Năm 2023, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi số
Kinh tế số - Ngày đăng : 07:55, 23/01/2023
Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước “bứt phá” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số được coi là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Một trong những trọng tâm trong năm 2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng xác định ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao; có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định: "Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành kế hoạch chuyển đổi số, với mục tiêu rõ ràng: Nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%... Đặc biệt, các dịch vụ thanh toán số hóa 100%, còn về giải ngân cho vay của các công ty tài chính với các khoản cho vay nhỏ lẻ lên tới 70%".
Đồng thời, mục tiêu của NHNN trong năm 2023 là tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, đặc biệt tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, tổng kết thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money).
Ông Lê Anh Dũng – Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cung cấp thông tin, đến nay nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; khoảng 68% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng… trong đó đã có khoảng 5,6 triệu tài khoản và 8,9 thẻ ngân hàng được mở bằng e-KYC đang hoạt động; 2,2 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...; tăng trưởng bình quân giao dịch thanh toán qua kênh di động đạt 90%/năm trong nhiều năm gần đây. Nhiều tổ chức tín dụng đã tạo lập hệ sinh thái số các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; biến chiếc điện thoại với ứng dụng Mobile Banking trở thành “ngân hàng trong tầm tay” phục vụ nhiều nhu cầu thường nhật của người dân.
Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cho biết: "Những con số về chuyển đổi số ngành ngân hàng đạt được, cách đây vài ba năm tôi không bao giờ nghĩ đến, đó là tỷ lệ người trưởng thành mở tài khoản ngân hàng đạt tới 68%. Ước mơ của tôi là đưa tất cả dịch vụ lên mobile và thực tế nhiều ngân hàng giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí, phục vụ tốt hơn cho khách hàng".
Song song việc đẩy mạnh việc số hóa, NHNN sẽ tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; cảnh báo, khuyến nghị kịp thời về các vấn đề rủi ro, các giải pháp tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác trao đổi thông tin, ngăn ngừa, phát hiện, phòng chống tội phạm trong hoạt động thanh toán; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng.