Thầy làm cái nghề ở xứ ta gọi đúng cái tên cúng cơm là Thầy bói, còn ở xứ Tây người ta căn cứ vào các giải thích khoa học gọi là nhà chiêm tinh. Nhưng dù mang cái tên gì đi nữa thì cái ý nghĩa đúng nhất của nó vẫn là bói toán đoán mò, mà cái gì đã đoán, cũng giống như dự báo thời tiết, có đúng có sai, năm ăn năm thua... như vậy đã là tưong đối lắm rồi.
Xuân năm nay không hiểu do ngẫu nhiên hay do vận hành quy luật mà Thầy Ất tuổi Mùi lại trùng hợp với năm Ất Mùi nên Thầy Ất khoái trí, cao hứng lên giọng thử đoán tương lai hậu vận của sân khấu thành phố - một địa danh có kịch nói phát triển và nổi tiếng là quê hương của sân khấu cải lương - có một đời sống sân khấu rất trẻ và năng động.
Sau khi thắp nén nhang, vái tổ ba vái, Thầy trân trọng đoán về vận mệnh sân khấu tuổi Mùi năm 2015 này... Thầy nói: Con dê là hình tượng của tuổi Mùi, được xếp ở vị trí thứ 8 trong 12 con giáp, về phương vị là hướng Tây nam thiên về phía Nam nên rất thuận lợi cho sự phát triển nghệ thuật.
Rõ ràng đờn ca tài tử vừa được Unesco công nhận là di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại xuất phát từ không gian Tây Nam bộ. Còn sân khấu tuổi Mùi này có cuộc sống no đủ, nhiều tài lộc. Tuy không muốn cuộc sống tha phương nhưng lại phải dời chỗ ở tức sàn diễn phải thay đổi cách suy nghĩ, cách hành xử. Cuộc đời thì như vậy nhưng tính cách lại vị tha không thích tranh chấp, va chạm, cũng không thích có sự thay đổi vì thế có lúc để vuột mất cơ may... Cũng như con người, sân khấu cũng có vận mạng, cuộc đời, tính cách, cũng có thăng trầm khi lên khi xuống, phải biết nắm thời cơ để thành công. Sự thành bại cũng còn do năng lực con người. Lẽ trời cũng có, nhưng xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
Năm ngoái hợp tác với Thầy Giáp làm ăn, Thầy Ất cũng đã rút ra nhiều điều cho phép Thầy đoán già đoán non về tình hình sân khấu thành phố hiện nay. Ngưng một chút để suy đoán rồi Thầy lại tiếp tục phán: về sự nghiệp.Trước hết xét về cuộc đời, tuổi con dê là xét về sự nghiệp của diễn viên, nghệ sĩ sân khấu. Tuổi Mùi nói chung no đủ, tài lộc nhiều. Năm nay có nhiều phim mới nên nhà đài rất cần diễn viên, các hãng phim tư nhân mọc nhiều như nấm nên diễn viên quần chúng không thiếu việc làm. “Ghêm sô” thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi, quảng cáo hàng hóa tràn ngập hàng trăm kênh truyền hình nên tiền vô túi các nghệ sĩ như nước sông Cửu Long. Tậu nhà, chơi xe hơi đã trở thành chuyện nằm trong tay nghệ sĩ.
Năm con Dê này sân khấu sẽ có nhiều vở diễn mới bởi người ta đã quan tâm đến đội ngũ viết kịch trẻ. Đại Lải, Bà Rịa - Vũng Tầu, Nha Trang, Phan Thiết là những nơi tổ chức các trại viết kịch của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh.
Từ nơi đây ra đời các ý tưởng người ta viết kịch bản. Người ta viết nhiều, không chỉ về tuổi tác hay sự từng trải mà còn nhiều về sức trẻ, sức sáng tạo. Năm nay cũng là năm tác giả nam tăng lên tạo sự cân bằng với tác giả nữ. Nếu nữ có những Vương Huyền Cơ, Mỹ Dung, Bích Ngân với nhiều vở được dựng thì nam tác giả có Quốc Bảo, Đình Khôi, Đăng Nhân.
