'Vũ khí hóa' năng lượng, cuộc chiến giành chip và các chủ đề nóng ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Quốc tế - Ngày đăng : 11:05, 16/01/2023

Kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới và buộc các giám đốc kinh doanh phải điều hướng xung quanh một số lượng ngày càng tăng các điểm nóng toàn cầu.

Với cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu và những căng thẳng leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc, phần còn lại của thế giới đang chịu áp lực lớn. Nhiều nhà lãnh đạo đặt các ưu tiên kinh tế mới, khi đấu tranh để ngăn chặn sự thiếu hụt các mặt hàng quan trọng, từ khí đốt tự nhiên đến chất bán dẫn, và sử dụng những mặt hàng mà họ kiểm soát làm đòn bẩy. Với những người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại tập trung tại thị trấn Davos (Thụy Sĩ) tuần này, tất cả điều đó đánh dấu sự chuyển hướng khỏi kỷ nguyên của các mối quan hệ toàn cầu ngày càng gần gũi hơn.

Ngày 16.1, Davos chủ trì hội nghị thường niên năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Tranh luận tại WEF sẽ xoay quanh những rủi ro kinh tế mới nổi nêu trên. Một số tập trung vào các hàng hóa hoặc thị trường chính, như trọng tâm toàn cầu về an ninh năng lượng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, hoặc chiến dịch của Mỹ làm Trung Quốc suy yếu trong việc phát triển công nghệ tiên tiến...

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị phân mảnh hơn, gồm cả sự mong manh về tài chính, vì vậy một điều rõ ràng trong tâm trí mọi người là: Đầu tư vào đâu và đầu tư như thế nào trong thế giới đa cực hơn”, Karen Harris, Giám đốc điều hành hãng tư vấn Macro Trends Group (Mỹ), cho biết.

Theo tờ Bloomberg, dưới đây là tổng quan về một số điểm nóng có thể xảy ra vào năm 2023 trong thế giới ngày càng đầy rủi ro của nghệ thuật quản lý kinh tế.

"Vũ khí hóa" năng lượng

Năng lượng là trung tâm của cuộc chiến kinh tế đang khiến Mỹ và các đồng minh chống lại Nga. Cả hai bên đều tìm cách "vũ khí hóa" nó và có khả năng xảy ra bất ổn hơn nữa vào năm 2023.

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào giá trần mà Mỹ và các đồng minh G7 đang cố gắng áp đặt. Hiện tại, điều đó đồng nghĩa giới hạn 60 USD/thùng. Các quy tắc của G7 đã giúp đẩy xuất khẩu dầu thô Nga xuống dưới ngưỡng đó, có khả năng hạn chế khả năng tài trợ cho chiến tranh của ông Putin.

Dầu Nga vẫn có người mua, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng có tùy chọn ngừng cung cấp hoàn toàn, điều này sẽ tàn phá thị trường dầu mỏ, đe dọa lặp lại đợt tăng giá dầu thô như năm ngoái, vốn đẩy lạm phát lên cao hơn ở khắp mọi nơi.

Các hạn chế tương tự với các sản phẩm tinh chế của Nga như dầu diesel sẽ có hiệu lực vào tháng 2 và một số quan chức phương Tây lo ngại rằng chúng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt.

Việc đóng cửa các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đã để lại một lỗ hổng lớn trong nguồn cung toàn cầu. Đến nay, một mùa đông ấm áp ở châu Âu đã giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, đồng thời làm giảm giá khí đốt và điện. Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ chứng kiến các quốc gia tranh giành để có các lô hàng nhiên liệu hóa lỏng khan hiếm.

Cuộc chiến giành chip

Chất bán dẫn, thành phần quan trọng của mọi thứ, từ ô tô điện đến tên lửa đạn đạo và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đang nổi lên như một trong những chiến trường quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau, gồm cả kiểm soát xuất khẩu để ngăn Trung Quốc mua hàng hoặc sản xuất những chip tiên tiến nhất.

Vào tháng 8.2022, Tổng thống Joe Biden thông qua đạo luật Chips and Science (chip và khoa học) mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỉ USD tài trợ cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, cũng như tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỉ USD. Mục đích để mang năng lực sản xuất chip về nước Mỹ.

Mỹ tuyên bố đưa ra các biện pháp hạn chế nhắm vào khả năng quân sự của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh nói rằng đó là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn từ Mỹ nhằm ngăn chặn bước tiến kinh tế của Trung Quốc. Dù thế nào đi chăng nữa, các đồng minh của Mỹ sẽ cần phải tham gia để các biện pháp hạn chế hoạt động hiệu quả.

Nhà Trắng đã và sẽ thảo luận về việc cấm xuất khẩu các công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm Mỹ của họ đầu năm 2023.

Ngoài một số nhà cung cấp thiết bị của Mỹ như Applied Materials Inc, Lam Research Corp và KLA Corp, thì Tokyo Electron (Nhật Bản) và ASML (Hà Lan) là hai bên tham gia quan trọng cần thiết để các biện pháp trừng phạt Trung Quốc hiệu quả.

