạn rồi bắn trả. Nếu tiếp cận thực gần mới nổ súng thì có khi ta sẽ bị đối phương hạ gục trước.

Theo trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một trong số 3 phi công đầu tiên của không quân nhân dân Việt Nam (cùng với Nguyễn Văn Bảy, Lâm Văn Lích) được phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội (về sau gọi là Anh hùng lực lượng vụ trang), thì "Cách đánh của anh Bảy là cận chiến, quyết liệt, bắn là phải trúng ngay loạt đạn đầu và đã bắn là máy bay Mỹ phải rơi ngay tại chỗ. Đấy là cái quyết liệt, cái dũng cảm, cái mưu trí, cái sáng tạo của anh Bảy trong chiến đấu...".

Nói như một ai đó mà tôi từng đọc được thì cách đánh của phi công Nguyễn Văn Bảy không hề có trong giáo trình đào tạo phi công của Liên Xô thời ấy.

Tôi cũng được nghe kể, khi Bác Hồ được quân chủng báo cáo rằng phi công Nguyễn Văn Bảy vừa bắn rơi chiếc máy bay thứ 7 của Mỹ, Bác rất xúc động rồi chỉ thị ngay "không để chú Bảy bay chiến đấu nữa". Ý của Bác là cần bảo vệ phi công này như một báu vật sống của không quân Việt Nam bởi nếu còn bay thì còn nguy hiểm, có thể sẽ hy sinh. Cũng có thể Bác đã nghĩ việc phi công Nguyễn Văn Bảy là người con Nam Bộ, như một thứ vốn quý cho mai sau, cho ngày toàn thắng.

Các Anh hùng không quân như tướng Nguyễn Đăng Kính hay cố đại tá Nguyễn Văn Bảy tham gia chiến đấu chống quân xâm lược không hề nghĩ đến ngày nào đó được đất nước tôn vinh, phong tặng danh hiệu anh hùng. Họ từ kiến thức rất có hạn của mình quyết phấn đấu vươn lên để làm chủ bầu trời, làm chủ vũ khí hiện đại, hiến dâng tuổi trẻ phục vụ Tổ quốc mà không màng vật chất, chức tước.

Tướng Đăng Kính kể rằng, từ khi ông được bổ nhiệm chức Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho đến tận ngày nghỉ hưu, ông vẫn không hề thắc mắc chuyện bị quên trả phụ cấp lương với chức hàm Viện phó (cấp thứ trưởng) mà chỉ hưởng phụ cấp của Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự trung ương (cấp cục). Chỉ sau ngày ông nghỉ chờ hưu có đến cả năm thì khoản phụ cấp chức vụ chênh lệch này mới được cấp trên “nhớ ra” rồi trả bởi ông muốn được chính danh khi trở về đời thường..., tức là ông cũng không hề kêu ai lúc còn đương chức.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, khi rời cương vị Phó tham mưu trưởng Binh chủng Không quân về nghỉ hưu, ông lại trở thành người nông dân thực thụ trước sự ngỡ ngàng của người dân quê nhà bởi đức tính giản dị, gần gũi với mọi người.

Nói điều này là để thấy, với những người lính từng vào sinh ra tử, như các cựu phi công anh hùng nói trên, họ xem chức vụ chỉ là nhiệm vụ được tổ chức tin cậy trao cho, mà không hề công thần, đòi hỏi chế độ đãi ngộ.

Trong chiến tranh giải phóng, đất nước ta có rất, rất nhiều người từng khai gian tuổi để được nhập ngũ sớm. Điều đó chính là sự dấn thân đầy cao cả vì Tổ quốc của lớp người trẻ tuổi xưa kia. Họ đâu nghĩ khai ít tuổi để sau này mang lợi lộc gì cho cá nhân mình hoặc người thân.

Cần nghiêm khắc hơn khi xử lý công chức nhà nước thiếu trung thực nếu gian dối bằng cấp và tuổi tác

Trở lại chuyện gian lận bằng cấp, chạy theo bằng cấp để tiến thân, gian dối tuổi tác của nhiều công chức, viên chức nhà nước, thấy thật đáng buồn. Càng buồn hơn nếu nhớ lại những chuyện những người đáng quý từ thế hệ các bậc cha anh.

Tôi thấy mừng là, quy định mới của vài năm gần đây đã lưu ý đến tình trạng này. Những thay đổi do xuất phát từ việc nhiều người trắng trợn sửa lại tuổi, nhất là vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu... Tình trạng đó đã gây những khó khăn, vướng mắc, đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ bởi nhiều khi nó còn ảnh hưởng đến sự phấn đấu của người khác lẽ ra xứng đáng hơn, giờ bị người kia chen chỗ; đồng thời tạo ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều này cần phải chấn chỉnh nghiêm túc và nghiêm khắc nếu muốn bộ máy công quyền của chúng ta thực sự mạnh.

Để bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, thực hiện lời thề khi vào Đảng và kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, kể từ ngày 18.8.2016, Đảng sẽ không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định số tuổi đảng theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Đã đến lúc, bất kể ai gian lận học hành thi cử để có bằng cấp thiếu trung thực; tẩy xóa, khai không đúng tuổi thực đều phải bị xử thật nghiêm.

Không thể chấp nhận trong bộ máy, trong hệ thống chính trị vẫn tồn tại những con người gian dối như vậy.

Nếu còn những người gian dối đó, bộ máy sẽ gây cho đất nước bởi họ sẽ không ngán ngại tuyển dụng nhân sự cũng như họ vào cơ quan đơn vị họ phụ trách, sẵn sàng làm bậy để trục lợi các nhân, và sẽ có cơ hội tham nhũng nhờ quyền lực; kết bè kéo cánh những kẻ gian dối. Qua đó, chúng sẽ làm cho bộ máy công quyền yếu đi, vô tác dụng, dân mất lòng tin.

Muốn thế, ngoài việc hệ thống giáo dục đào tạo, nơi làm dữ liệu căn cước công dân phải tuyệt đối trung thực, thì phải thật nghiêm, không để những nơi này nơi khác trở thành chỗ hậu thuẫn cho kẻ gian dối. Đối với các cá nhân cố tình vi phạm cần phải xử thật nghiêm khắc, công bố những vi phạm, cá nhân, chức vụ… trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho dân biết.

Quốc Phong