Đối nghịch xuất khẩu mặt hàng tỉ USD sang thị trường Mỹ, Trung Quốc

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:00, 22/01/2023

Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu sang hai thị trường này trong năm 2023 lại khá trái ngược.

Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021. Đây là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như hệ lụy đại dịch COVID, chiến tranh Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ...

xuat-khau-tom.jpg

Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao, khiến xuất khẩu tôm giảm tốc. Tháng 12.2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 259 triệu USD.

Về sản phẩm xuất khẩu, trị giá xuất khẩu tôm sú giảm, tôm chân trắng vẫn tăng trong năm 2022. Các sản phẩm tôm chế biến tăng tốt hơn các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh. Trong số các sản phẩm tôm sú và tôm chân trắng xuất khẩu, chỉ tôm sú tươi/đông lạnh giảm 7%, tôm sú chế biến khác tăng tốt nhất 15%. Trị giá xuất khẩu tôm chân trắng chế biến và tôm chân trắng tươi/đông lạnh tăng lần lượt 11% và 3%.

Trong tháng 12.2022, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và EU giảm mạnh nhất, lần lượt 46% và 44%, sang Nhật Bản giảm 4%, sang Hàn Quốc giảm 25%, duy nhất thị trường Trung Quốc vẫn tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam, với mức tăng trưởng 38% trong tháng 12.

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 807 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 11.2022, Mỹ nhập khẩu 64.014 tấn tôm, trị giá 579,3 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và 25% trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp, nhập khẩu tôm vào Mỹ ghi nhận giảm.

Theo VASEP, nguyên nhân khiến nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm là hàng tồn kho còn nhiều. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng. Mặc dù tồn kho cao, nhưng giá tôm tại Mỹ không giảm do các nhà bán buôn chưa muốn bán ra vì chưa được giá.

Nhu cầu tiêu thụ trong kỳ nghỉ lễ khá lớn. Đây là kỳ nghỉ đông đầu tiên ở Mỹ kể từ năm 2019 khi du lịch đã trở lại bình thường. Du lịch nhiều hơn có nghĩa là tụ tập nhiều hơn và ăn uống nhiều hơn khiến tiêu thụ hải sản nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu hồi phục vẫn chưa thể "giúp ích" được cho các nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang Mỹ.

Nhà xuất khẩu tôm hàng đầu của Mỹ là Ấn Độ (21.413 tấn, trị giá 187,18 triệu USD) ghi nhận mức giảm lần lượt là 28% và 31% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Argentina và Peru đều ghi nhận mức giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu sang Mỹ. Trong số các nhà xuất khẩu tôm sang Mỹ, chỉ có Ecuador tiếp tục tăng sản xuất tôm so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.

Tháng 12.2022, trong khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng này đạt 48 triệu USD, tăng 38%. Năm 2022, trị giá xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 664 triệu USD, tăng 61% so với năm 2021.

"Từ ngày 8.1.2023, Trung Quốc dỡ bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như: xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch. Điều này được kỳ vọng làm tăng nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong những tháng đầu năm 2023", VASEP dự báo

Từ đầu quý 3/2022, các doanh nghiệp ngành tôm đã có sự chuyển hướng khá rõ nét. Sự chuyển hướng dễ nhận thấy nhất đó là việc ưu tiên tập trung phát huy lợi thế chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng cao cho phân khúc thị trường cao cấp.

Mỹ vẫn được xác định là thị trường lớn của tôm Việt Nam, nên việc duy trì một thị phần nhất định ở thị trường này luôn được doanh nghiệp quan tâm, nhất là ở phân khúc thị trường cao cấp. Ðiều đó được thể hiện qua việc gần đây, dù ưu tiên cho thị trường gần, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn xúc tiến đàm phán với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, nhất là những nhà phân phối cao cấp.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đã chuyển hướng tập trung vào một số thị trường gần, như Nhật, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhằm giảm chi phí vận chuyển và áp lực cạnh tranh.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng tôm là ngành xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, mỗi năm đều thu về vài tỉ USD, do đó Nhà nước cần phải có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ lực, tạo điều điện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tăng hạn mức tín dụng.

Ông Hòe nhìn nhận năm 2023 ngành hàng tôm sẽ đối mặt với các thách thức lớn như tình hình nuôi không ổn định, nguồn nguyên liệu không bảo đảm; giá thành nuôi tôm cao và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ tôm của Ấn Độ và Ecuador. Vì vậy, nếu doanh nghiệp ngành tôm Việt không nâng cấp sản phẩm thì ngành này khó cạnh tranh được với các đối thủ.

Bên cạnh đó, cần sớm ổn định vùng nuôi nguyên liệu, phát triển thêm các vùng nuôi tiềm năng, đặc biệt phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trong thời gian sớm. Cần có chính sách khuyến khích người nuôi tiếp tục nuôi nhằm chủ động nguồn nguyên liệu trong nước cho chế biến xuất khẩu. Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát, các doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh thủy sản theo quy mô quốc gia, phát triển các thị trường nhỏ, những thị trường chưa được quan tâm trước đó.

Tuyết Nhung