Bộ trưởng VH-TT-DL: Đặt mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế năm 2023

Văn hóa - Ngày đăng : 19:03, 22/01/2023

Năm 2023 có thể nói là một năm khởi đầu đầy thách thức của các bộ ngành, đặc biệt là ngành VH-TT-DL.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng đã có những mong mỏi cho ngành văn hóa sẽ có nhiều khởi sắc trong năm mới.

- Chào bộ trưởng, được biết việc phát triển văn hóa là một nhiệm vụ chiến lược lớn hướng đến các mục tiêu căn bản là phát triển xã hội. Trong giai đoạn 2021-2030, các mục tiêu chúng ta cần tiếp tục thực hiện là gì, thưa bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Giai đoạn 10 năm (2021-2030) trong bối cảnh đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn với những chuyển động chung của đất nước. Để đáp ứng được sứ mệnh này, chúng ta xác định cần thực hiện các mục tiêu, trong đó bao gồm những mục tiêu tổng thể, xuyên suốt và những mục tiêu thành phần.

Thứ nhất, cần xây dựng được nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa có trí tuệ, năng lực chuyên môn, bản lĩnh, khát vọng.

Cần tăng cường xây dựng chất lượng vốn con người thông qua hợp tác, trao đổi thông tin, học hỏi về kinh nghiệm và chuyên môn trong khu vực công và tư liên quan, tăng cường đào tạo, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, sử dụng công nghệ, phát triển và chuyển giao kỹ năng…, đi cùng với quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm nhằm tạo động lực để họ cống hiến và nỗ lực hết mình cho văn hóa. Nguồn vốn con người chính là nhân tố cốt lõi, là nguyên nhân đầu tiên cho mọi sự thành bại trong sự nghiệp văn hóa, vì vậy mục tiêu xây dựng nguồn vốn con người, nguồn nhân lực cho văn hóa cần phải là mục tiêu xuyên suốt và hàng đầu.

hung-2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: Tổ quốc

Thứ nhì, thể chế, chính sách trong lĩnh vực văn hóa cần được tiếp tục được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, tính hiệu quả và khả thi để thực sự trở thành bệ đỡ, khung pháp lý tạo điều kiện và điều tiết kịp thời cho sự phát triển.

Thứ ba, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực văn hóa nhằm thúc đẩy năng lực sáng tạo, sản xuất, phân phối và hưởng thụ các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ trong nước, đồng thời xây dựng hạ tầng thông tin và từng bước đưa các sản phẩm văn hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường quốc tế. Đây cũng là mục tiêu tất yếu trong bối cảnh sự phát triển của khoa học và công nghệ mang tính cách mạng đang diễn ra, của xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, đa phương hóa, khu vực hóa và toàn cầu hóa hiện nay.

- Được biết, Bộ VH-TT-DL đang tập trung xây dựng những đề án rất lớn như Đề án về xây dựng hệ giá trị Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, những điều đó sẽ tạo ra những đột phá gì cho văn hóa đất nước về lâu dài?

- Như chúng ta đã biết, mỗi xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định đều có những hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa ở cấp vĩ mô, và ở cấp vi mô là hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người phù hợp để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các giá trị này được hình thành và củng cố trong lịch sử phát triển dài lâu của mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa chọn và cùng nhau chia sẻ; đó là tất cả những cái cần, cái tốt, cái hay, cái đẹp, là những giá trị vĩnh hằng chân - thiện - mỹ, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người, giữa nhóm xã hội này với nhóm xã hội khác, giữa cá nhân với toàn thể xã hội.

Chính vì vậy, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước đặt ra và đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong đường lối chính trị của Đảng nhà nước ta.

Cần xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; làm rõ đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong nghị quyết, Đảng đã xác định một số nhiệm vụ mới là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa.

- Hiện nay việc xây dựng văn hóa phát triển về đạo đức lối sống đặc biệt là ở giới trẻ đang được chú trọng. Bộ trưởng có thể cho biết những thay đổi nào của ngành để có những quy chuẩn phát triển bền vững trong văn hóa xã hội thời đại 4.0?

z4055825092427_21b6f29ac009e87848a06aebdf309b78.jpg
Ngành VH-TT-DL đặt mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế tới Việt Nam năm 2023

Trước sự tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, các vấn đề liên quan đến con người, đạo đức xã hội sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề phức tạp hơn, vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng, quản lý và phát triển văn hóa. Gần đây, một số vụ việc xảy ra cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ với lối hành xử “dị thường”, lệch chuẩn, đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống văn minh mà cộng đồng dày công vun đắp. Đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức.

Đây là một thực trạng đáng báo động, vì văn hóa ứng xử hiện nay có nhiều không gian để tồn tại, từ đời thực, trên các diễn đàn cả chính thống lẫn không chính thống, trên không gian mạng… Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, các ban ngành, địa phương cũng như toàn xã hội.

Đặc biệt “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” lần đầu tiên được Bộ VH-TT-DL ban hành, là bản quy tắc tập hợp các hướng, điều chỉnh hành vi của những người làm nghệ thuật (bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật) theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Trong xây dựng văn hóa, phải xây dựng con người văn hóa, vì con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện vấn đề này; xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội tốt, chúng ta sẽ hạn chế và ngăn chặn được những vấn đề tiêu cực về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Những chuẩn mực đạo đức văn hóa cần được tuyên truyền sâu rộng, đưa vào giáo dục trong các môi trường phù hợp, tránh tính trạng “hình thức” dẫn đến không đạt hiệu quả cao. Phải giáo dục để mỗi người thấy được vai trò và trọng trách của mình trong công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội trong thời đại hiện nay.

- Bộ trưởng kỳ vọng thế nào trong năm 2023 với ngành VH-TT-DL?

- Chúng tôi đã nghiêm túc nhìn lại những hạn chế của ngành văn hóa trong năm 2022, đặc biệt đó là việc đón các du khách quốc tế trong năm vừa qua. Mục tiêu đề ra đón 5 triệu lượt du khách quốc tế nhưng không đạt được, mà năm 2022 chỉ đạt được 36,3 triệu lượt khách (nội địa và quốc tế), có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Năm tới ngành du lịch cần nghiêm túc thực hiện tốt kết luận của Thủ tướng Chính phủ, kết hợp với các bộ, ban ngành để tạo ra một cơ chế thuận lợi, hanh thông nhất để đón các du khách du lịch quốc tế. Đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm, mục tiêu chúng tôi đặt ra cho toàn ngành là mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc và tôi tin với cách thức này chúng ta sẽ đạt được mục tiêu cho ngành du lịch trong năm 2023.

Lâu nay chúng ta luôn tính đón bao nhiêu lượt khách chứ không tính đến doanh thu, nhưng giờ quan điểm tiếp cận của chúng tôi không chỉ là tính số khách đến mà còn là tính cả doanh số thu về từ hoạt động du lịch. Vì vậy chúng ta cũng cần xem xét các đóng góp thực tế của mỗi địa phương, nếu khách đông mà thu không được bao nhiêu cho đất nước thì kết quả cũng không đạt được là bao.

- Cảm ơn bộ trưởng đã chia sẻ.

Dạ Thảo