Sau Ấn Độ và Mỹ, Nhật xem xét cấm TikTok cùng các ứng dụng Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 11:00, 29/07/2020
Quyết định này lần đầu được báo cáo bởi NHK - đài phát thanh truyền hình công cộng của Nhật Bản. Các nhà lập pháp bày tỏ mối quan tâm giống các quan chức Mỹ và Ấn Độ rằng dữ liệu người dùng trong nước có thể nằm trong tay chính quyền Bắc Kinh và dự định đệ trình đề xuất lên Chính phủ Nhật Bản đầu tháng 9 tới.
Nhật Bản là một trong những thị trường thành công ở nước ngoài đầu tiên của TikTok. Đội ngũ TikTok Nhật thu hút nhiều người dùng nổi tiếng và tạo ra bước đột phá nhờ Kinoshita Yukina, cựu người mẫu, diễn viên và nhân vật truyền hình, sau khi tổ chức 6 hoặc 7 cuộc thảo luận ở studio của cô. Sự tham gia của Kinoshita Yukina đã thu hút của những ngôi sao Nhật khác, mang theo người hâm mộ của họ đến với TikTok.
Trong cửa hàng iOS Nhật Bản, TikTok liên tục xếp hạng hàng đầu trong số các ứng dụng giải trí. TikTok cũng là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ 5 trên tất cả các danh mục ở Nhật, theo công ty nghiên cứu App Annie.
Đáp lại động thái đến từ Nhật Bản, phát ngôn viên của TikTok cho biết: “Có rất nhiều thông tin sai lệch về TikTok ngoài kia. TikTok có một giám đốc điều hành người Mỹ, giám đốc an ninh thông tin với kinh nghiệm thực thi pháp luật và làm việc trong quân đội Hoa Kỳ một thập kỷ và một đội ngũ người Mỹ làm việc siêng năng để phát triển cơ sở hạ tầng bảo mật tốt nhất. Bốn trong số các công ty mẹ của chúng tôi, năm ghế hội đồng quản trị được kiểm soát bởi một số nhà đầu tư toàn cầu được kính trọng nhất thế giới. Dữ liệu người dùng TikTok Mỹ được lưu trữ ở Mỹ và Singapore với các kiểm soát chặt chẽ quyền truy cập của nhân viên”.
Hôm qua, báo chí Nhật Bản đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đề nghị Tokyo cùng các nước đồng minh cấm nhiều công nghệ và ứng dụng Trung Quốc, bao gồm TikTok và Huawei.
Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác đã thành công ở thị trường Nhật Bản nhiều năm qua. Chẳng hạn, Baidu vận hành Simeji, một trong những phương thức nhập liệu phổ biến nhất của người Nhật. Line là ứng dụng trò chuyện chính ở Nhật, còn WeChat cần thiết cho các doanh nghiệp Nhật Bản có mối quan hệ với Trung Quốc.
Dù lệnh cấm ở Ấn Độ chắc chắn mang đến sự thất vọng với các công ty Trung Quốc đang thèm muốn thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới, song doanh thu trung bình trên mỗi người dùng nơi đây vẫn còn thấp so với phương Tây. Nhật Bản thì khác và là thị trường sinh lợi hơn nhiều.
Hôm 26.9, Ấn Độ đã chặn TikTok và 58 ứng dụng Trung Quốc khác sau cuộc đụng độ ở biên giới giữa quân đội hai nước khiến 20 binh sĩ lục quân Ấn thiệt mạng.
Về lệnh cấm trên, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ nêu rõ: “Các ứng dụng của Trung Quốc đã tham gia vào mọi hoạt động làm phương hại đến an ninh, phòng vệ cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Đây là động thái nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng di động và internet ở Ấn Độ. Quyết định này nhắm mục tiêu để đảm bảo an toàn và chủ quyền của không gian mạng Ấn Độ”.
Hôm 27.7, nguồn tin từ DD News cho biết, Ấn Độ đã cấm thêm 47 ứng dụng Trung Quốc là bản sao các ứng dụng bị cấm vào tháng trước.
Cũng trong ngày 27.7, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm thêm 275 ứng dụng Trung Quốc, gồm cả game nổi tiếng PUBG (PlayerUnknown’s BattleGround) của Tencent và ứng dụng phát nhạc trực tuyến Resso của ByteDance.
Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ, các quan chức chính phủ nước này lên danh sách 275 ứng dụng Trung Quốc có thể vi phạm các biện pháp bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Ngoài PUBG và Resso, trong danh sách này có ứng dụng thương mại điện tử AliExpress từ Alibaba và ứng dụng chia sẻ ảnh ULike của ByteDance.
Như vậy, Resso và ULike là hai ứng dụng tiếp theo của ByteDance sau TikTok ở nguy cơ bật bãi khỏi quốc gia đông dân nhì thế giới (hơn 1,38 tỉ).
Lệnh cấm TikTok làm đảo lộn tham vọng của ByteDance ở Ấn Độ và có thể khiến họ mất 6 tỉ USD. Vài năm qua, ByteDance đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào thị trường này.
Chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét cấm TikTok vì lo ngại rằng Chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu người dùng ứng dụng này ở Mỹ.
Hôm 20.7, các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu (336 thuận và 71 chống) để thông qua dự thảo nghị quyết cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.
Tiếp đó, Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ thuộc Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm quan chức liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp.
Nhân Hoàng