Khó khăn của doanh nghiệp bất động sản sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán ra sao?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:07, 15/01/2023

Rất nhiều chủ đầu tư dự án đang bị đình trệ trong phát triển dự án. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng, ngành vật liệu xây dựng, nội thất...

Thị trường bất động sản hiện đang rơi vào khó khăn với tình trạng thiếu tiền mặt của doanh nghiệp, tình trạng bị giảm thanh khoản, thậm chí có DN bị mất thanh khoản, không phải chỉ DN nhỏ, mà kể cả những DN, tập đoàn lớn cũng đang gặp rất khó khăn về thanh khoản. Nguyên nhân là giao dịch trên thị trường BĐS bị sụt giảm, thậm chí không có giao dịch nên không huy động được nguồn vốn của khách hàng. Chẳng những DN khó tiếp cận tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Có những hoàn cảnh trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng rồi nhưng dừng giải ngân khiến cả DN và khách hàng đều gặp khó khăn lớn.

Riêng về vấn đề trái phiếu, trong quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu DN đến hạn là khoảng 119.000 tỉ đồng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, Bộ Tài chính cũng đã sửa đổi Nghị định 65 để có thời gian giải quyết tình thế bất thường hiện nay của thị trường trái phiếu, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản và phát triển an toàn lành mạnh.

Nhìn nhận về về rủi ro thanh khoản trái phiếu cũng như những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI) trong khi trả lời báo Hải quan cũng nêu quan điểm tương tự.

Theo ông Bảo, năm 2023 có thể gọi là năm cao điểm đáo hạn trái phiếu DN (TPDN) đã được phát hành nhiều trong vài năm gần đây với con số TPDN đáo hạn dự kiến lên đến hơn 300.000 tỉ đồng. Rủi ro thanh khoản TPDN vẫn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của đầu tư, đến niềm tin và đầu tư vào thị trường. "Do đó, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường và DN. Hiện tại, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cho thị trường TPDN. Sắp tới, khi dự thảo được ban hành và đi vào cuộc sống có thể ảnh hưởng tích cực hơn tới thị trường trong quá trình xử lý các vấn đề nợ khó thanh toán của các DN phát hành", ông Bảo phân tích.

Về rủi ro liên quan đến thị trường BĐS, theo ông Bảo, đây là ngành ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế với rất nhiều ngành phụ trợ. Hiện tại, khó khăn của ngành BĐS rất rõ ràng. Rất nhiều chủ đầu tư dự án đang bị đình trệ trong phát triển dự án. Khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng, ngành vật liệu xây dựng, nội thất... làm cho các ngành này cũng khó khăn theo khi công việc giảm, nhiều chủ đầu tư dự án không còn duy trì được phát triển dự án đều đặn như các năm trước. Ông Bảo phân tích: "Những khó khăn của ngành BĐS hiện đã được Chính phủ nhìn nhận và cũng đã lập tổ công tác tháo gỡ. Hy vọng trong thời gian tới Chính phủ sẽ có thêm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn thì ngành BĐS mới có thể có sự cải thiện. Còn nếu chưa có những giải pháp mới, nếu như ngành BĐS vẫn còn khó khăn như hiện nay thì rõ ràng còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế".

H.Đ