Hà Nội: Các siêu thị hoạt động ra sao trong ngày tết?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:30, 22/01/2023

Để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các siêu thị đều tăng thời gian phục vụ, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Hệ thống siêu thị Co.opmart thông báo toàn bộ cửa hàng nghỉ từ 12 giờ ngày 30 Tết và trong ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết chỉ hoạt động buổi sáng, mùng 6 tháng giêng hoạt động bình thường.

Còn các siêu thị GO! Big C, Tops Market cho biết đóng cửa vào mùng 1 Tết nhưng sẽ mở cửa bán từ 10 giờ đến 22 giờ 30 mùng 2 Tết, từ mùng 3 Tết hoạt động trở lại bình thường.

Siêu thị MM Mega Market chỉ nghỉ mùng 1 Tết, các ngày khác tăng thời gian mở cửa từ 6 giờ đến 23 giờ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, AEON thông báo mùng 1 Tết Nguyên đán, trung tâm vẫn mở cửa hoạt động từ 11 giờ đến 22 giờ. Từ mùng 2 Tết trở đi, hoạt động bình thường từ 8 giờ đến 22 giờ. Hệ thống siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu cũng mở cửa hoạt động tất cả các ngày tết, mùng 1 Tết mở cửa lúc 12 giờ.

Trong khi đó, siêu thị WinMart cho biết sẽ mở cửa bán hàng từ ngày 25.1 (mùng 4 Tết), đối với các siêu thị trong trung tâm thương mại thì đóng/mở theo giờ của trung tâm.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn Co.op Hà Nội cho biết siêu thị đã xây dựng kế hoạch đặt hàng, dự trữ nguồn hàng cụ thể với lượng dự trữ hàng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chủ lực kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tết là bánh kẹo, trái cây, bia, nước giải khát, mì, trà… với tổng trị giá gần 70 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm ngoái.

Ngoài bán hàng trực tiếp, hệ thống siêu thị cũng tập trung đẩy mạnh và khai thác kinh doanh, đơn hàng thông qua tương tác qua mạng xã hội Zalo, Fanpage... nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa hình thức thương mại điện tử. 

Sở Công Thương Hà Nội cho biết ước tính tổng trị giá hàng hóa Tết năm nay đạt khoảng 39.500 tỉ đồng, tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm ngoái.

Hà Nội đã dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu gấp 3 lần tháng bình thường. Hiện có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với tổng trị giá hàng hóa 18 tỉ đồng. Sở Công Thương Hà Nội cũng kết nối với 53 tỉnh, thành để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ thị trường tết; tiếp tục đẩy mạnh triển khai bán hàng thương mại điện tử; bán hàng tại các chợ truyền thống, các điểm bán hàng OCOP... phục vụ nhu cầu người dân.

Tin và ảnh: Tuyết Nhung