Thách thức của Ấn Độ khi trở thành nước đông dân nhất thế giới

Quốc tế - Ngày đăng : 15:30, 19/01/2023

Thời điểm Ấn Độ trở thành nước đông dân nhất thế giới đang đến gần sau khi dân số Trung Quốc sụt giảm lần đầu tiên trong hơn 60 năm.

Theo đài CNN, sự thay đổi trên có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với cả hai quốc gia khổng lồ của châu Á (mỗi quốc gia đều có trên 1,4 tỉ dân).

Ngoài thông tin dân số năm 2022 giảm còn 1.411,75 tỉ người thì Trung Quốc còn công bố tăng trưởng kinh tế chỉ có 3% – tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ. Số liệu mới nhất phản ánh thách thức lớn mà nước này phải đối mặt vì lực lượng lao động thu hẹp và dân số độ tuổi nghỉ hưu tăng.

Với Ấn Độ, “lợi tức dân số” đem lại lực lượng lao động khỏe mạnh hùng hậu sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng nhanh.

Nhưng vẫn có lo ngại cường quốc Nam Á bỏ lỡ cơ hội, tạo không đủ việc làm cho hàng triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động mỡi năm.

Dữ liệu năm 2021 của Tổ chức Hợp tác - Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Ấn Độ có hơn 900 triệu người trong độ tuổi lao động. Chính phủ Ấn Độ ước tính con số này vượt qua mốc 1 tỉ trong thập kỷ tới.

Giới chuyên gia cảnh báo, dân số trong độ tuổi lao động khổng lồ có thể trở thành gánh nặng nếu các nhà hoạch định chính sách không tạo ra đủ việc làm. Hiện tại, ngày càng nhiều người Ấn Độ không tìm việc do thiếu cơ hội và tiền lương thấp.

Dữ liệu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (dựa trên số người đang làm việc và số người tìm việc) chỉ ở mức 46% – thuộc hàng thấp nhất châu Á. Tỷ lệ này ở Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 68% và 61%.

Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động ở Ấn Độ còn đáng báo động hơn: giảm từ khoảng 26% năm 2005 xuống còn 19% năm 2021.

Giáo sư Chandrasekhar Sripada (Trường Kinh tế Ấn Độ) nhận xét: “Ấn Độ đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ. Bất ổn xã hội sẽ xảy ra nếu trong khoảng thời gian ngắn không tạo ra đủ việc làm”.

Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 12.2022 lên đến 8,3%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cùng kỳ chỉ có 3,5%.

thindia.jpg
Liệu Ấn Độ có tận dụng được "lợi tức dân số"? - Ảnh: Getty Images

Vấn đề nan giải

Giáo dục chất lượng cao còn hạn chế là lý do lớn nhất đằng sau khủng hoảng thất nghiệp. Giáo sư Sripada cho biết các tổ chức giáo dục Ấn Độ chú trọng học vẹt hơn tư duy sáng tạo.

Chất lượng giáo dục kém cùng tình trạng thiếu việc làm khiến hàng nghìn người tốt nghiệp đại học (thậm chí người có bằng tiến sĩ) xin việc văn phòng trong cơ quan nhà nước với mức lương dưới 300 USD/tháng.

May mắn là các nhà hoạch định chính sách đã nhìn ra vấn đề và bắt đầu chú trọng đào tạo kỹ năng, theo giáo sư Sripada. Nhưng chính sách cần nhiều năm mới phát huy tác dụng.

Ấn Độ cũng cần tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp hơn để phát huy hết tiềm năng kinh tế. Dữ liệu chính thức gần đây cho thấy, hơn 45% lực lượng lao động nước này làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Viện nghiên cứu McKinsey Global xác định cường quốc Nam Á cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030 cho số người mới tham gia lực lượng lao động. Phần lớn trong số này có thể được tạo ra trong ngành sản xuất cùng ngành xây dựng.

Khi căng thẳng Trung Quốc - phương Tây gia tăng, Ấn Độ lập tức lợi dụng tình hình thúc đẩy ngành sản xuất phát triển bằng cách mời gọi các công ty quốc tế như Apple đến mở xưởng. Nhưng WB chỉ ra ngành sản xuất chỉ mới chiếm 14% GDP Ấn Độ.

Cường quốc Nam Á dự kiến tăng trưởng 6,8% trong năm tài khóa 2022 – trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, theo cựu quan chức ngân hàng trung ương Raghuram Rajan thì mức tăng trưởng cao như vậy cũng vẫn chưa đủ, Ấn Độ cần tạo ra nhiều việc làm hơn.

Cũng theo McKinsey Global, để tăng trưởng việc làm hiệu quả, GDP Ấn Độ cần tăng 8,0% - 8,5% hàng năm trong thập kỷ tới.

Cẩm Bình