Điểm lại các vụ đại án đã được đưa ra xét xử trong năm 2022 tại Hà Nội

Sự kiện - Ngày đăng : 16:58, 17/01/2023

Trong năm 2022, TAND TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử rất nhiều những vụ án lớn, được dư luận quan tâm.

Vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC

Những ngày cuối năm 2022, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm. HĐXX nhận định có đủ cơ sở xác định Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) là chủ mưu trong vụ án này, chỉ đạo nhân viên thuộc các phòng ban khác, móc ngoặc với chủ đầu tư, phân công các Công ty “quân xanh” trong quá trình đấu thầu và trúng thầu.

Bà Nhàn thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo tỉnh nhằm giúp cho Công ty AIC trúng được gói thầu thiết bị y tế. Quá trình Công ty AIC tham gia và trúng thầu, bà Nhàn cùng cấp dưới đã chi tiền “cảm ơn” lãnh đạo tỉnh.

dinh-quoc-thai-ttxvn.jpeg
Bị cáo Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) - Ảnh: TTXVN

Cụ thể, Trần Đình Thành (cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai) nhận 14,5 tỉ đồng; Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) đã nhận 14,5 tỉ đồng; Phan Huy Anh Vũ được ông Thành chỉ đạo tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật 16 gói thầu thiết bị y tế, và nhận 14,8 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn…

Qua đánh giá toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX quyết định xử phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 14 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hình phạt 30 năm tù.

Về tội danh “Nhận hối lộ”, HĐXX xử phạt Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai) 11 năm tù; Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) 9 năm tù.

quang-canh-ttxvn.jpeg
Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án AIC - Ảnh: TTXVN

Vụ thâu tóm ‘đất vàng’ tại Bình Dương

Liên quan đến vụ “thâu tóm” hai lô “đất vàng” 43ha và 145ha xảy ra tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2) 27 năm tù về cả 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”.

Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) và Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đều bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị cáo khác bị tuyên mức án tương xứng với hành vi phạm tội, theo đúng tội danh như VKS đã truy tố.

toan-canh-3-.jpg
Vụ án thâu tóm 'đất vàng' tại Bình Dương được TAND TP.Hà Nội xét xử vào tháng 8.2022 - Ảnh: N.A

Sau khi kết thúc phiên sơ thẩm, bị cáo Trần Thanh Liêm có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo HĐXX cấp phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội, tại phiên tòa, bị cáo Trần Thanh Liêm thừa nhận sai phạm như bị quy kết, nhưng bị cáo cũng xuất trình thêm những chứng cứ mới, trong đó có tài liệu thể hiện gia đình bị cáo đã nộp hơn 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Từ đó, HĐXX quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, tuyên án 6 năm tù.

Theo nội dung vụ án, bị cáo Trần Văn Nam biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quy định giao đất năm 2012 và 2013 là trái quy định, nhưng vẫn ban hành công văn để thu tiền sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 700 tỉ đồng.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha “đất vàng” và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Tuy nhiên, các bị cáo đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục, thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hóa thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể là Nguyễn Đại Dương và bán cho công ty tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước…

cao-minh-quang-2-.jpg
Cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: N.A

2 cựu Thứ trưởng Y tế ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’

Trong năm 2022, TAND TP.Hà Nội cũng đã xét xử 2 vụ án có liên quan đến 2 cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, là Cao Minh Quang và Trương Quốc Cường.

Ông Cao Minh Quang bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm” gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long. HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu cho ngành Y tế.

Trong khi ông Cao Minh Quang lĩnh án 30 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo), thì ông Trương Quốc Cường nhận bản án 4 năm tù, sau đó kháng cáo và được giảm còn 3 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cấp phúc thẩm ghi nhận ông Cường đã khắc phục tổng cộng 2,3 tỉ đồng; nộp các bằng khen, giấy khen, huân huy chương của ông Cường được Bộ Y tế và các cơ quan Nhà nước trao tặng trong thời gian làm việc.

truong-quoc-cuong-2-.jpg
Cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường khai báo tại phiên sơ thẩm - Ảnh: N.A

Sai phạm của ông Cường liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada. Theo nhận định từ Tòa án, bị cáo Cường đã thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc.

Ông Cường đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc, trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỉ đồng.

Mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc, dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị cho người bệnh.

Vụ ‘thổi giá’ thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai

Trong vụ án này, cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo HĐXX, ông Nguyễn Quốc Anh là người có vai trò chính, với vai trò Giám đốc bệnh viện, là người có thẩm quyền cao nhất quyết định thống nhất giá thiết bị với công ty BMS ký kết các thủ tục liên danh liên kết, tạo điều kiện cho lãnh đạo BMS nâng giá thiết bị vào liên danh liên kết, hưởng lợi gây thiệt hại cho 637 bệnh nhân.

cuu-giam-doc-benh-vien-bach-mai-khang-dinh-khong-truc-loi-hoan-toan-vi-nguoi-benh.jpg
Các bị cáo trong vụ 'thổi giá' thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: N.A

Nội dung vụ án thể hiện Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên năm 2016, Phạm Đức Tuấn (Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS) đã đến gặp Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỉ đồng, và robot Mako giá 44 tỉ đồng.

Hai bên thống nhất Công ty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra. Nguyễn Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Công ty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế. Để có thể hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Công ty thẩm định giá VFS.

Tuy nhiên, qua xác minh đã làm rõ Công ty BMS nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỉ đồng.

Nhã Thanh