Hàn Quốc: Triển lãm ảnh xưa của người chụp ảnh vô danh ở Triều Tiên

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:37, 23/01/2023

Một gian triển lãm 35 ảnh chụp năm 1948 có tên “Mùa Đông đó ấm áp” ở Seoul, với nỗ lực của Ban tổ chức triển lãm mong thu thập được thông tin về tác giả các bức ảnh này.

Gian triển lãm mở cửa mùng 2 Tết âm lịch, và đây là cuộc trưng bày đầu tiên, kể từ khi ông Lee Kyu-sang và người vợ Ahn Mi-sook mua lại gian triển lãm của một người quen hồi năm ngoái.

hanbok-1(1).jpg
Trẻ em mặc hanbok chơi đùa trên đường phố - Ảnh: Noonbit Publishing

Lẽ ra sẽ là một cuộc triển lãm ảnh xưa nếu như không có chuyện không có thông tin về tác giả các bức ảnh. Không một người nào biết ai đã chụp các bức ảnh được treo trên tường, cùng những tập sách ảnh do Noonbit Publishing xuất bản được xếp trên một bàn dài.

hanbok-6(1).jpg
Lee và vợ xem các sách ảnh trong gian triển lãm - Ảnh: Korea Times

Sự gắn bó của ông Lee với 35 bức ảnh xưa đã bắt đầu từ 15 năm trước, khi ông lần đầu tiên nhìn thấy 650 ảnh Kodachrome được bán trên eBay.

Là một chuyên gia thâm niên về nhiếp ảnh và đã in 700 bộ sách ảnh trong 35 năm qua, Lee kể rằng ông bị bất ngờ khi phát hiện ra các ảnh đó.

“Tôi tò mò về tác giả vô danh và rất muốn tìm hiểu về người này”, Lee - người lập và điều hành nhà xuất bản Noonbit Publishing - nói hôm mùng 2 Tết âm lịch.

Lee nhận ra giá trị các bức ảnh như một tư liệu lịch sử về người Triều Tiên và lối sống của họ trong 3 năm sau khi bán đảo Triều Tiên thoát khỏi chế độ đô hộ của Nhật. Ông lập tức mua toàn bộ các bức ảnh này.

hanbok-5(2).jpg
Hai anh em dạo phố Seoul - Ảnh: Noonbit Publishing

Trong 560 ảnh, Lee chọn ra 35 ảnh chụp từ tháng 1 đến tháng 2.1948 để trưng bày trong cuộc triển lãm kéo dài 1 tháng và sẽ kết thúc vào ngày 13.2 tới, với mong muốn có được những đầu mối giúp vợ chồng ông biết thông tin về tác giả.

“Chúng tôi rất muốn biết về tác giả và cuộc sống của người này ở Triều Tiên”, Lee nói.

hanbok-2(2).jpg
Phụ nữ Triều Tiên giặt quần áo trên sông Han phủ băng - Ảnh: Noonbit Publishing

Vợ Lee là Ahn, Giám đốc gian triển lãm nói rằng, các bức ảnh xưa không chỉ có giá trị về lịch sử, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, lột tả được cách sống của người dân thủ đô hồi 75 năm trước cùng nhiều trạng thái khác nhau của Seoul như: có xe điện, xe đạp và thậm chí có cả tuyến đường dành riêng cho người đi xe đạp.  Các bức ảnh còn cho thấy kiểu ăn mặc thời thượng của trẻ con và người lớn mặc bộ quốc phục hanbok.

hanbok-4(1).jpg
Hai thiếu nữ mặc hanbok vừa đi vừa nói chuyện trên đường phố - Ảnh: Noonbit Publishing

Vợ chồng bà Ahn hy vọng người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và giới truyền thông nước ngoài đưa tin về cuộc triển lãm của họ, để người biết, hoặc có thông tin về các bức ảnh hoặc người chụp sẽ liên lạc với họ.

Dựa trên những thông tin ít ỏi có được, vợ chồng bà Ahn đã tập hợp những chứng cứ để đoán xem tác giả các bức ảnh là ai. Họ tạm kết luận rằng tác giả là một người Mỹ đã làm việc với hoặc liên quan chính quyền quân sự Mỹ vốn đã hoạt động ở Triều Tiên từ tháng 9.1945 đến tháng 8.1948.

Lee cho biết, có một ảnh chụp một phụ nữ phương Tây mặc đồng phục, đứng cạnh một chiếc xe Jeep ở trung tâm Seoul. Ông nói: “Tôi đoán người chụp đã lấy xe chở người phụ nữ này và đậu xe ở trung tâm Seoul để chụp ảnh người phụ nữ”.

Việc phỏng đoán của Lee có cơ sở là vì bức ảnh được chụp nhiều tháng trước khi chính quyền quân sự Mỹ kết thúc nhiệm vụ ở miền nam bán đảo Triều Tiên hồi tháng 8.1948, tức trước khi lập Ủy ban Liên Hợp Quốc về Hàn Quốc (UNCOK) để giải quyết việc rút quân của các quân đội nước ngoài và tái thống nhất hòa bình hai miền Triều Tiên.

Lúc đó, miền bắc Triều Tiên do Liên Xô kiểm soát và Mỹ kiểm soát miền nam. Mục tiêu ban đầu của UNCOK là tái thống nhất bán đảo Triều Tiên vẫn bị dang dở do bùng nổ Chiến tranh Triều Tiên từ ngày 25.6.1950.

Một bức ảnh khác là tấm biểu ngữ chào mừng phái đoàn UNCOK thăm Seoul ngày 8.1.1948. Vợ chồng Lee cho rằng người chụp phải là nhân viên của chính quyền quân sự Mỹ, vì các người chụp ảnh quân sự thường tham gia những chuyến thăm này.

Thực tế thì mùa đông 1948 rất khắc nghiệt, tuyết rơi dày. Khi được hỏi tại sao đặt tên cuộc triển lãm là “Mùa Đông đó ấm áp”, Lee giải thích ông dùng sự trớ trêu này để nhấn mạnh một thông điệp: “Lúc đó, Triều Tiên tràn trề hy vọng vì đất nước thoát ách đô hộ của Nhật kéo dài 35 năm và chính thức chấm dứt sau khi Nhật đầu hàng, kết thúc Thế chiến 2. Người dân Triều Tiên tràn đầy năng lượng để chào đón sự khởi đầu mới của đất nước”.

hanbok-3(1).jpg
Hai người đàn ông mặc hanbok đi dạo ở Seoul - Ảnh: Noonbit Publishing

Tuy nhiên, một lời giải thích hợp lý hơn về sự trớ trêu của cái tên cuộc triển lãm và thực tế lạnh giá năm 1948, chính từ lời giới thiệu của Lee về các ảnh xưa: “Nếu quý vị xem các ảnh này, quý vị sẽ cảm thấy ấm áp. Tác giả đã chụp ảnh người Triều Tiên rất tự nhiên và không hề có thành kiến. Các bức ảnh này không được xem là sản phẩm của sự chinh phục. Hãy nhìn hai người đàn ông Triều Tiên mà xem, họ bước đi với dáng vẻ tự hào”.

Bảo Vĩnh