Việc tuân thủ sẽ đi kèm với chi phí vì các công ty sản xuất chip hoặc máy móc để chế tạo chúng có thể bị mất thị trường Trung Quốc rộng lớn. Trong khi đó, Trung Quốc đang đổ tiền vào ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, dù các công nghệ tiên tiến có thể sẽ khó tái tạo, và có khả năng tìm cách trả đũa nếu các hạn chế được thắt chặt.

vu-khi-hoa-nang-luong-cuoc-chien-gianh-chip.jpg
Chất bán dẫn đang nổi lên như một trong những chiến trường quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu - Ảnh: Internet

Tình hình đảo Đài Loan

Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu lo ngại tình hình tại đảo Đài Loan có thể trở nên "nóng bỏng". Lầu Năm Góc gần đây cho biết không thấy dấu hiệu của một cuộc tấn công Đài Loan từ Trung Quốc. Thế nhưng, Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều hành động gây áp lực hơn lên đảo này. Đây là điều đã xảy ra kể khi cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8.2022, với sự gia tăng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. 

Ngoài những rủi ro rõ ràng về cuộc xung đột trực tiếp giữa hai siêu cường Mỹ - Trung, còn có một khía cạnh kinh tế quan trọng khác. Là quê hương của TSMC (nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới), Đài Loan rất quan trọng với tất cả loại chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay cả một cuộc phong tỏa ngắn hạn của Trung Quốc cũng có thể gây ra hiệu ứng domino khổng lồ.

Tim Adams, Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế, cho biết: “Một động thái của Trung Quốc chống lại Đài Loan và khả năng phương Tây sẽ phản ứng là tình huống bất ngờ mà nhiều người đang lên kế hoạch trước. Nhiều công ty đều đang tính xem các biện pháp trừng phạt Trung Quốc lúc đó sẽ như thế nào và ai sẽ là đồng minh của Mỹ”.

Friendshoring (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu) và trợ cấp

Các chính phủ ngày càng sẵn sàng sử dụng nền kinh tế như những công cụ của nghệ thuật quản lý đất nước. Khi tấn công, điều đó có thể đồng nghĩa từ chối cho đối thủ tiếp cận hàng hóa hoặc thị trường. Về quốc phòng, điều đó đồng nghĩa chỉ các đồng minh tin cậy mới được cung cấp nguồn cung chiến lược, một ý tưởng được gọi là kết bạn.

Song, bạn bè có thể mất và nơi thân thiện nhất là ở nhà. Đó là lý do tại sao các quốc gia đang tăng cường trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước của họ - sự thay đổi khỏi thương mại tự do chính thống vốn từng gây ra xích mích.

Chính quyền ông Biden đang chi hơn 52 tỉ USD để thúc đẩy các nhà sản xuất chip trong nước Mỹ, đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô điện như một phần của kế hoạch trị giá 437 tỉ USD để chống biến đổi khí hậu. Châu Âu đã phản ứng dữ dội, cáo buộc đồng minh của mình thực hiện thương mại không công bằng khi khuyến khích các công ty chuyển đến Mỹ và nói rằng họ có thể đưa ra các hỗ trợ tài chính riêng.

Rủi ro là một cuộc chạy đua trợ cấp toàn cầu, nơi những người chiến thắng là những quốc gia có hầu bao rủng rỉnh nhất, và những người thua cuộc là nền kinh tế ở các nước đang phát triển phải chịu gánh nặng nợ nần ngày càng tăng.

Sự ngự trị của đồng USD

Ngày càng có nhiều quốc gia, không phải tất cả đều là đối thủ của Mỹ, đang tìm cách tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh hơn bên ngoài đồng USD, bởi nhận thấy Mỹ biến đồng tiền của mình thành một công cụ để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Chính quyền ông Biden đã đóng băng khoảng 7 tỉ USD của Afghanistan tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), để giữ tiền khỏi lọt vào tay Taliban - những người mới cai trị đất nước. Mỹ và Liên minh châu Âu đang tìm cách tịch thu hợp pháp một số dự trữ trị giá nửa ngàn tỉ USD của Nga và sử dụng chúng để tái thiết Ukraine.

Có thể sẽ mất nhiều năm để thay thế đồng USD trở thành tài sản dự trữ của thế giới, nếu điều đó xảy ra. Tình trạng “trú ẩn an toàn” của đồng USD đã thể hiện rõ ràng vào năm 2022 khi giá nó tăng vọt trong những tháng đầu đầy biến động của cuộc chiến Ukraine.

Giữa các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Iran, cũng như Ấn Độ với các cường quốc năng lượng vùng Vịnh (vốn có quan hệ thân thiện hơn với Mỹ), việc tìm kiếm các cách thức xây dựng liên kết thương mại tránh sử dụng đồng USD vẫn đang được tiến hành.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ả Rập Saudi vào tháng trước có thể là một dấu hiệu của những điều sắp xảy ra, trong đó chứng kiến cuộc trò chuyện về các thỏa thuận năng lượng được định giá bằng đồng Nhân dân tệ với dòng đầu tư thiết lập để chảy theo hướng khác.

Rủi ro với Mỹ và các đồng minh của họ là gấp đôi. Vũ khí trừng phạt của họ, dựa vào sự thống trị của đồng USD để có hiệu quả, có thể mất đi một phần sức mạnh. Họ có thể phải đối mặt với lạm phát cao hơn, do các thỏa thuận thương mại giữa các nền kinh tế ngoài phương Tây đưa các mặt hàng quan trọng ra khỏi thị trường, đẩy giá lên cao với những người mua khác.

George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore, cho biết tại một hội nghị vào tuần trước: “Đồng USD là một 'bùa mê' với tất cả chúng ta. Nếu bạn vũ khí hóa hệ thống tài chính quốc tế, các giải pháp thay thế sẽ phát triển để thay nó”.

Sơn Vân