Cần Thơ: Hoa kiểng rực rỡ xuống phố nhưng thưa thớt người mua

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:52, 21/01/2023

Tối 29 Tết, nhiều gian hàng tại các chợ hoa ở Cần Thơ vẫn còn đầy ắp. Dù ngày 30 Tết chợ chỉ họp đến 12 giờ là dọn dẹp nhưng nhà vườn vẫn phải sốt ruột chờ người đến mua cây cảnh, hoa kiểng.
z4052954923990_d68df8a56c141e5e05b84148de324c79.jpg
Những gian hàng ở chợ hoa Phú Thứ (Cái Răng) còn đầy ắp - Ảnh: Văn  Kim Khanh

Đi một vòng từ quận Cái Răng đến Ninh Kiều, chợ hoa kiểng nào cũng còn đầy ắp. Anh Võ Văn Sung, nhà vườn từ Vĩnh Thành - Chợ Lách (Bến Tre) đang bán hoa kiểng ở chợ Phú Thứ - Cái Răng cho biết: “Năm nay chợ hoa kiểng bán chậm một cách lạ lùng. Đến tối 29 Tết mà hoa của gia đình tôi ước lượng còn khoảng 80%. Ngày mai chỉ còn bán trong buổi sáng, nhưng với tình hình này thì những người bán hoa kiểng có thể ăn Tết đắng”.

z4052954925446_1bcc902369a87a83a24e6be41cddd43e.jpg
Sức mua hoa kiểng, cây cảnh năm nay giảm mạnh - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tại chợ Xuân Khánh ở góc đường 30/4 - Trần Văn Hoài, tình hình khả quan hơn chút ít. Tuy nhiên, dù có nhiều người mua hơn nhưng hoa kiểng tại đây vẫn còn khoảng phân nửa so với lúc đầu trưng bày.

Chị Võ Thị Lý, người trồng hoa kiểng đến từ thành phố hoa Sa Đéc, cho rằng năm nay thị trường hoa kiểng không khởi sắc. Có thể do người dân gặp khó khăn về kinh tế nên sức mua yếu hơn hẳn so với năm trước.

“Năm nay các nhà vườn hoa chăm chút nhiều cho dịp Tết nhưng thời tiết không tốt, cuối năm mưa nhiều. Riêng về thị trường thì năm nay có nhiều điểm không thuận lợi. Do khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp sa thải hoặc cho công nhân nghỉ việc sớm. Việc này cũng có ảnh hưởng rất lớn. Năm nào kinh tế sung túc thì năm đó chợ ĐBSCL bán đắt hàng, ngược lại kinh tế khó khăn sức mua sẽ yếu đi nhiều”, chị Lý nói.

z4052954883674_07e6001a5226be70ac0b8c23d0629f5e.jpg
Hoa Đà Lạt cạnh tranh với hoa ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh

Chiều tối 29 Tết, dạo một vòng quanh chợ Phú Thứ (Cái Răng), PV nhận thấy hàng chục lô hàng hoa kiểng còn khá nguyên vẹn. Anh Trần Công Danh, một người kinh doanh hoa kiểng than thở: “Trưa mai 11 giờ là dẹp chợ nhưng hoa kiểng bán được không tới 20%. Năm nay thị trường hoa kiểng khá trầm lắng”.

Cách gian hàng của anh Danh vài chục mét, chị Thái Thị Oanh đang giới thiệu hàng cho những khách đến xem hoa kiểng. Khi vị khách vừa đi, tôi hỏi thăm về tình hình buôn bán thì được chị Oanh chia sẻ: “Tôi kinh doanh hoa kiểng nhiều năm nay, phân phối hàng ở Cần Thơ đi các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM, miền Trung... nhưng chưa có năm nào khó khăn như năm nay. Cách nay hơn 1 tuần trời mưa to kéo dài, tôi đóng hàng đi các tỉnh nhưng đến nơi hoa bị úa vì ngậm nước. Vậy là hàng đi các tỉnh và miền Trung bị trả về, tôi lỗ nặng. Chỉ riêng hoa kiểng xuất đi thị trường các tỉnh tôi đã bị lỗ vốn hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, gian hàng hoa hiện nay bán rất chậm”.

Ông Nguyễn Hữu Thuận, một người đi mua hoa chưng Tết cho rằng do số lượng hoa kiểng quá nhiều nên "dội chợ". Trong khi đó, người bán giữ giá hoa quá cao vì cho rằng giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng. Tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều người cũng không mặn mà với việc mua hoa kiểng chưng Tết. Ngoài ra, hoa kiểng ở ĐBSCL hiện nay còn phải cạnh tranh với nguồn hàng từ Đà Lạt với đa dạng chủng loại mà giá cả tương đối rẻ hơn.

hoank.jpg
Chiều 29 Tết, chợ hoa đường Trần Văn Hoài (Ninh Kiều) vẫn còn rất nhiều - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hiện hoa kiểng ở ĐBSCL có hai nguồn cung ứng lớn nhất là huyện Chợ Lách (Bến Tre) và TP.Sa Đéc (Đồng Tháp). Sa Đéc được mệnh danh là “Thủ phủ hoa” lớn nhất ĐBSCL, quy mô trồng đến 920 hecta với 2.000 loại hoa kiểng khác nhau. Còn Chợ Lách từ lâu được gọi là "Xứ sở của trái cái cây và hoa kiểng". Hai địa phương này hằng năm cung ứng cho ĐBSCL và TP.HCM hàng chục triệu đơn vị hoa kiểng. Do năm rồi giới kinh doanh hoa trúng đậm nên năm nay phần lớn đầu tư tăng sản lượng.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết năm nay hoa kiểng Chợ Lách tăng sản lượng lên hơn 10 triệu đơn vị, gấp đôi so với Tết năm 2022. Do sản lượng hoa kiểng Sa Đéc và Chợ Lách tăng lên, cộng hưởng với các làng hoa của các tỉnh ĐBSCL góp phần làm cho cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, tình hình kinh tế năm nay khó khăn khiến nhiều người chọn ăn tết tiết kiệm, từ đó nhu cầu mua hoa chưng trong Tết cũng giảm mạnh.

Văn Kim Khanh