Ý nghĩa chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật

Quốc tế - Ngày đăng : 10:40, 16/01/2023

Khi gặp gỡ Thủ tướng Fumio Kishida tại Tokyo năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đưa ra thông điệp: Mỹ ủng hộ Nhật triển khai chính sách an ninh quốc phòng quyết đoán hơn, nhưng bất cứ động thái gì họ có thể làm để hỗ trợ chính sách này cần được cân nhắc kỹ.

8 tháng sau, thành quả của cuộc gặp trên được đánh dấu bằng một cuộc gặp khác tại Nhà Trắng. Tổng thống Biden đứng cạnh Thủ tướng Kishida tuyên bố: “Mỹ quyết dốc sức cho liên minh hoàn toàn và triệt để”.

Với Tổng thống Biden và đội ngũ quan chức an ninh quốc gia, chuyến thăm mới nhất của Thủ tướng Kishida là đỉnh cao cũng như sự tiếp nối một nỗ lực mà chính quyền Biden theo đuổi ngay từ khoảng thời gian đầu nắm quyền.

230113114737-04-biden-kishida-dc-011323.jpg
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 13.1 - Ảnh: CNN

Hỗ trợ đồng minh tăng cường năng lực an ninh quốc phòng

Tổng thống Biden lên nắm quyền trong bối cảnh môi trường địa chính trị đầy bất ổn. Trung Quốc nhanh chóng nâng cao sức mạnh quân sự đồng thời thể hiện rõ tham vọng lãnh thổ, Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, CHDCND Triều Tiên tăng tốc phóng thử tên lửa và thực hiện nhiều hành động khiêu khích.

Môi trường địa chính trị bất ổn tạo ra cơ hội để Mỹ hỗ trợ các đồng minh tăng cường năng lực an ninh quốc phòng. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan gọi nỗ lực này là phiên bản mới của một khái niệm trọng tâm trong chính sách đối ngoại thời Tổng thống Ronald Reagan.

“Với Tổng thống Reagan là hòa bình nhờ sức mạnh Mỹ. Còn với Tổng thống Biden là hòa bình nhờ sức mạnh Mỹ cùng đồng minh”, cố vấn Sullivan phát biểu khi trả lời phỏng vấn của đài CNN.

Ở năm thứ ba cầm quyền, nỗ lực bắt đầu đem lại thành quả.

Tháng 12.2022, Thủ tướng Kishida công bố chiến lược an ninh mới thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và thay đổi hiến pháp hòa bình nhằm giúp Nhật đủ sức đối phó các mối đe dọa ngày càng tăng. Đây là thay đổi đáng kể đối với Nhật cũng như với liên minh an ninh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đài CNN dẫn lời một số quan chức cấp cao đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Kishida góp phần tạo ra môi trường cho sự thay đổi, củng cố các liên minh Mỹ vào thời điểm khó khăn.

Theo CNN, cố vấn Sullivan là “kiến trúc sư” của nỗ lực hỗ trợ đồng minh tăng cường năng lực an ninh quốc phòng. Đội ngũ quan chức Mỹ thúc giục người đồng cấp các nước đồng minh tăng tốc chi tiêu quốc phòng và đổi mới chiến lược an ninh lẫn chiến lược chi tiêu.

Họ cũng không ngừng đảm bảo Mỹ sẽ giúp đỡ, bất kể là ở quá trình tăng cường năng lực phòng vệ hay điều chỉnh triển khai lực lượng Mỹ. Tuyên bố của Tổng thống Biden lúc tiếp đón Thủ tướng Kishida tại Nhà Trắng là ví dụ tiêu biểu. Cố vấn Sullivan cũng khẳng định: “Chúng tôi đem lại niềm tin rằng khi họ mạo hiểm hỗ trợ chúng tôi, chúng tôi sẽ không bỏ rơi họ”.

Trước lúc Thủ tướng Kishida sang thăm, Nhật - Mỹ tuyên bố tăng cường quan hệ quân sự và nâng cao hiện diện quân sự Mỹ tại khu vực. Một đơn vị thủy quân lục chiến mới với khả năng tình báo, giám sát tiên tiến cùng khả năng tiêu diệt tên lửa chống hạm chuẩn bị được triển khai.

Theo một quan chức, đây là một trong những điều chỉnh triển khai lực lượng mà Mỹ thực hiện nhiều năm qua - thể hiện rõ mong muốn chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Động thái này cũng gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ quyết hỗ trợ lâu dài giúp Nhật thay đổi chiến lược.

Cẩm Bình