Nhờ lực lượng viết khá mạnh mà các phòng vé luôn nhộn nhịp vì có nhiều vở mới. Năm con Ngựa vừa qua, thành phố đã phúc khảo 85 tiết mục sân khấu kịch nói, hát bội, cải lương, rối, xiếc...Trong số này 50% là kịch nói. Điều này chứng tỏ sự năng động của đạo diễn - diễn viên thành phố trong dàn dựng và biểu diễn. Hiện tượng này có hai mặt cần xem xét quan tâm. Mặt phải - ưu điểm là những nỗ lực cao nhất của diễn xuất diễn viên được khán giả đón nhận đã thúc đẩy nghệ thuật diễn phát triển.
Mặt trái - nhược điểm của nhiều diễn viên trẻ là diễn xuất thiếu độ chín của tìm tòi và độ sâu lắng những cảm xúc, các diễn biến tâm lý. Còn nhược điểm của các diễn viên lâu năm là lạm dụng kỹ thuật đôi khi mất vẻ thanh xuân. Tuy nhiên Thầy Ất vẫn khẳng định sân khấu sẽ có khán giả bất kể áp lực cạnh tranh của các phương tiện giải trí khác.
Số tha phương đời. Năm nay sẽ có nhiều thay đổi và cuộc sống tha phương của sân khấu cải lương sẽ chấm dứt. Cải lương không phải lưu diễn nay chỗ này, mai chỗ khác bởi thành phố sẽ hoàn thành công trình xây mới rạp Hưng Đạo. Đại bản doanh của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ đóng tại đây. Có rạp mới, giám đốc mới, Nhà hát sẽ cho ra đời nhiều dự án nghệ thuật mới. Nghe nói sẽ dựng diễn các tác phẩm cải lương của Tác giả Nhà hát mang tên, rồi sẽ tổ chức triển lãm về cuộc đời và tác phẩm của tác giả Trần Hữu Trang. Hy vọng sẽ như vậy.
Về xê dịch chỗ ở. Mang tên Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội thành phố nhưng vẫn chưa có mảnh đất cắm dùi, vẫn phải diễn lưu động nơi chùa chiền, lễ hội. Kịch nói một dạo tưởng đã yên bề đã buộc phải xê dịch điểm diễn.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã phải “dời đô” từ Nhà thiếu nhi Thành phố sang Nhà thiếu nhi Quận 10. Dinh cơ mới này cũng khang trang hoành tráng, có thang máy lên lầu 4 là khán phòng nhưng hai đạo diễn NSƯT Thành Hội, Ái Như vẫn lo lắng bởi nơi mình đến hơi xa trung tâm, nằm giữa rừng người và xe cộ, nhưng vẫn lo ngại khán giả không đông. Cứu cánh của sân khấu này là “thương hiệu” một sân khấu nghiêm túc đã từng chinh phục khán giả bằng nghệ thuật diễn xuất tinh tế, nghệ thuật dàn dựng thông minh, chỉn chu đến từng cảnh diễn. Chính cái logo con chuồn chuồn cánh trong và mỏng là biểu tượng cho một phong cách nghệ thuật, một tư cách nghệ sĩ.
Còn sức dẻo dai của tuổi mới vào “chợ’ tham gia “thị trường” nghệ thuật, sân khấu Tâm Ngọc cũng phải chuyển ổ từ Siêu thị Cộng Hòa về rạp Vườn Lài tốn một khoản tiền không nhỏ vào việc đầu tư hạ tầng là sân khấu và khán phòng. Tuy nhiên bầu Tâm Ngọc cùng bầu đoàn diễn viên trẻ đã kịp xây dựng cho mình một dàn kịch mục dành cho thị hiếu trẻ.
Thăng trầm, lên xuống là cái số của tuổi Mùi nên các bầu gánh vẫn vui vẻ cùng anh em lao vào lao động sáng tạo mỗi năm, mỗi đơn vị phải dàn dựng và biểu diễn ba, bốn vở mới. Do đó con số vở phúc khảo lên đến 85 tiết mục cũng là chuyện thường kỳ ở huyện (thành phố).
Ngại thay đổi, thích bình yên tĩnh tại. Tuổi Mùi, sân khấu ngại thay đổi, thích sự bình yên, thích sự quen thuộc.Tuy nhiên dù muốn hay không muốn, sân khấu cũng vẫn phải đối mặt với nhũng mâu thuẫn nảy sinh, đặc biệt là khi sân khấu tham gia vào cuộc cạnh tranh khán giả. Cơ chế thị trường đã làm cho các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật phân vân. Đó là sự chọn lựa khuynh hướng làm nghệ thuật hay kinh doanh.
Một vài đơn vị xã hội hóa đang quay trở lại kịch tâm lý với nội dung hiện thực, lối diễn xuất chân thực, hình thức nghệ thuật đúng đắn, nghiêm chỉnh. Hoàng Thái Thanh là sân khấu đang theo khuynh hướng này. Việc khai trương sàn diễn mới ở Nhà thiếu nhi Quận 10 bằng vở diễn “Đêm thiên nga”, một vở diễn kén khách nhưng chất lượng nghệ thuật lại rất cao là một minh chứng cho cái nhìn đúng đắn của hai đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội.
Ngược lại là sân khấu Superbowl vẫn tiếp tục diễn các đề tài trinh thám ly kỳ, sân khấu Thế giới Trẻ vẫn dựng diễn các đề tài kinh dị với các cảnh rùng rợn huyền ảo bí ẩn rất được khán giả yêu thích và có thể thấy ngay cả với các vở diễn có tính hàn lâm của các sinh viên làm bài thi tốt nghiệp đạo diễn cũng có bóng dáng các nhân vật đồng tính... để lôi cuốn người xem.
Tuy nhiên cũng nên có thái độ công bằng với các đạo diễn và tác giả trẻ bởi trong họ chứa đựng nhiều tố chất sáng tạo rất mới và rất “hot”. “Chicago” là một thành công bước đầu của sinh viên Khắc Duy bởi sau Chicago là nhiều vở kịch nói có thêm ca múa kiểu sân khấu tạp kỹ Mỹ. Sau vở này kịch có nhiều yếu tố để coi, thị giác được chú ý, được khai thác. Sân khấu 5B đã tiếp nhận lối làm nghệ thuật này với “Tuyết đỏ” và mới đây “Tình ca phố” đã gây được ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
Bắt nắm thời cơ để thành công. Sân khấu 5B với cái tạng xưa nay quen với cách làm vở nghiêm túc, có tìm tòi, ít nhiều mang tính thử nghiệm đã mạnh dạn thay đổi với vở diễn rất được cảm tình của khán giả mang tên “Tình ca phố”. Câu chuyện nhẹ nhàng, kịch tính không quá gay gắt, đôi nét trữ tình và một dàn nhạc sống diễn theo phong cách nhạc kịch (opérette) rất hợp thời và rất được ưa chuộng. Biết nắm bắt cơ hội, lại là nhũng người làm nghề có kinh nghiệm, các nghệ sĩ - giám đốc Nhà hát 5B đã làm được điều bất ngờ... một bước đến thành công.
Năm Mùi với sân khấu cải lương rất đẹp. Đó là cải lương sẽ có một dinh cơ mới, một Trần Hữu Trang lột xác bởi người làm cải lương đã có một vận hội rất tốt để chiêu mộ nhân tài, để người làm nghề nghĩ ra được cách vận hành mới cho Nhà hát cải lương một thời vang bóng. Khán giả ái mộ sân khấu này không muốn thành phố Hồ Chí Minh chỉ là địa danh của kịch nói, của xã hội hóa mà cần thiết phải là địa danh của sân khấu cải lương.
