2 năm, dành 104.000 tỉ đồng hỗ trợ hơn 68 triệu người dân

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:03, 14/01/2023

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong 2 năm qua, Nhà nước đã dành 104.000 tỉ đồng chi hỗ trợ tới hơn 68 triệu người dân để cả nước cùng vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch.

Ngày 14.1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với cả nước, nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững.

lao-dong-2.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Về hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng bởi COVID-19, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỉ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.

Về giáo dục nghề nghiệp, ước thực hiện tuyển sinh trên 2.259 nghìn người, đạt 108,3% so với kế hoạch; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp khoảng 2.096 nghìn người, đạt 115% so với kế hoạch.

Đặc biệt, thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý 1 đến quý 3/2022.

Lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với năm trước. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, từ đầu quý 4 đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ...

Thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được ổn định và mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường. Trong năm đã đưa 142.779 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 48.835 lao động nữ), vượt mục tiêu đề ra.

Tham luận về kinh nghiệm trong việc hỗ trợ người dân cũng như để phục hồi thị trường lao động, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã chấp thuận chủ trương và UBND tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ để ban hành quyết định hỗ trợ cho khoảng 50.000 người lao động bị mất việc hoặc bị hoãn hợp đồng lao động trên 30 ngày và hiện nay chưa có việc làm, mỗi người 1,5 triệu đồng, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 75 tỉ đồng.

Phó chủ tịch Đồng Nai khái quát, kinh nghiệm của tỉnh trong việc hỗ trợ người dân cũng như để phục hồi thị trường lao động là thực hiện kịp thời các chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, cải thiện quy trình, thủ tục để tăng khả năng tiếp cận chính sách của người dân, thu hút đầu tư cho thời gian tới theo hướng tăng chất lượng.

lao-dong.jpg
Bộ LĐ-TB-XH tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thống nhất cao với báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH về những khó khăn, thách thức với công tác an sinh xã hội trong năm 2023. Nhận thức về vấn đề này, ngành BHXH muốn cùng phối hợp để mở rộng độ bao phủ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Hiện cả nước có gần 17,4 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội còn bảo hiểm y tế đã đạt tỷ lệ phủ trên 92% dân số.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong hoạt động, ông Mạnh nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ với các địa phương, phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ. 2 năm qua, số tiền hỗ trợ chi trả với các đối tượng lên tới hơn 104.000 tỉ đồng. Việc phối hợp từ khâu xây dựng chính sách với ngành lao động đã giúp việc triển khai thực hiện sau đó cũng thuận lợi, thống nhất, nhanh gọn. Qua đó, hiện tượng trục lợi chính sách được hạn chế tối đa.

“Phải nói chưa bao giờ việc phối hợp xây dựng chính sách giữa ngành lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội chặt chẽ, hiệu quả như vậy” - ông Nguyễn Thế Mạnh dẫn chứng từ việc xây dựng luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đang làm trưởng ban chỉ đạo.

Về những thách thức cần giải quyết trong năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập trước hết là vấn đề già hóa dân số. Tiếp đó là vấn đề thị trường lao động phi chính thức vẫn đang chiếm tỷ lệ cao, 55,9%. Đó là một thách thức với hệ thống an sinh.

Vấn đề hiện thực hóa khát vọng vươn lên của đất nước với yêu cầu đổi mới sáng tạo, theo Bộ trưởng cũng là một yêu cầu, thách thức lớn.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB-XH nêu nhiều nhiệm vụ lớn trong năm mới, với mục tiêu phát triển chính sách bền vững, hiện đại. Vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách, theo đó là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Ngoài ra, ông Dung cũng cho rằng Luật Việc làm, luật Bảo hiểm xã hội là những chính sách trọng tâm sẽ được ngành tập trung cho năm 2023; vấn đề thực hiện chính sách như chính sách chăm lo với người có công, giảm nghèo, chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng là nhiệm vụ được xác định cần tiếp tục chú trọng.

Lam Thanh