Tết buồn của những người kinh doanh hoa kiểng ĐBSCL

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:17, 22/01/2023

Không nằm ngoài dự đoán, chợ hoa kiểng Cần Thơ năm nay thất thủ. Các địa phương khác ở ĐBSCL như Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bạc Liêu... nhiều người bán hoa kiểng cùng chung số phận bị ế chợ.
z4054607813569_496a0ed2ff276bd7a4bcae18aeec472f.jpg
Hơn 20 giờ đêm Giao thừa hoa kiểng vẫn còn ế ở chợ Phú Thứ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Đã hơn 20 giờ tối giao thừa mà anh Lê Quốc Bảo và những người bán hoa kiểng ế vẫn ngóng chờ khách mua hàng. Thỉnh thoảng những chiếc xe gắn máy đến chở hoa vạn thọ, cúc vàng đi giao cho khách mua hoa kiểng ế giá rẻ. Có một chiếc xe ô tô màu đen đỗ lại, khách xuống mua cúc mâm xôi. Người khách chọn lựa mua 4 chậu cúc mâm xôi.

Anh Bảo giải thích với khách: “Anh biết không, cúc mâm xôi này tôi mua ở Vĩnh Thành, Chợ Lách giá vốn 260.000 đồng/cặp. Mấy ngày trước tôi bán 400.000 đồng/cặp. Bây giờ ế phải xuống giá bán 150.000 đồng/cặp. Bán 1 cặp cúc mâm xôi tôi lỗ ròng 110.000 đồng. Vạn thọ Pháp giờ này tôi bán 50.000 đồng/cặp, giá vốn tôi mua ở Vĩnh Thành là 90.000 đồng/cặp. Ngày 26 - 27 tết tôi bán 1 cặp vạn thọ Pháp giá 150.000 đồng, nay thì đành bán lỗ. Biết sao bây giờ”.

z4054607774148_3eedbef87b09534408e651d760ab43f7.jpg
 Xưa nay không có cảnh ngủ để bán hoa kiểng qua đêm giao thừa  - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cũng theo anh Bảo, anh lỗ vụ hoa kiểng tết này tính ra gần 100 triệu đồng, vì mua giá cao, bán giá thấp. Lỗ sở phí đi lại cho những người làm công. Lỗ tiền xe chuyên chở, lỗ công ròng rã cả tháng nay phải tất bật với hoa kiểng.

Tại TP.Cần Thơ, đến 20 giờ đêm giao thừa vẫn còn nhiều chủ bán hoa kiểng ế. Trong ánh đèn đường sáng choang, những người bán hoa kiểng cứ chờ những chiếc xe gắn máy đến chở hoa giao cho khách khi có người đặt hàng. Chị Lý Thị Tư, người ở Vĩnh Thành, Chợ Lách cho biết: "Tôi còn khoảng 100 chậu vạn thọ Pháp. Giá giảm từ 150.00 đồng xuống còn 60.000 đồng/cặp. Bán đến sáng mùng 1 Tết luôn. Năm nay hết ăn Tết rồi, bán buôn lỗ lã như vậy còn tâm lý đâu ăn Tết".

Ông Lê Minh Khải, một cư dân ở vùng Nam Cần Thơ cho rằng "Trong cái khó của thị trường vẫn có cái đáng thương của những người bán hoa kiểng. Nếu thấy nhu cầu thị trường yếu đi sao họ không giảm giá sớm để bán nhanh. Giải phóng hàng tồn để giảm lỗ và khỏi phải ôm xô như những người bán hoa kiểng ế. Cuối cùng thì vẫn phải hạ giá, trong khi nếu dám giảm giá để bán từ ngày 25 - 26 tết thì hàng sẽ được tiêu thụ nhanh".

z4054509604192_4289ee51c097c6110151c135d7002fcf.jpg
Tại TP.Mỹ Tho đêm giao thừa hoa kiểng vẫn còn đầy, nhiều nơi người bán bỏ hoa luôn - Ảnh: Mỹ Tho

Có những người đã tỉnh táo vậy, chẳng hạn trường hợp của chủ bán hoa vạn thọ Pháp, anh Lê Văn Thành ở Q.Bình Thủy, Cần Thơ. Ngày 29 tết thấy thị trường hoa kiểng mua bán yếu quá, anh Thành đang bán hoa ở khu Nam Cần Thơ viết bảng “Giải cứu hoa vạn thọ”. Vậy là trong khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, gần 300 chậu vạn thọ của anh bán hết sạch. Anh giảm giá từ 140.000 đồng/cặp xuống bán giá 80.000 đồng/cặp.

Vào lúc hơn 4 giờ chiều 30 tết, tại góc đường Quang Trung, khu dân cư Hưng Phú 1, những người bán hoa giấy thất vọng về tình trạng ế ẩm đã chặt và băm nát hoa kiểng ế. Hoa giấy bị chặt băm cành lá rơi vung vãi khắp nơi.

Anh Lê Quốc Bảo, một người kinh doanh hoa kiểng đến từ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho rằng kinh doanh hoa kiểng lúc hàng tết bị ế thì lỗ vốn, buồn lòng, kéo theo đó sẽ thâm hụt tài chính, nợ nần. Tuy nhiên, dùng dao băm, chặt hoa kiểng khi bán ế là việc không nên. Mình không trân trọng sản phẩm mình làm ra thì ai trân trọng mình?

z4054427765178_5fbdce75d838a19aec5539d008ab4e83.jpg
Hoa ở Bạc Liêu đến chiều 30 tết vẫn còn ế đầy - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo chúng tôi nắm được, ngoài TP.Cần Thơ thì ở những địa phương khác như Bạc Liêu, Tiền Giang, Vĩnh Long...  hoa kiểng cũng bị dội chợ, ế thê thảm.

Tết Quý Mão 2023 là cái tết buồn của giới kinh doanh hoa kiểng ở ĐBSCL.

Văn Kim Khanh