Lùi thời gian sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đến 2026 là quá muộn

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:49, 20/01/2023

Các chuyên gia cho rằng việc lùi thời gian sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân đến năm 2026 là quá muộn bởi ở thời điểm hiện tại, nhiều quy định của luật đã trở nên lỗi thời và không theo kịp cuộc sống.

Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ.

Lùi tới 2026 mới sửa luật là quá muộn

Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã góp phần quan trọng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, đảm bảo động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư; khuyến khích minh bạch các nguồn thu nhập của cá nhân trong lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng…

Tuy nhiên, chính sách thuế thu nhập cá nhân đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) và đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025), thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5.2026).

Được biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 20.11.2007, có hiệu lực từ ngày 1.1.2009 (được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014).

Từ 1.7.2020, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giảm trừ này vẫn đang bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần đẩy thời gian sửa đổi luật này sớm hơn khi những bất cập đã bộc lộ trong thời gian dài và mức giảm trừ gia cảnh chưa theo kịp cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng thời gian sửa đổi luật thuế này quá muộn. Ông Thịnh cho rằng cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh hợp lý khi biến động giá ngày càng lớn.

Ông Thịnh cho rằng thu nhập càng cao, đời sống của người dân cũng nâng cao, mức sống bình quân của xã hội cũng càng cao, vì thế, mức bình quân đóng thuế thu nhập cá nhân cũng cần nới rộng hơn.

thinh-1.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 lên 15 - 20 triệu đồng. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay có nhiều bất cập, chưa theo kịp mức sống của người dân và lạm phát. Việc duy trì mức thuế thu nhập cá nhân hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế. Do đó, việc sửa thuế là cần thiết trong thời điểm hiện tại và lùi tới năm 2026 mới sửa là quá muộn và không theo kịp cuộc sống.

Theo ông Hà, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng mạnh trong 2 năm qua, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc vẫn chưa được điều chỉnh là điều rất bất hợp lý. Hơn nữa, trong hai năm dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất nhưng người làm công ăn lương vẫn bị bỏ rơi.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân là 4,4 triệu đồng/người/tháng đã quá lạc hậu trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng cao thời gian qua. Trong thực tế, từ năm 2020 đến nay, giá cả đã tăng rất nhiều và mức 11 triệu đồng/tháng không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Mức 4,4 triệu đồng/tháng cũng không đủ để nuôi con nhỏ khi giá cả tăng vùn vụt hiện nay.

Vậy nên, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính nên trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để đưa ra những biện pháp kịp thời chẳng hạn như: Cho nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay từ đầu năm 2023 lên 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 10 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hay giảm 50% thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cho người làm công ăn lương.

Bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng kiến nghị bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%. Khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 15 - 20 triệu đồng, mức 10% cho phần thu nhập chịu thuế từ 20 - 40 triệu đồng...

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người làm công ăn lương.

ha.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

“Thực tế, số thu thuế thu nhập cá nhân đóng góp rất lớn, bằng khoảng 10% tổng thu ngân sách. Luật nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch có như vậy mới khuyến khích được những người lao động có tài năng, đồng thời cũng giảm được hiện tượng khai man thu nhập, hiện tượng gian lận thuế”, ông Hà nêu.

Cụ thể, nên bỏ bớt 3 bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho tiền lương tiền công là 15 - 25% và 35%, rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4 là 5%, 10%, 20% và 30%.

Đồng thời, khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, như mức thuế suất 5% nên áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế từ 5 - 10 triệu đồng, 10% áp dụng cho phần thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng, còn 20% áp dụng cho thu nhập từ trên 30 - 60 triệu đồng, thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên mới áp dụng mức 30%.

Hoài Lam