Giáo sư đề xuất 30% smartphone bán ở Trung Quốc dùng chip nội địa hoặc đóng thuế 400%
Thế giới số - Ngày đăng : 22:02, 15/01/2023
Các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ với ngành chip Trung Quốc đang khiến chính phủ quốc gia châu Á phải suy nghĩ nhiều hơn. Trong thị trường smartphone ngày càng phức tạp, tự nghiên cứu là nền tảng của sự tự cung tự cấp.
Chỉ sở hữu công nghệ riêng thì Trung Quốc mới có thể ngăn chặn hành động của Mỹ chống lại Huawei và nhiều công ty khác. Hiện hai thương hiệu chip di động phổ biến toàn cầu là Qualcomm (Mỹ) và MediaTek (Đài Loan). Qualcomm và MediaTek sử dụng rộng rãi công nghệ của Mỹ, trong khi Trung Quốc cũng có một số chip của riêng mình nhưng được sản xuất với quy trình kém tiên tiến hơn nên hiệu suất không cao.
Mới đây, Cao Haitao, giáo sư Đại học Mẫn Giang, cho biết trong một chương trình phỏng vấn rằng 30% smartphone được bán ở Trung Quốc cần phải sử dụng chip nước này. Ông cũng gợi ý rằng bất kỳ thương hiệu nào làm khác đi nên đóng thêm thuế tới 400%.
Cao Haitao cũng cho biết mục đích của hành động đó là nhằm khai thác thị trường Trung Quốc. Điều này là do khi có thị trường thì sẽ có thu nhập và khi có thu nhập thì sẽ có đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Nếu không, thị trường chip sẽ luôn bị công ty nước khác kiểm soát.
Cao Haitao cho biết ngành công nghiệp bán dẫn tiêu thụ rất nhiều tài nguyên ở Đài Loan. Lượng nước tiêu thụ trung bình hàng ngày của các nhà máy TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) trong năm 2022 lên tới khoảng 150.000 tấn. Toàn bộ các doanh nghiệp của Khu Khoa học và Công nghệ Tân Trúc (Đài Loan) tiêu thụ 140.000 tấn nước mỗi ngày.
Chen Keming, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan của Đại học Hoa Kiều và Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Đài Loan, nói TSMC là công ty dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan nhưng việc định giá cao là một vấn đề.
80% cổ đông của TSMC ở nước ngoài và chỉ 20% nằm trong tay người Đài Loan. Nói cách khác, 80% số tiền mà TSMC kiếm được do người nước ngoài lấy.
“Đề xuất 30% smartphone bán ở Trung Quốc phải dùng chip nước này hoặc trả thêm thuế 400%” đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi của nhiều cư dân mạng. Ý kiến của mọi người cũng khác nhau. Một số người nói rằng điều này nên được thực hiện và một số dân mạng nghĩ rằng nó nên được xử lý một cách bình tĩnh.
Nhiều người tin rằng nếu chính phủ Trung Quốc chấp nhận đề xuất trên thì hiệu suất của smartphone sẽ thực sự kém. Thế nên, đây có phải là động thái tốt nếu thông qua nó?
Nhập khẩu IC của Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ 2004
Lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ, nhập khẩu IC (mạch tích hợp) của Trung Quốc đã giảm vào năm 2022. Nhập khẩu IC đã giảm 15% xuống 538,4 tỉ chiếc từ 635,6 tỉ chiếc vào 2021, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố. Đó là mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2004 khi trang Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu. Nhập khẩu IC tăng 17% vào năm 2021, tăng 22% vào 2020 và tăng 6,6% vào 2019.
Sự sụt giảm xảy ra vào thời điểm Mỹ đang thắt chặt kiểm soát với việc bán chip tiên tiến cho Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế với việc xuất khẩu một số loại chất bán dẫn được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính, nhằm ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình và nâng cao năng lực quân sự.
Việc Trung Quốc mua máy móc để sản xuất chip gần đây đã bị thu hẹp trong bối cảnh nhu cầu điện tử suy yếu và các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ. Trung Quốc cũng đang tạm dừng các khoản đầu tư lớn nhằm xây dựng ngành công nghiệp chip để cạnh tranh với Mỹ, khi sự bùng phát dịch trở lại trên toàn quốc đang gây căng thẳng cho nền kinh tế số 2 thế giới.