Năm Mùi cũng là năm kết thúc và mở đầu của nhiệm kỳ đại hội sân khấu. Trong năm Ngọ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã hoàn thành một cách mỹ mãn Đại hội đại biểu toàn quốc kết thúc nhiệm kỳ VII (2009 - 2014) và bắt đầu nhiệm kỳ VIII (2014-2019). Còn vào tháng 6.2015 Hội Sân khấu thành phố sẽ tiến hành đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây cũng là thời cơ để nắm bắt và hành động thúc đẩy sân khấu mạnh lên về nhiều mặt sáng tác và biểu diễn, là thời cơ làm thay đổi bộ mặt tinh thần của thành phố.
Về hậu vận tuổi Mùi. Tuổi Mùi có óc tưởng tượng phong phú, giàu năng lực sáng tạo, sáng tạo từ cái không thành có lại tỉ mỉ, khéo tay. Sàn diễn chính là không gian ở đó người diễn viên sáng tạo từ không thành có, từ giả thành thật, từ ảo thành thực. Tất cả nhũng kỹ năng để làm được điều này đều được rèn luyện, đào tạo từ các lò, các câu lạc bộ, các trường năng khiếu nghệ thuật.
Thực tế đời sống sân khấu cho thấy kết quả khả quan của công tác đào tạo đội ngũ. Có thể hầu hết những người làm nghệ thuật, từ quản lý, diễn viên, cán bộ... đều được đào tạo rất bài bản và họ đều có năng lực thực hiện vai trò được giao. Tuy nhiên, theo thời gian cái khoảng cách giữa các thể hệ cũ và mới ngày một dài, cái hố ngăn cách ngày một rộng, lớp trẻ chưa thay thế được lớp già, chưa kế tục được những thành quả thế hệ trước làm ra và để lại... Nhà trường chỉ là nơi vun xới những tài năng chớ không tạo ra tài năng.
Năm Ất Mùi này cũng là cơ hội để Trường có những cải tiến căn bản trong giảng dạy, truyền đạt. Sự lạc hậu về cơ sở hạ tầng, sự thiếu hụt những người Thầy đang cần được sớm khắc phục để rút ngắn lại những khoảng cách giữa các thế hệ trẻ - già.
Vai trò ông Tô Vũ. TôVũ chăn dê là một huyền thoại hay là con người có thật ở Trung Hoa không ai rõ, nhưng hầu như ai cũng biết sự tích ông là ông chăn dắt đàn dê tuổi Mùi. Hiểu theo cách khoa học hiện đại, Tô Vũ năm Mùi này là những nhà quản lý có trọng trách chăm sóc những công việc và con người sân khấu, không để hỏng việc, hỏng người.
Ngày Xuân chỉ nói nhũng điều lành, những may mắn, hạnh phúc, nhũng cái được trọng năm qua của sân khấu nên Thầy Ất xin khất nói về những sai sót chắc chắn là không ít. Năm Mùi này có nhiều điều kiện thiên thời, địa lợi để hoàn tất dần dần cái không gian văn hóa - nghệ thuật mà lâu nay chưa quan tâm tới vì mãi lo chuyện làm ăn kinh tế thị trường v.v...
Người làm sân khấu vốn giàu tưởng tượng, dễ lạc quan, cả tin vào cái ảo mà cứ tưởng như thật nên dễ vui dễ buồn. Giá như hát bội cũng có được một địa chỉ cố định để diễn thì lại mừng hơn và giá như các nhà hát kịch công lập cũng tấp nập khán giả thì niềm vui còn quá cỡ nữa. Và mong ước lớn nhất của tuổi Mùi là thấy sân khấu cả công lập và ngoài công lập đều có khán giả. Tác giả viết có nơi dàn dựng, diễn viên có nhân vật hay để diễn, đạo diễn có đủ các phương tiện để dàn kịch và khán giả có tuồng tích hay để coi. Vậy là Ất tôi mãn nguyện.
NSƯT Trần Minh Ngọc / Sân khấu