Theo Reuters, Nhà Trắng đã và sẽ thảo luận về việc cấm xuất khẩu các công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc với lãnh đạo Nhật Bản và Hà Lan trong chuyến thăm của họ, nhưng điều đó sẽ không dẫn đến cam kết ngay lập tức từ hai nước để áp đặt các biện pháp kiềm chế tương tự.
Vào tháng 10.2022, chính quyền Biden đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng với Trung Quốc như một phần trong nỗ lực làm chậm những tiến bộ về công nghệ và quân sự của cường quốc châu Á. Trong đó có biện pháp hạn chế chặt chẽ việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Thế nhưng, nó vẫn chưa thuyết phục được các đồng minh quan trọng đưa ra các hạn chế thiết bị tương tự được coi là cần thiết để thực hiện các hạn chế có hiệu quả, vì công ty Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML (Hà Lan) cũng là những nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip hàng đầu.
Các cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào ngày 13.1 và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 17.1 cung cấp các diễn đàn để thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, những chuyến thăm đó sẽ không dẫn đến thông báo ngay lập tức và là một phần trong các cuộc tham vấn đang diễn ra của các bên về những vấn đề này, theo Reuters.
Một quan chức chủ chốt của Bộ Thương mại Mỹ cho biết vào tháng 10.2022 rằng các thỏa thuận như vậy sẽ đến “trong thời gian tới”.
Ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp, Tokyo Electron và ASML là hai bên tham gia quan trọng cần thiết để các biện pháp trừng phạt hiệu quả, làm cho việc chính phủ của họ áp dụng các hạn chế trở thành cột mốc quan trọng.
Mỹ đã lôi kéo các đồng minh gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập Liên minh Chip 4, một động thái mà Bắc Kinh coi là nỗ lực nhằm loại bỏ vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỹ cũng tăng áp lực lên chính phủ Hà Lan để hạn chế các lô hàng hệ thống in thạch bản từ ASML đến Trung Quốc.
ASML là công ty thống trị thị trường thiết bị sản xuất chip tiên tiến độc nhất vô nhị. Cụ thể hơn, ASML là công ty độc quyền toàn cầu trong việc cung cấp các hệ thống in thạch bản cực tím, những chiếc máy lớn có giá từ 160 triệu USD mỗi chiếc và được sử dụng bởi TSMC, Samsung Electronics, Intel... để tạo ra mạch của chip máy tính. Vì thế, ASML đã trở thành trọng tâm trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc của chính phủ Mỹ.
Giữa tháng 12.2022, Reuters đưa tin Trung Quốc đang thực hiện gói hỗ trợ trị giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 143 tỉ USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Theo Reuters, đây là một bước quan trọng hướng tới khả năng tự cung tự cấp chip để chống lại các động thái của Mỹ nhằm làm chậm tiến bộ công nghệ của nước này.
Các nguồn tin cho biết Trung Quốc có kế hoạch triển khai một trong những gói khuyến khích tài chính lớn nhất trong 5 năm, chủ yếu dưới dạng trợ cấp và tín dụng thuế để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước. Theo các nguồn tin, kế hoạch có thể được thực hiện ngay trong quý 1/2023.
Hai trong số các nguồn tin tiết lộ phần lớn khoản hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng để trợ cấp cho việc mua thiết bị bán dẫn trong nước của các công ty Trung Quốc, chủ yếu là các nhà máy chế tạo chất bán dẫn. Những công ty như vậy sẽ được hưởng khoản trợ cấp 20% cho chi phí mua hàng.
Trung Quốc có chính sách ưu tiên đã nêu để phát triển ngành công nghiệp chip độc lập. Kế hoạch hỗ trợ tài chính của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden vào tháng 8 thông qua đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỉ USD tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, cũng như tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỉ USD.
Đạo luật Chips and Science là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm duy trì và thậm chí mở rộng vai trò lãnh đạo công nghệ của nước này trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc xoay quanh chất bán dẫn và AI.
Với gói ưu đãi của mình, Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ các công ty chip Trung Quốc xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, lắp ráp, đóng gói, nghiên cứu và phát triển trong nước.
Các nguồn tin cho biết kế hoạch mới nhất của Trung Quốc cũng bao gồm cả các chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước này.